Nghi phạm có bị kích động hay không?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghi phạm Sơn Thị Hồng tại CQCA |
Tạo hiện trường giả để thoát tội
CQ CSĐT - CA tỉnh Cà Mau cho biết, đang củng cố hồ sơ để tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ việc vợ giết chồng giấu thi thể xuống ao gần nhà. Nạn nhân là ông L.V.T (42 tuổi, trú tại ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Theo điều tra ban đầu, Sơn Thị Hồng, 46 tuổi khai nhận, có chung sống như vợ chồng với ông T được 4 năm và có 1 đứa con chung được 3 tuổi. Thời gian không đi làm ngư phủ, ông T hay tụ tập bạn bè ăn nhậu, khi về nhà đánh đập bà Hồng.
Trong đợt Tết Nhâm Dần vừa qua, sau khi đi nhậu về ông T gây sự, có lời lẽ thách thức với bà Hồng. Trong lúc không kiềm chế, bà Hồng đã cầm dao chém vào ông T, khiến nạn nhân tử vong. Sau đó, bà Hồng tạo hiện trường giả để thoát tội bằng cách buộc cục sắt và nhiều vật có trọng lượng nặng vào người ông T rồi kéo xác giấu xuống ao phía sau nhà và nói chồng mình đã theo tàu ra biển đánh cá.
Sáng 13/5, gia đình nhà chồng nói sẽ tát ao, nơi bà Hồng giấu thi thể chồng để bắt cá, làm đám giỗ cho mẹ chồng bà Hồng. Biết không thể che giấu tội ác của mình nên bà Hồng thừa nhận sự việc. Ngay sau đó, người thân của nạn nhân đến CA xã Khánh Bình Tây Bắc báo án.
Trước đó, chiều 13/5, bà Hồng đến CA xã Khánh Bình Tây Bắc đầu thú về việc giết chồng là ông T và giấu xác dưới ao cạnh nhà. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng CA đến hiện trường xác minh và bơm nước tát ao để tìm thi thể. Tại vị trí bà Hồng khai nhận giấu thi thể chồng, lực lượng CA phát hiện 1 khúc xương, 1 dây thắt lưng nam và 1 quần jeans.
Quá trình điều tra, CQ CSĐT – CA tỉnh Cà Mau đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, tạm giam bà Sơn Thị Hồng để điều tra về hành vi giết người. Vụ việc đang được CQCA tiếp tục điều tra, làm rõ.
Tiến hành điều tra làm rõ sự thật khách quan
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong trường hợp lời khai của bị can phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án thì có thể xác định hành vi của bị can Sơn Thị Hồng đã cấu thành tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017.
“Theo quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015 thì người thực hiện hành vi giết người phải đối diện với khung hình phạt từ 7 năm tù đến 15 năm tù (khoản 2) hoặc 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (khoản 1). Ngoài hình phạt chính, người phạm tôi có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung ...”, luật sư Thái phân tích.
Về việc bị can Hồng khai thường xuyên bị ông L.V.T đánh đập dẫn đến hành vi giết người, luật sư Thái thông tin, CQĐT sẽ tiến hành điều tra làm rõ sự thật khách quan của lời khai này, làm rõ hành vi bạo hành của nạn nhân với bị can diễn ra như thế nào, làm rõ việc bị can có hay không bị kích động và mức độ kích động của bị can Hồng trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội.
Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng gây án bị đè nén, chèn ép, bị hành hạ nhiều lần dẫn đến ức chế tinh thần, bị kích động mạnh nên thực hiện hành vi phạm tội thì có thể xử lý về tội "Giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh" theo Điều 125 BLHS.
Ngoài ra, theo luật sư Thái, trong vụ án này, nếu tinh thần của đối tượng chỉ bị kích động nhưng không được coi là kích động mạnh, đối tượng giết người do thách thức của nạn nhân thì sẽ không bị xử lý về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà sẽ xử lý về tội "Giết người" theo Điều 123 BLHS và có thể xem xét đến hành vi nạn nhân có lỗi một phần.
Với hành vi giết người, đối tượng có thể sẽ phải chịu mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Còn nếu đối tượng bị xử lý về tội "Giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh" theo Điều 125, hình phạt sẽ nhẹ hơn.
Về hành vi của bị can Hồng buộc xác nạn nhân vào các vật nặng để giấu dưới ao sẽ được CQĐT làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của bị can. Trong trường hợp động cơ, mục đích của bị can Hồng là để che giấu hành vi phạm tội mà không có mục đích xâm phạm thi thể của nạn nhân thì hành vi này sẽ không cấu thành tội “Xâm phạm thi thể” theo quy định tại Điều 319 BLHS năm 2015.
Luật sư cho biết, trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, hầu hết là đều do những mâu thuẫn trong đời sống, nhiều trường hợp tinh thần của đối tượng gây án bị kích động, bức xúc, thiếu kiềm chế dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội. Có những trường hợp hành vi phạm tội xuất phát từ hành vi trái pháp luật, đạo đức xã hội nghiêm trọng của nạn nhân trước đó khiến tâm lý của đối tượng gây án bị ức chế, dồn nén lâu ngày nên thực hiện hành vi phạm tội.
“Trong vụ án này CQĐT sẽ thận trọng đánh giá chứng cứ, làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng gây án để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật”, luật sư Thái nói.
Để hạn chế các vụ án có nguyên nhân từ nạn bạo hành, luật sư Thái cho rằng, người trong cuộc cần trang bị kiến thức pháp luật, đặc biệt là các quyền và nghĩa vụ theo Luật Hôn nhân và gia đình. Đối với phụ nữ là nạn nhân cần từ bỏ tâm lý xấu hổ hoặc cam chịu. Đối với chính quyền địa phương, nhất là Hội Phụ nữ cần mở rộng tuyên truyền về vấn nạn bạo hành trong gia đình (cách nhận biết, phương pháp, cách thức xử lý tình huống bị bạo hành...) đối với phụ nữ trên địa bàn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại