Những cây cầu nối liền hai bờ sông Hồng: Bước đột phá cho đô thị hiện đại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững cây cầu nối liền hai bờ sông Hồng đã và đang góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy |
Những cây cầu duy trì mạch nối hệ thống giao thông
Thành phố (TP) Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa việc biến ý tưởng xây dựng đô thị hiện đại hướng ra sông Hồng và trong sự phát triển đó chúng ta không thể không nhắc đến những cây cầu nối quá khứ với hiện tại. Mỗi cây cầu đều mang một ý nghĩa lịch sử, một vẻ đẹp riêng cũng như đóng góp vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa các quận, huyện với khu trung tâm TP.
Thực tế, trong sự phát triển không ngừng nghỉ của giao thông đô thị, việc xây dựng thêm những cây cầu nối liền hai bờ sông Hồng để Hà Nội phát triển kinh tế ngày mỗi nhanh, mạnh, bền vững đã được tính đến từ lâu. Các nhà quy hoạch và cơ quan quản lý cũng khẳng định, chính những cây cầu như: Long Biên, Chương Dương, Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy,... đã và đang góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội, kiến trúc, cảnh quan đô thị của Hà Nội.
Tuy nhiên, số lượng cầu bắc qua sông Hồng cho đến giờ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa cũng như giao thương phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Đòi hỏi phải mở thêm nhiều cầu để kết nối và tạo điều kiện cho bờ Nam hỗ trợ bờ Bắc, hướng tới sự phát triển toàn diện, đồng đều của Thủ đô.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, theo Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân, bên cạnh việc liên kết các huyết mạch giao thông, nhiều cầu vượt sông Hồng còn có ý nghĩa rất lớn đối với quy hoạch đô thị Hà Nội. Ví dụ như việc di dân từ khu vực phố cổ sang bờ Bắc sông Hồng, khu vực huyện Gia Lâm, quận Long Biên, muốn thực hiện được phải có hệ thống cầu thông thương tốt để người dân đi lại thuận tiện.
Được biết, trong Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Hà Nội sẽ có thêm các cầu như: Hồng Hà, Mễ Sở, Thăng Long mới, Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc. Phải khẳng định, những cây cầu kể trên khi được đầu tư và xây dựng sẽ đóng vai trò khép kín, tạo sự liên kết các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 3,5 và Vành đai 4, đồng thời tạo “cú huých” mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía bắc sông Hồng.
Ngày 30/8 vừa qua, TP Hà Nội đã đưa vào khai thác cầu Vĩnh Tuy 2. Ảnh: Khánh Huy |
Tạo sức vóc mạnh mẽ và bền vững cho Hà Nội
Vừa qua, TP Hà Nội đã đưa vào khai thác cầu Vĩnh Tuy 2. Đây là công trình trọng điểm được đánh giá hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Sau khi công trình cầu Vĩnh Tuy 2 được đưa vào khai thác đã góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông kết nối giữa hai bờ sông Hồng, hoàn thiện tuyến đường vành đai giai đoạn 2 và kết nối với các tuyến vành đai khác của TP Hà Nội; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi các đô thị phía Bắc Thủ đô.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi cây cầu bắc qua sông Hồng phải thấm đẫm nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô nghìn năm văn hiến; hơn nữa còn có thể hướng tới các giá trị kinh tế - xã hội thiết thực. Những ý tưởng như biến cầu vượt sông Hồng thành điểm tham quan du lịch, hay một nền tảng để khai thác kinh tế giao thông cần được xem xét nghiêm túc, cụ thể.
Ông Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, những cây cầu vượt sông Hồng là các công trình có chức năng quan trọng trong hệ thống giao thông khung của Thủ đô. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu vượt sông là một trong những tiền đề để bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội đồng bộ giữa các khu vực trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, các công trình cầu vượt sông là những công trình có quy mô và nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thi công lâu (nhưng rất thuận lợi về mặt bằng). Nguồn lực đầu tư công của TP hiện nay là rất hạn chế, phải phân bổ cho nhiều công trình, dự án đầu tư quan trọng khác trên địa bàn TP nên việc đề xuất nguồn vốn, mô hình đầu tư, khai thác sử dụng là rất quan trọng, cần được sớm quan tâm, xem xét.
Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa việc biến ý tưởng xây dựng đô thị hiện đại hướng ra sông Hồng. Với lộ trình rõ ràng, với những bước đi bài bản, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành chức năng, người dân có thể tin tưởng vào một TP hai bên sông Hồng sẽ dần định hình trong tương lai.
Những cây cầu nối liền hai bờ sông Hồng, nối liền lịch sử hôm qua và hôm nay, đã tạo ra cho mảnh đất ngàn năm văn hiến này những dáng vẻ vừa bề thế lại vừa thâm trầm, vừa vững chãi lại vừa đặc sắc. Hơn hết, những cây cầu đang trở thành động lực chắp cánh cho một Thủ đô cởi mở trong hội nhập, tạo sức vóc mạnh mẽ và bền vững cho Hà Nội hiện tại và tương lai.
Mới đây, Sở Giao thông - vận tải TP Hà Nội đã đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận. Cụ thể gồm: Cầu vượt sông Hồng số 1 nằm trên trục đường Tây Bắc - Quốc lộ 5B, để kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Như vậy, nếu đề xuất được phê duyệt, Hà Nội sẽ có 22 cầu vượt sông Hồng, 9 cầu đã xây dựng, 13 cây cầu sẽ được triển khai trong thời gian tới. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại