Thứ hai 09/09/2024 12:23

Kết nối bền vững nghệ thuật công cộng trong đô thị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các tác phẩm nghệ thuật công cộng (NTCC) không chỉ làm đẹp không gian, là niềm tự hào của người dân Thủ đô mà còn góp phần phát triển thu hút du lịch của Hà Nội.
Kết nối bền vững nghệ thuật công cộng trong đô thị
Nhiều người thích thú trải nghiệm không gian nghệ thuật cầu đi bộ Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thúc đẩy sự quan tâm thu hút du lịch

Trong những năm gần đây, các dự án NTCC đã xuất hiện ngày một nhiều hơn không những ở những đô thị lớn mà còn ở những vùng nông thôn, thị xã xa xôi. Chưa bàn nhiều đến chất lượng các dự án nhưng có thể thấy rõ ràng nhu cầu thường thức hay tối thiểu là nhu cầu xuất hiện của những dự án NTCC trong những không gian công cộng là một xu thế của đời sống xã hội đương đại lan tỏa từ văn hóa toàn cầu và làn sóng đô thị hóa. Trong thời gian gần đây, sự vận động mạnh mẽ của các không gian nghệ thuật như Manzi, VCCA,… đã khiến cho đời sống nghệ thuật và văn hóa của Hà Nội trở nên sôi động hơn trước. Ngoài ra còn một số dự án và không gian sáng tạo khác có thể bổ sung làm giàu thêm sức hấp dẫn của Hà Nội.

Đầu tháng 5/2024, cây cầu đi bộ phố Trần Nhật Duật trở thành một bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng, với chủ đề “Nước”. Ở đó, tác phẩm “Thủy cung” hấp dẫn với nhiều loại mô hình các loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu. Đặc biệt hơn, các mô hình này được làm từ vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, ni lông tái chế được sắp đặt, tiếp nhận ánh sáng bởi hệ thống đèn hắt dọc hai bên vòm cầu cũng như hệ thống ánh sáng đèn led bên trong gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trong thời gian triển khai 3 tháng, Dự án NTCC trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật là mộtkhông gian nghệ thuật rất thú vị, gắn với thiên nhiên, môi trường, gửi tới thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa, sử dụng vật liệu tái chế để bảo vệ môi trường. Đây cũng là mục tiêu Hà Nội đặt ra và gắn với phát triển công nghiệp văn hóa. Không gian nghệ thuật này khẳng định một lần nữa vai trò của sông Hồng với Thủ đô Hà Nội từ xa xưa đến nay.

Khai thác nguồn lực để phát triển du lịch

Kết nối bền vững nghệ thuật công cộng trong đô thị
Không gian nghệ thuật công cộng phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn tại Thủ đô.

Là người từng người có kinh nghiệm tham gia và thực hiện một số dự án NTCC tại Mỹ và châu Âu, cũng như từng trực tiếp tham quan và tìm hiểu các dự án NTCC ở các TP như Seoul, Bangkok, Singapore, Venice… và nhiều TP khác; Thạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận thấy sự gắn bó mật thiết của việc phát triển các dự án và tác phẩm NTCC mang tính quốc tế với việc thúc đẩy sự quan tâm thu hút du lịch. Nhiều TP đã trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nghệ thuật trên thế giới như Venice Biennale, Bangkok Biennale, Singapore Biennale. Cứ hai năm một lần, các TP trên đã gắn bó sự kiện quảng bá du lịch nghệ thuật văn hóa với sự kiện triển lãm nghệ thuật trong tất cả các không gian trong TP, trong nhà lẫn ngoài trời.

Thực tế cho thấy, khi được đặt vào đúng bối cảnh, được sáng tạo đúng cách NTCC sẽ giúp giải quyết nhiều bài toán cho cả chính quyền và cộng đồng cư dân. Nó có thể tạo nên một điểm đến văn hoá, du lịch, mở rộng cơ hội giao lưu và gia tăng kết nối giữa các cộng đồng cư dân, đánh thức những tiềm năng về kinh tế, nâng cao ý thức môi trường. Tuy chưa nhiều, nhưng một vài điểm sáng như phố bích họa Phùng Hưng, dự án NTCC trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nỗi với NTCC Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cho thấy những tiềm năng này.

Các không gian nghệ thuật, các dự án NTCC và các không gian sáng tạo của Hà Nội đã trở thành một chuỗi liên kết giá trị thu hút hấp dẫn khách du lịch cũng như của nhưng cá nhân, tổ chức sáng tạo, tạo nên hiệu quả không chỉ ở văn hóa, giáo dục mà còn là một hướng mới trong gia tăng phát triển kinh tế. Với sức sống và nguồn lực sáng tạo của Hà Nội, các nhà thiết kế sáng tạo trẻ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, công nghệ… đã cùng nhau kết nối, phát huy các nguồn lực văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các dự án NTCC sáng tạo, qua đó gửi gắm tình yêu, niềm tự hào về Hà Nội hôm nay và khát khao cho Hà Nội ngày mai.

Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc thực hiện chương trình phát triển không gian sáng tạo, tạo lập hệ thống không gian sống động là yếu tố vô cùng quan trọng và chắc chắn khi thực hiện sẽ thành công. Khi làm được điều đó, sẽ giúp cho Hà Nội sẽ trở nên lung linh hơn, có nhiều cơ hội cho chúng ta hoạt động thu hút được khách du lịch và làm cho người dân yêu quê hương của mình hơn. Cùng với đó, thế hệ trẻ sẽ có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, phát triển bản thân, góp phần đưa hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam vươn tầm đến thế giới.
Nghệ thuật công cộng, điểm nhấn của đô thị hiện đại
Giữ gìn không gian nghệ thuật công cộng: Tạo ra sắc màu mới cho đô thị Hà Nội
Gìn giữ không gian nghệ thuật công cộng
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động