Thứ năm 10/10/2024 12:39

Người đẹp trung niên tìm niềm vui nơi câu ca tiếng hát, làm động lực sửa chữa sai lầm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mong muốn kiếm được nhiều tiền trong thời gian ngắn, Xuân đã bàn với chồng biến ngôi nhà 6 tầng chuyên kinh doanh karaoke của mình thành nơi dành cho dân bay lắc sử dụng ma túy. Những ngày trong trại cải tạo, người đàn bà trung niên này chăm chỉ lao động và lấy lời ca tiếng hát làm niềm vui, làm động lực để quên đi bản án 14 năm tù.
Phạm nhân Nguyễn Thị Hương Xuân (ngoài cùng bên trái) cùng chị em trong đội chào hỏi đoàn cán bộ trại giam xuống kiểm tra nơi ăn ở
Phạm nhân Nguyễn Thị Hương Xuân (ngoài cùng bên trái) cùng chị em trong đội chào hỏi đoàn cán bộ trại giam xuống kiểm tra nơi ăn ở.

Giá đắt của lòng tham

Nét mặt tươi tắn cộng thêm cách nói chuyện trẻ trung của Nguyễn Thị Hương Xuân, SN 1958 ở Đống Đa, Hà Nội khiến ai lần đầu tiếp xúc cũng chỉ nghĩ rằng người phụ nữ này mới qua tuổi ngũ tuần. Xuân trẻ hơn nhiều so với cái tuổi xuýt xoát bảy mươi của mình mà theo chị ta, bí quyết để giữ được nét đẹp thanh xuân chính là sự lạc quan và đam mê ca hát.

“Từ hồi thanh niên tôi đã chơi với giới văn nghệ sĩ, phần vì tính thích ăn diện, diêm dúa, phần vì rất mê ca hát”, phạm nhân Hương Xuân kể. Trước khi vào tù, nữ phạm nhân này mang 2 quốc tịch Việt Nam và Canada.

Theo tài liệu điều tra, năm 1998, vợ chồng Nguyễn Thị Hương Xuân mua đất rồi xây căn nhà 6 tầng có diện tích hơn 200m2 ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa, dùng để ở và kinh doanh. Bốn tầng dưới, vợ chồng Xuân thiết kế làm nhiều phòng dành để kinh doanh karaoke lấy tên là Hương Xuân do người chồng đứng tên đăng ký kinh doanh còn 2 tầng trên cùng làm nơi sinh hoạt hàng ngày của gia đình và chỗ nghỉ của nhân viên.

Tháng 12/2004, Xuân bàn với chồng tu sửa một số phòng hát dành làm nơi bay lắc cho khách có nhu cầu để thu lợi nhuận cao hơn. Theo đó, vợ chồng Xuân đã thiết kế lại hệ thống dàn âm thanh có công suất lớn, lắp thêm hệ thống ánh sáng, đèn màu cảm ứng và làm lại phần cách âm sao cho để mỗi khi khách mở nhạc lớn không thoát ra bên ngoài,…

Theo lời khai của vợ chồng Xuân thì nếu khách vào hát karaoke sẽ được nhân viên dẫn vào những phòng hát bình thường còn những phòng “đặc biệt” chỉ dành cho khách có nhu cầu sử dụng ma túy. So với thời điểm đó, giá thuê của những phòng đặc biệt này khá đắt đỏ, thường là 120 nghìn đồng/ giờ và thường được khách thuê sử dụng suốt đêm, có khi đến tận trưa hôm sau.

Khi việc làm phi pháp của vợ chồng Xuân bị lực lượng chức năng phát hiện, người phụ nữ này bỗng dưng biến mất khỏi nơi cư trú. Chính vì thế mà khi vụ việc được đưa ra xét xử năm 2005, Hương bị TAND TP Hà Nội tuyên án vắng mặt. Đến năm 2013, Hương mới bị bắt giữ và đưa đi thi hành án.

“Thời điểm toà xử vắng mặt tôi đang ở nước ngoài. Tôi đâu có biết là mình phạm tội vì nghĩ rằng tôi không đứng tên xin phép kinh doanh, không trực tiếp thu tiền của khách, không đưa ma tuý cho họ thì không có tội nên cứ yên trí ra nước ngoài làm ăn. Đến khi nghe tin chồng ra tù, tôi quay về mới biết mình bị xử vắng mặt rồi vào đây”, phạm nhân Xuân trần tình.

