Thứ năm 21/11/2024 23:09

Nâng cao vai trò phòng, chống tham nhũng cấp Bộ, ngành, địa phương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới, bên cạnh kết quả đột phá, điều dư luận, Nhân dân bức xúc thời gian qua là công tác phòng, chống tham nhũng còn những yếu kém xảy ra ở một số Bộ, Ban, ngành, địa phương.
Nâng cao vai trò phòng, chống tham nhũng cấp Bộ, ngành, địa phương
Đại tá, đảng viên Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Công tác phòng, chống tham nhũng còn nể nang, né tránh sai phạm

Đó là ý kiến của Đại tá, đảng viên Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 và bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về kết quả to lớn và những kinh nghiệm quý về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong 10 năm qua.

Đại tá Trịnh Thanh Phi ghi nhận những nguyên nhân cơ bản để phòng chống tham nhũng, tiêu cực có bước đột phá trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp nhất là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đó là sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó được sự cộng hưởng mạnh từ những kết quả tích cực của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng lòng, ủng hộ, khích lệ của Nhân dân; sự tham gia tích cực của báo chí – truyền thông.

Tuy nhiên, dư luận, đảng viên, Nhân dân còn nhiều bức xúc vì công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng còn những yếu kém: Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa coi trọng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, còn xảy ra vụ việc tham nhũng lớn xảy ra nhưng không được phát hiện, xử lý sớm, tài sản tham nhũng thu hồi thấp, việc giám sát quyền lực còn nhiều hạn chế, có nơi rất yếu, dẫn đến tập thể Ban thường vụ, Ban cán sự đảng bị thi hành kỷ luật. Tình trạng nhũng nhiễu, hành dân, tổ chức trong khu vực hành chính, dịch vụ công còn nhiều, ngày càng tinh vi, gây nhức nhối trong nhân dân, xã hội.

Những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém, những bài học kinh nghiệm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu rõ đều xác đáng. Trong đó đáng lo là cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu tổ chức, đơn vị, cơ quan thiếu gương mẫu, còn coi nhẹ công tác phòng chống tham nhũng, còn nể nang, né tránh sai phạm, thậm chí bao che cho hành vi tham nhũng.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhiều khi bị tác động tiêu cực của người thân, gia đình dẫn tới suy thoái, tham nhũng, vi phạm đạo đức, pháp luật.

Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; luật pháp, cơ chế, chính sách còn nhiều kẽ hở, dễ để bị lợi dụng.

Việc thực thi pháp luật nói chung và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói riêng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm. Nhiều cấp ủy coi nhẹ nguyên tắc, kỷ luật Đảng, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Phát huy mô hình Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các Bộ, ngành Trung ương

Dư luận đồng tình, nhất trí cao với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới như đẩy mạnh công tác giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, hành vi nhũng nhiễu dân, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát huy vai trò các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh việc ủng hộ, hoan nghênh việc lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là bước tiến mới về tổ chức bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương sẽ có hiệu quả hơn.

Theo số liệu công bố tại Hội nghị tổng kết 10 năm, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Trước số liệu “nóng” trên, ông Trịnh Thanh Phi nêu ý kiến, Bộ Chính trị chỉ đạo, nghiên cứu định ra mô hình Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các Bộ, ngành Trung ương.

Thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị xử lý, gây bức xúc cho dư luận như vụ tổ chức thực hiện Đề tài khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu sản phẩm xét nghiệm Covid-19 do Bộ Khoa học - Công nghệ chỉ đạo Học viện Quân y và Cty Việt Á thực hiện liên quan đến Bộ Y tế, vụ tiêu cực ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam…

Một lĩnh vực thường xảy ra tiêu cực câu kết nhóm lợi ích, lạm quyền để vụ lợi rất lớn như nhiều lần tùy tiện điều chỉnh quy hoạch – xây dựng phá nát quy hoạch chuẩn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng lại ít được các cấp thẩm quyền, chính quyền lưu tâm giám sát, kiểm tra, phát hiện xử lý sớm, khi thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm lớn thì hệ quả tiêu cực gây ra rất lớn, không thể khắc phục, sửa sai thì đã quá muộn. Vì thế, chống tham nhũng, tiêu cực không thể coi nhẹ, quên mảng tham nhũng, tiêu cực này.

Ông Trịnh Thanh Phi cũng kiến nghị, về công tác cán bộ, thời gian qua tuy có nhiều tiến bộ nhất là quy trình chọn lựa chặt chẽ hơn, việc đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng có bài bản hơn trước nhưng vẫn nặng tư duy coi người có bằng cấp cao hơn ưu tiên hơn trong quy hoạch hơn là chú ý người thực sự có bản lĩnh, thẳng thắn, cương trực, giàu kinh nghiệm thực tiễn, nói đi đôi với làm, dám chịu trách nhiệm. Vì còn hình thức, thiếu dân chủ, có những cán bộ bổ nhiệm, thừa hành chức năng, nhiệm vụ không lâu thì bị kỷ luật, pháp luật…

Các cấp thẩm quyền Trung ương nên đặt vấn đề nghiên cứu để tiến tới xây dựng, ban hành bộ Luật “Đăng ký tài sản” với công dân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước kiểm soát thu nhập, tài sản gia tăng, chống che giấu, tẩu tán, rửa tiền và các hành vi buôn lậu, bất chính trái pháp luật khác.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động