Thứ tư 24/04/2024 10:45

Người đàn ông đi khai sinh cho nhiều trẻ em ở bãi bồi sông Hồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hơn 30 năm sống ở khu vực này, ông Nguyễn Đăng Được đã chứng kiến nhiều người đến sinh sống rồi sinh con và phần lớn đứa trẻ sinh ra là kết quả của những cuộc hôn nhân không giá thú, không đăng ký kết hôn, không giấy tờ như bố mẹ của chúng. Cảm nhận được sự chăm học, khát khao được đến trường của các cháu nên ông đã không quản khó khăn đi xin giấy khai sinh cho các cháu.
Ông Nguyễn Đăng Được đã không quản khó khăn đi xin giấy khai sinh cho các cháu
Ông Nguyễn Đăng Được đã không quản khó khăn đi xin giấy khai sinh cho các cháu

Ngày 30/5, chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Được, 76 tuổi, đang ngụ cư ở bãi bồi ven sông Hồng, thuộc địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội cho biết, hơn 30 năm qua, ông cư ngụ dưới chân cầu Long Biên. Ngày trước ông ở dưới thuyền, nhà nổi nhưng từ ngày ông làm thư viện, nơi vui chơi cho trẻ nhỏ nên mới lên bãi bồi sinh sống. Ông Được cho biết thêm, ở bãi bồi, xóm phao này mọi người đều gọi ông là trưởng xóm, có việc gì đều liên hệ đến ông.

Kể lại câu chuyện làm giấy khai sinh cho gần 40 trẻ em sinh ra và lớn lên ở bãi bồi, ông Được cho hay, hơn 30 năm sống ở khu vực này, ông chứng kiến từ bãi sông heo hút không nhà dần trở thành xóm ngụ cư, nhà phao với bao hoàn cảnh lang thang tới đây. Họ đều là những người vô gia cư, không có giấy tờ tùy thân, không định danh, không chế độ, rời bỏ quê từ lâu hoặc sinh ra đã lênh đênh trên sông nước theo bố mẹ,… Họ đến đây đều sống trên thuyền, trong những căn nhà nổi trên sông, nhiều gia đình có 2-3 thế hệ cùng sống trên không gian chật hẹp đó.

Ở khu vực này dần dần có nhiều người đến sinh sống rồi sinh con và phần lớn đứa trẻ sinh ra là kết quả của những cuộc hôn nhân không giá thú, không đăng ký kết hôn, không giấy tờ như bố mẹ của chúng.

Nhìn những đứa trẻ đến tuổi đi học mà không có giấy khai sinh, không được vào trường nên ông đã tự dạy cho các cháu biết đọc, biết viết. Bên cạnh đó, ông Được còn gặp những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ ở đường phố Hà Nội thì ông đều rủ chúng về sống với ông và ông dạy con chữ cho đám trẻ. Lớp học tình thương đầu tiên của ông tại sông Hồng được ra đời như thế. Sau này, khi quen biết một số người, ông Được có sự giúp đỡ của các em sinh viên đến dạy giúp cho các cháu.

Quá trình dạy các cháu, ông Được cảm nhận được sự chăm học, khát khao được đến trường của các cháu nên ông đã suy nghĩ về việc làm giấy khai sinh cho các cháu. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ từ các tổ chức thiện nguyện, ông đã cùng những người trong cuộc, có cháu nhỏ đi về quê gốc của ông bà, bố mẹ người thân của các cháu để xin xác nhận quê quán. Khi có xác nhận trên, ông Được mới xin được giấy khai sinh cho các cháu.

Nhớ lại hành trình xin cấp giấy khai sinh cho trẻ em xóm ngụ cư, ông Nguyễn Đăng Được thông tin, khó khăn nhất trong việc xin cấp giấy khai sinh cho trẻ em tại xóm ngụ cư bãi bồi sông Hồng chính là dân vô gia cư. Chính vì họ vô gia cư nên ông phải lặn lội đường xá xa xôi đi từng quê quán của các cháu để xác minh gốc gác. Sau khi có các giấy tờ chứng minh đó thì mới về phường Ngọc Thụy làm các thủ tục khai sinh cho trẻ.

Theo ông Được, đến thời điểm hiện tại, trẻ em ở bãi bồi sông Hồng đều có giấy khai sinh và đứa bé được khai sinh gần nhất là thực hiện xong cách đây khoảng 2 tháng, cháu gái SN 2017. Đến nay, ông đã làm thủ tục khai sinh cho gần 40 trẻ em tại đây.

“Đời chúng tôi đã khổ rồi, tôi thực hiện thủ tục khai sinh cho các cháu nhỏ từ suy nghĩ trong thâm tâm của mình và bằng sự kiên trì, lòng quyết tâm tôi đã thực hiện thủ tục cho gần 40 cháu. Đến giờ, không còn trẻ em nào ở bãi bồi sông Hồng không được khai sinh. Tôi mong muốn các cháu chịu khó học, chăm ngoan để thoát khỏi cảnh sống ở nhà phao, tạm bợ, có cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình khá giả”, ông Được nhấn mạnh.

Những đứa trẻ ở bến sông Hồng: Mong mỏi, chờ đợi giản đơn trong ngày Tết thiếu nhi
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động