Người "hóa giải" mâu thuẫn của hàng xóm từ lòng đố kỵ...
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐó là câu chuyện được bà Thái Thị Thanh Năm là hòa giải viên, Tổ trưởng tổ dân phố ở Phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ khi bà hòa giải thành công.
Theo đó, gia đình bà T, sống tại căn nhà 2 tầng ở phường Kim Giang, là một gia đình văn hóa, có tiếng là sống hòa đồng với hàng xóm, trách nhiệm với tập thể và chính quyền địa phương. Sau nhiều năm tích góp, gia đình bà có được chút tiền nên muốn sửa sang lại nhà cửa, xây thêm tầng 3 để còn có chỗ phơi phóng cho sạch sẽ.
Trước khi lên kế hoạch sửa nhà, gia đình bà T đã làm hồ sơ, thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà theo quy định của pháp luật và đã được chính quyền địa phương đồng ý. Đồng thời, gia đình bà T cũng thực hiện việc thi công, sửa chữa theo đúng quy định, vật liệu để ngoài đường, thi công vào đúng khung giờ cho phép để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Ấy vậy mà, từ khi nhà bà T bắt tay vào công việc sửa nhà thì một số người hàng xóm không đồng ý vì cho rằng gây tiếng ồn, bụi bặm, ảnh hưởng đến nhà họ và khu phố. Trong đó, có bà H là người phản đối kịch liệt. Đêm hôm, bà H vẫn đến nhà tổ trưởng tổ dân phố để phản ánh, kiện cáo, yêu cầu gia đình bà T phải dừng ngay việc sửa nhà…
Bà Thái Thị Thanh Năm được người dân yêu mến, tin tưởng khi là người hòa giả thành nhiều vụ việc mang lại bình yên cho khu phố, kết nối tình làng nghĩa xóm |
Trước sự việc đó, bà Năm đã xuống gặp gia đình bà T và được bà T cung cấp đầy đủ giấy tờ về việc sửa nhà được UBND phường cấp phép. Qua quan sát, bà Năm thấy rằng, nguyên vật liệu gia đình bà T để đúng quy định, không lấn chiếm, không gây ảnh hưởng, vướng mắc đường đi lối lại. Việc khoan đục, sửa chửa đều được gia đình bà T thi công vào buổi tối ở khung giờ cho phép.
Như vậy, lý do gì mà bà H và một số hàng xóm lại phản đối, không cho bà T sửa nhà? Đó là một câu hỏi bà Năm đặt ra để biết được nguyên căn do đâu và tìm ra hướng giải quyết ổn thỏa nhất.
Tiếp tục đi “thị sát”, trực tiếp đi sâu, đi sát xuống nhà dân để tìm hiểu cùng với kinh nghiệm 10 năm làm công tác hòa giải, bà Năm đã nắm bắt được nguồn cơn của sự rắc rối này là do lòng đố kỵ của bà H. Nhiều người khi thấy người khác hơn mình là ghen ăn tức ở rồi sinh ra nói xấu nhau, lấy cớ để kiện cáo nhau… là chuyện thường ngày trong quần chúng nhân dân chứ không chỉ riêng bà H.
Để gỡ rối trong câu chuyện này, bà Năm đã vận dụng khéo léo, mềm dẻo trong hòa giải. Gặp trực tiếp bà H, chia sẻ nhưng câu chuyện tình cảm xóm giềng trong cuộc sống, đưa ra những lời khuyên chân thành đủ tình, đủ lý để bà H hiểu ra rằng việc mình phản đối, kiện cáo nhà bà T là không đúng. Đồng thời, để mình và gia đình có một cuộc sống an yên, thoải mái và vui vẻ thì mình nên nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực.
Từ những phân tích và chia sẻ của bà Năm đã làm cho bà H dần thay đổi. Từ đó, gia đình bà T yên tâm sửa sang lại nhà cửa, bà H cũng nở nụ cười nhiều hơn với những người hàng xóm của mình. Khu phố bình yên trở lại.
Bà Năm chia sẻ: "Khi mình hòa giải thành một vụ việc, điều mà những người làm công tác hòa giải cảm thấy hạnh phúc và yêu công việc của mình hơn là khi thấy tình làng nghĩa xóm luôn vui vẻ, đoàn kết, bà con khối phố luôn giúp đỡ nhau, sống chan hòa, tình cảm...".
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại