Chủ nhật 19/05/2024 07:02

Nghề gánh gạch chỉ dành cho... phụ nữ?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Ở gần 200 lò gạch ven sông Thương, thuộc 2 làng Phúc Mãn và Trại Phúc, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, gánh gạch, thậm chí cả đốt lò là một nghề... "độc quyền" của phụ nữ.


Những người được “độc quyền” cái nghề luôn tiếp xúc với môi trường độc hại ấy có một quan niệm hết sức giản đơn: “ô nhiễm thì chết dần, còn thiếu ăn thì chết ngay…”


Nỗi vất vả của nhũng người phụ nữ gánh gạch


Thứ nghề “độc quyền” dành cho phụ nữ

Cách thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang chừng 3-4 cây số, mới đến đầu xã đã nghe thấy tiếng phành phạch của máy đùn gạch, cùng với những làn khói bụi đen kịt từ gần 200 lò gạch đồng loạt "nhả ra". Tất cả các công đoạn của quy trình sản xuất gạch, ngói ở đây không khác thủa xa xưa là mấy, vẫn lấy đất sét, đất phù sa ở ven sông, làm nhuyễn, sau đó đóng thành khuôn (chủ lò nào khá thì tự sắm hoặc thuê cho mình một máy đóng gạch), đóng than cho vào lò nung...vẫn nhọc nhằn như trước.

Vậy mà ở đây, nghề gánh gạch thuê lại dành riêng cho chị em phụ nữ. Họ cần mẫn như những đàn kiến, tha từng gánh gạch vào lò chuyến nọ nối tiếp chuyến kia. Mong sao cho chóng đầy lò! Nhìn họ ai cũng gầy gò, những chiếc khăn vắt ngang qua mặt như để che giấu đi nỗi cực nhọc. Công việc của "phái đẹp" ở đây thật đơn giản: Gánh gạch phơ (có nơi gọi là gạch mộc) vào lò, đến khi có gạch thành phẩm lại gánh ra xếp thành từng kiêu chờ khách đến mua hoặc gánh trực tiếp lên xe ngay cửa lò để chở đi.


Chiếc đòn gánh cong oằn kĩu kịt trên những tấm vai gầy bởi sức nặng của 25-30 viên gạch-nhìn mà cảm động. Cứ mỏi vai này lại chuyển sang vai kia, và cứ như thế họ bấu chân, leo lên thành gỗ chênh vênh dẫn vào lò gạch. Ai yếu tim tận mắt chứng kiến cảnh tượng này chắc hẳn sẽ cảm thấy sởn da gà. Tôi chợt nghĩ dở, chẳng may mà bị sẩy chân thì... Vừa cầm từng viên gạch xếp vào quang gánh, chị Đỗ Thị Duyên tâm sự: "Những buổi đầu gánh gạch chưa quen, vai của ai cũng bị trầy sước, sưng tấy, rỉ máu, nhưng khổ nỗi mình chỉ có đôi vai, còn thay đổi thế nào được nữa! Nhiều lúc đau tê tái, vừa gánh vừa ứa nước mắt định quăng đôi quang gánh rồi nghỉ hẳn về nhà làm cái gì thì làm. Những nghĩ đến gia đình 5 miệng ăn, lũ trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn nên đành phải gắng sức thôi. Mặc dầu công việc nặng nhọc “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” là vậy, nhưng tiền công thu được cũng không quá 50 nghìn/ngày”.

Anh Nguyễn Văn Dựng, chủ của hai lò gạch tính toán: Với giá nhân công như hiện nay, để đốt một lò từ 10-15 vạn gạch, cần có 5 ông đùn gạch, 12-15 bà gánh, 2 bà đóng than, 2 bà phơi gạch, 2 người xếp lò, tổng cộng 25 người. Trong đó, riêng bộ phận đùn gạch nhận lương khá hơn cả (vì họ phải đối mặt với cả rủi ro), còn tiền công gánh gạch là 50 nghìn/người/ngày. Từ đó cho thấy, để mỗi người phụ nữ kiếm được 50 nghìn/ngày, họ phải gánh trên vai một số lượng gạch khoảng 8.000 viên.


Buồn vui...phận gánh gạch

Hầu hết chị em gánh gạch ở đây đều là người trong xã. Đây là xã ven sông nên diện tích đất phù sa bồi đắp rất thuận lợi cho việc sản xuất gạch, ngói. Người nông dân muốn có ruộng để làm thì diện tích đất cũng không có là bao vì đất chật người đông.

Chị Nguyễn Thị Hà ở làng Trại Mãn buồn rầu tâm sự: "Nhà em có hai vợ chồng và hai đứa con được chia 3 sào ruộng, cấy vèo 2 buổi là hết. Thời gian rỗi đi gánh gạch cũng là khoản thu nhập đáng kể. Nếu không, trông vào ngần ấy thước ruộng có mà chết đói".

Nghề gánh gạch ở đây chỉ dành cho phụ nữ. Đàn ông hầu như ai không muốn làm công việc này. Họ cho rằng: "Gánh gạch xệ vai cả ngày mới được mấy chục nghìn thà ở nhà còn hơn!". Còn anh nào tiến bộ lắm thì đi phụ hồ thuê chứ nhất định không làm công việc “của đàn bà”. Khi mặt trời đứng bóng, bữa trưa được dọn ra ngay tại lán lò gạch. Nghe tôi hỏi, một chị nói vọng từ lán ra: "Hôm nay thịnh soạn nên bữa cơm mới có món cá tươi kho. Chứ mọi ngày quanh đi quẩn lại là rau luộc, thịt rang...". Vừa ăn mọi người vừa bàn bán đủ chuyện trên đời. Chỉ thương cho chị Xuân (thôn Lẻ) lại bỏ ăn đứng đầu lán, đôi mắt ướt lệ. Nghe mọi người kể: Chồng chị sang Malaysia năm 1998, đi xuất khẩu lao động, đến giờ quá hạn gần 5 năm vẫn biệt tăm chưa về. Nghe đâu, ông chồng đã chạy theo một cuộc tình mới, "tươi trẻ" và lãng mạn hơn đời gánh gạch. Không những thế, chị Xuân còn phải è cổ làm việc để trả nợ số tiền lo cho chồng đi và nuôi hai đứa con.

Nhưng khuôn mặt khắc khổ, đen sạm của những người đàn bà lam lũ ấy vẫn ẩn hiện những nụ cười và niềm tin khi được hỏi đến con cái. "Khổ mấy tôi cũng chịu được. Rất may 3 cháu nhà tôi đứa nào cũng ngoan, học hành đến nơi đến chốn, 2 cháu đầu đã tìm được việc làm”.

Tuy nhiên, điều họ lo ngại không phải là sự vất vả mà là những tai nạn luôn rình rập. Trong lúc vận hành máy, chỉ sơ sẩy một chút là phải trả giá đắt bằng một phần cơ thể, có khi là cả tính mạng. Nhiều người coi chiếc máy đùn gạch là "sát thủ" vô hình. Ví dụ: Chị Tú, anh Toản, bác Kiên chỉ do sơ suất khi đang đưa đất vào máy, mải chuyện, đã phải trả giá bằng những ngón tay.

Chót mang "cái nghiệp" vào thân

Những người gánh gạch chỉ đủ sống bằng sức lao động từng ngày, Dù vậy, cũng có người thoát nghèo nhờ nghề gánh gạch thuê, số ít còn lại thoát được cảnh gánh mướn là nhờ con cái thành đạt thoát ly nông thôn.
Chị Chu Thu Hương, 26 tuổi, đã có thâm niên gánh gạch đến gần 7 năm bày tỏ: Làm việc ở những lò gạch này, chẳng ai là phái yếu cả. Bọn em làm công việc nặng nhọc này quen rồi, cơ thể đã thích nghi được với công việc. Bây giờ mà cho sang làm công việc mới như may mặc hay đan lát chắc em chịu thôi! Hương đã chứng minh cho câu nói của mình bằng cách xòe đôi bàn tay ra. Thật bất ngờ, cô gái với đôi má lúm đồng tiền rất duyên dáng ấy lại có đôi bàn tay "quá cỡ thợ mộc" đến vậy. Hai bàn tay to bè, thô ráp. Đôi tay này đã giúp Hương trụ lại được với nghiệp gánh gạch.

Chia tay với những con người lam lũ mà tôi vừa có dịp tiếp xúc, lòng tôi cảm thấy trĩu nặng. Thương cho những người phụ nữ tần tảo quanh năm kiếm sống, nuôi gia đình bằng một thứ nghề nặng nhọc mà lẽ ra họ không phải làm. Đó là việc dành cho người đàn ông. Nhưng họ đã vượt qua tất cả bằng chính nghị lực phi thường của mình, cùng với niềm hy vọng vào tương lai và tin vào con cái họ...

Hoàng Vượng

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động