Hỏi ở nước ngoài là ở đâu, người đàn bà này thản nhiên: “Năm 1980 tôi vượt biên rồi mang quốc tịch Canada từ đó nên quay sang đó thôi”.

Tìm niềm vui ở những câu ca tiếng hát

Là một trong hai nữ phạm nhân cao tuổi nhất đội phạm nhân nữ được điều chuyển từ trại giam Phú Sơn về trại giam Vĩnh Quang nhưng cách ăn mặc, cách nói chuyện của Xuân chẳng khác nào của những cô gái trẻ. Xuân bảo có những thứ không thể cưỡng lại được là thời gian bắt chúng ta phải già đi thì bản thân không được phép bắt chính mình phải sống đúng tuổi. Cách tốt nhất để mình trẻ ra là không được đối xử tệ với bản thân, lúc nào cũng phải vui vẻ lạc quan, yêu đời và cũng vì suy nghĩ ấy mà những lúc nào Xuân cũng nhí nhảnh ca hát.

Vốn đam mê ca hát từ hồi trẻ có cơ hội trở lại. Thay vì buồn chán, Xuân tìm nguồn vui trong hát hò và thi thoảng mượn sách báo về đọc để “tăng kiến thức và hiểu về thế sự, thời cuộc” như lời phạm nhân này bộc bạch.

Có một điều mà tuyệt nhiên Xuân không hề nhắc tới suốt buổi nói chuyện, ấy là chồng con và người thân. Xuân bảo đi cải tạo là có lỗi với bản thân, có tội với người thân rồi nên không muốn nhắc đến vì có nhắc cũng chỉ thêm đau lòng mà không giải quyết được việc gì vì dù thế nào thì chuyện cũng xảy ra rồi, không thay đổi được.

Hỏi Xuân về cuộc sống trong trại giam thời gian trước khi được chuyển về trại giam Vĩnh Quang, chị ta hồn nhiên kể: “Tôi từng ở trại giam Thanh Xuân rồi mới về trại giam Phú Sơn. Ở đấy, tôi lao động ở đội thêu, đội may, bất cứ việc gì cán bộ giao tôi cũng hoàn thành. Tôi không kén chọn việc vì xác định vào đây là để chuộc lỗi, là để sửa chữa sai lầm. Biết việc nào hay việc nấy, biết đâu sau này lại sống được bằng nghề đó”.

Nữ phạm nhân này đã 3 lần được xét giảm án với tổng số thời gian được giảm là 45 tháng. Xuân bảo sẽ cố gắng phấn đấu để năm nào cũng được xét giảm, sớm có cơ hội ra tù.

Hỏi về dự định cho ngày trở về với gia đình, Xuân bảo đang ấp ủ rất nhiều dự định nhưng quyết định làm việc gì còn tuỳ thuộc vào ngoại cảnh.

“Có thể tôi vẫn ở lại Việt Nam cùng người thân tạo dựng cuộc sống vì ở đây tôi vẫn còn nhà, còn gia đình, bạn bè quan tâm. Nhưng nếu tôi không bắt nhịp được với dòng chảy của xã hội thì tôi sẽ ra nước ngoài, sống bằng đồng lương trợ cấp người cao tuổi. Nói chung là còn tùy vào tình hình song tôi vẫn mong muốn ở lại quê hương mình hơn”, Xuân tâm sự.

Diện mạo trẻ trung nhưng câu nói này của Xuân cho thấy nội tâm của người đứng tuổi bởi khi con người ta lớn tuổi, ai cũng có suy nghĩ trở về cội nguồn, nơi mình đã sinh ra, lớn lên để hồi tưởng lại những ngày thơ ấu.

Tiếng hát giúp những tâm hồn lầm lỗi quay về nẻo thiện
Nhói lòng lời tâm sự của một người cha có con mang trọng tội
Tự sự của người đàn ông đi tù vì “Lừa đảo”
Nguyễn Vũ - Hà My
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động