Nghệ thuật công cộng, điểm nhấn của đô thị hiện đại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng ra mắt vào dịp đầu Xuân 2018 |
Dù mới xuất hiện tại Hà Nội khoảng một thập kỷ nay, nhưng với sự độc đáo, mới lạ và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tạo sức hấp dẫn cho đô thị, lan truyền cảm hứng sáng tạo, nên các không gian sáng tạo nghệ thuật công cộng đang được nhiều người đón nhận.
Hà Nội cũng là nơi có số lượng không gian sáng tạo nhiều nhất cả nước, với hơn 60 địa điểm, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; kiến trúc, thiết kế, thủ công; không gian làm việc chung, hỗ trợ khởi nghiệp… Đây là một trong những nhân tố cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa, hiện thực hóa tầm nhìn khi Hà Nội trở thành thành viên mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO.
Trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội ngày càng quan tâm đến các chương trình phát triển nghệ thuật công cộng, tạo điều kiện để mỹ thuật đến với công chúng rộng rãi. Với những công trình mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp cổ có tầm vóc khu vực, không gian cảnh quan sẵn có nổi bật như khu phố cổ, Nhà hát Lớn, bảo tàng… và những công trình kiến trúc mới như cầu Nhật Tân, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… thì việc đánh thức tiềm năng nghệ thuật công cộng là một sự kích hoạt mang tính cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Chạy dọc từ cửa khẩu An Dương trên đường Yên Phụ, dọc theo phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư đến tận cửa khẩu Vạn Kiếp, Con đường gốm sứ ven sông Hồng với chiều dài 4km, diện tích gần 7.000 m2, mỗi mét vuông tranh tường sử dụng khoảng 1.000 miếng gốm nhỏ. Những mảnh gốm nhỏ chỉ có kích cỡ 3x3cm ấy đã phủ óng ánh lên bề mặt vách bê tông khô cứng trên con đường đê chạy dài ôm lấy Thủ đô Hà Nội, mang lại vẻ đẹp rực rỡ cho cảnh quan đô thị.
Hay như phố bích họa Phùng Hưng, các nghệ sỹ biến nơi này trở thành một khu phố nghệ thuật công cộng, một điểm nhấn văn hóa thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách. Gần đây nhất là dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã biến toàn bộ khu vực bờ bãi chạy dọc sông Hồng vốn rất ô nhiễm trước đó thành khu vực sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời chạy dọc hơn 500 mét ven sông.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Nghệ thuật công cộng càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội đáng sống, hình thành trên nền tảng những công dân biết yêu cái đẹp, hướng đến tính thiện và biết chia sẻ yêu thương; một phần khác bởi vì các không gian công cộng chính là điểm nhấn của một đô thị. Quan tâm đến các không gian công cộng, làm cho chúng trở nên đẹp và hấp dẫn hơn không chỉ giúp các không gian công cộng tôn vinh vẻ đẹp cho địa điểm, mà còn tạo ra hình ảnh năng động, giá trị về chính trị, văn hóa, và đặc biệt là tạo ra lợi ích kinh tế cho một đô thị”.
Có thể nhận thấy, không gian văn hóa nghệ thuật, nhất là không gian văn hóa nghệ thuật cộng đồng đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Hơn cả, nó tạo sức hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho TP vốn cần nhiều “bức tranh” sáng tạo đa sắc màu như không gian đi bộ, phố bích họa hay con đường nghệ thuật. Đưa văn hóa, nghệ thuật vào không gian sống không chỉ làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp, mà còn tạo ra bản sắc mới cho TP.
Chính các không gian này còn thúc đẩy ngành du lịch Thủ đô phát triển khi ngày càng có nhiều du khách tìm kiếm các trải nghiệm thông qua văn hóa truyền thống và nghệ thuật đương đại. Các không gian này góp phần kích thích sự sáng tạo của xã hội và tạo nên một bản sắc mới.
Nhiều không gian văn hóa đa sắc màu được hình thành, nhiều mảng màu cũ được hồi sinh khiến cho Hà Nội thêm sinh động, cân bằng giữa cũ mới, truyền thống và hiện đại, thúc đẩy thành phố phát triển bền vững.
Theo họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, Giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội: “Những dự án mang yếu tố cảnh quan và cộng đồng như vậy đã làm cho không gian vốn chật hẹp, ngổn ngang của khu vực trung tâm TP được cân bằng trở lại và tìm được sức sống mới ngay trên chính những di sản không gian, di sản kiến trúc đậm tính lịch sử”. |
Quy hoạch hai bên sông Hồng theo hướng tạo lập đô thị hiện đại | |
"Đô thị nén" – giải pháp hữu hiệu của các đô thị hiện đại | |
Ấm tình hàng xóm giữa đô thị hiện đại |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại