Chủ nhật 13/10/2024 09:15

Nếu Công ty F88 sai phạm thì người vay có phải trả các khoản lãi vay không?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nếu kết luận điều tra của Cơ quan điều tra về sai phạm của Công ty F88 được công khai, thì khách hàng có tiếp tục phải trả các khoản lãi vay không là thắc mắc của nhiều người.
Nếu Công ty F88 sai phạm thì người vay có phải trả các khoản lãi vay không?
Nếu Công ty F88 sai phạm thì người vay có phải trả các khoản lãi vay không

Nghĩa vụ của người vay với Công ty F88

Mới đây, Công an TP HCM và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã tiến hành khám xét trụ sở và nhiều chi nhánh của Công ty CP Kinh doanh F88 (Công ty F88) để điều tra các hoạt động cho vay và hoạt động có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản tại công ty này.

Theo tìm hiểu, Công ty F88 chuyên cho vay tiền, có hàng trăm nhân viên tham gia thu hồi nợ và trong thời gian qua bị dư luận phản ánh nhiều bức xúc. Công ty F88 được thành lập năm 2013, tự nhận là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, cầm đồ... có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Công ty có 830 chi nhánh trên toàn quốc.

Làm rõ những thắc mắc xung quanh việc nếu đơn vị cho vay bị xử lý hình sự hoặc bị đình chỉ, thậm chí xóa sổ vĩnh viễn do kinh doanh phạm pháp thì các khoản vay và cho vay được xử lý ra sao, luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên.

Cụ thể Điều 463 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."

Và nghĩa vụ trả nợ của người vay được quy định tại Điều 466 Bộ Luật này. Theo đó, khoản 1, quy định bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khoản 4 quy định, trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trường hợp doanh nghiệp cho vay bị giải thể, đối với những khoản tiền cho vay chưa được thanh toán, bên vay vẫn có nghĩa vụ trả tiền vay.

Nếu người vay không trả do không có khả năng thanh toán thì bên cho vay có quyền khởi kiện, yêu cầu thi hành án để thu hồi số tiền này.

Vay mà không trả nợ, người vay có thể bị xử lý hình sự

Cụ thể về trường hợp Công ty F88, trong trường hợp Công ty bị xử lý hình sự do kinh doanh bất hợp pháp thì khoản nợ gốc trong các hợp đồng vay, người vay vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty F88 hoặc cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của Công ty này.

Nếu người vay không trả do không có khả năng thanh toán thì Công ty F88 hoặc cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của Công ty này có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu thi hành án để thu hồi số tiền này.

Về khoản lãi nếu phù hợp với quy định pháp luật (nằm trong hạn mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép đó là không quá 20%/năm) thì vẫn có hiệu lực và người vay phải có nghĩa vụ phải thanh toán theo đúng các thỏa thuận với Công ty F88.

Trường hợp lãi suất cho vay cao hơn quy định hiện hành thì người vay sẽ không phải thanh toán số tiền này. Nếu bên vay đã trả số tiền lãi này cho bên cho vay thì được xác định là khoản thu lợi bất chính nên sẽ sung công quỹ.

Như vậy, chuyện Công ty F88 sai phạm sẽ do các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng người vay khi đã vay theo thỏa thuận thì vẫn phải thực hiện trách nhiệm của mình.

“Người vay cần lưu ý việc trả nợ đúng hạn, việc vay mà không trả nợ người vay còn có thể chịu các hình thức xử lý từ phạt hành chính đến xử lý hình sự tùy mức độ.” – luật sư Hùng phân tích.

Điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu một người đến hạn trả nợ tiền vay của người khác, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Ngoài bị xử phạt hành chính, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi trốn nợ khi vay tiền, người vay còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017.

“Theo khoản a Điều 175 Bộ Luật hình sự, việc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả tùy mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” – luật sư Hùng cho biết.

Vay lãi 900 triệu đồng, sau 9 tháng bị tính nợ... 6,9 tỷ đồng Vay lãi 900 triệu đồng, sau 9 tháng bị tính nợ... 6,9 tỷ đồng
Công an TP HCM tiếp tục khám xét trụ sở Công ty F88 Công an TP HCM tiếp tục khám xét trụ sở Công ty F88
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động