Nam thanh niên “đứng lên” sau vấp ngã
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhạm nhân Trần Văn Thành bảo sau khi ra trại sẽ học nghề, làm lại cuộc đời |
Tuổi thơ buồn...
Tâm sự với chúng tôi, phạm nhân Trần Văn Thành, SN 1989 ở Toàn Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình kể, cũng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà bản thân phải trả giá đắt. Tham gia vào một đường dây buôn người, cứ tưởng có nhiều tiền tiêu xài, Thành không ngờ phải bỏ trốn do nạn nhân may mắn trốn thoát về nước. Những ngày sống chui lủi trốn lệnh truy nã, Thành nhận lời môi giới cho một kẻ bán ma túy để rồi chưa kịp nhận tiền công đã phải vội vã bỏ chạy khi lực lượng CA ập vào bắt giữ. Song, chỉ một tháng sau, Trần Văn Thành đã bị CA tỉnh Lâm Đồng bắt giữ theo lệnh truy nã toàn quốc của CA tỉnh Hòa Bình về hành vi mua bán người. Cuối năm 2008, Thành bị TAND tỉnh Hòa Bình đưa ra xét xử, tuyên phạt 12 năm tù. Tháng 4-2009, Thành tiếp tục bị TAND tỉnh Lạng Sơn xử phạt 20 năm tù về tội mua bán ma túy. Lĩnh 2 bản án, với 30 năm tù, Trần Văn Thành về trại giam Nam Hà cải tạo.
Ngồi trong hội trường lớn trại giam, phạm nhân Trần Văn Thành kể, tuy còn mẹ, nhưng anh ta sống như đứa trẻ mồ côi. Bởi mẹ bỏ đi, để lại Thành cho bà nuôi từ khi mới 1 tuổi. Cuộc đời của Thành buồn nhiều hơn vui. Từ khi còn nhỏ, Thành đã bị mất bố sau cơn bạo bệnh. Mẹ Thành, một phụ nữ đẹp người, không cam lòng làm quả phụ nên bỏ nhà ra TP kiếm tiền rồi không về nữa. Khi Thành học cấp hai, người đàn bà ấy mới quay về tìm con và thăm bố mẹ. Đến lúc đó Thành mới biết mẹ đã lấy chồng Trung Quốc. Lần về thăm ấy, bà mua cho Thành quần áo, ít đồ cá nhân rồi lại đi. Tuổi thơ của Thành là những ngày sống cùng bà ngoại. Không được chăm sóc đầy đủ, nên chỉ học hết lớp 9, Thành dừng bước, rồi lang thang xin việc ở những quán bia trong TP. Làm công việc chân tay, từ chạy bàn cho đến bảo vệ, nhưng đến đêm, Thành vẫn ra quán internet chơi tới sáng.
Chính những lần lên mạng ấy đã tạo cho Thành cơ hội giao tiếp với bạn bè khắp nơi và Thành nhận được lời mời tham gia một đường dây buôn người. Khi được rủ rê, Thành đã nghĩ tới chuyện đi cùng họ sang Trung Quốc thì có thể tìm mẹ, đã không mất tiền chi tiêu dọc đường lại còn được thêm tiền. Chuyến đó, không tìm được mẹ nhưng anh ta được trả 2 triệu tiền công. Định bụng tham gia chuyến nữa lấy tiền tiêu xài thì nạn nhân đã trốn thoát về nước tố cáo hành vi của Thành và đồng bọn. Biết tin, Thành đã bỏ trốn.
Học nghề để làm lại cuộc đời
Lần bỏ trốn đó, Thành lên Lạng Sơn làm cửu vạn, bốc vác và theo những chuyến hàng ở biên giới về Bắc Giang. Và anh ta lại tiếp tục phạm sai lầm. Theo tài liệu điều tra, Thành được một người đàn ông tên Chiến nhờ tìm giúp người mua ma túy, và sẽ trả cho Thành 7 triệu đồng/bánh nếu thành công. Thành nói chuyện này với Mông Văn Giáp, SN 1986, trú tại Đồng Đăng, Cao Lộc (Lạng Sơn), một kẻ cũng làm thuê như Thành. Giáp tìm được một người Trung Quốc đồng ý mua với giá 90.000 NDT (chênh khoảng 14 triệu VND so với giá mà Chiến đưa ra). Sáng 28-2-2008, tại một nhà nghỉ ở Hữu Lũng, Lạng Sơn, Thành nhận từ Chiến 2 bánh heroin rồi đợi khách hàng từ Trung Quốc sang lấy. Trong lúc hai bên đang kiểm đếm tiền thì bị lực lượng CA tỉnh Lạng Sơn ập vào bắt giữ. Thành và Chiến nhanh chân chạy thoát.
Sau khi bị CA tỉnh Lạng Sơn bắt hụt trong vụ môi giới mua bán ma túy, Thành đón xe khách vào Lâm Đồng, làm thuê cho những rẫy cà phê. Sống trốn chui lủi, không tiếp xúc với ai ngoài ông bà chủ nhưng chỉ nửa năm sau thì Thành bị CA tỉnh Lâm Đồng phát hiện, bắt giữ theo lệnh truy nã của CA tỉnh Hòa Bình về tội buôn bán phụ nữ. Ngày 20-11-2008, vụ buôn bán phụ nữ có Thành tham gia được đưa ra xét xử. Thành bị TAND tỉnh Hòa Bình kết án 12 năm tù, về trại giam Ninh Khánh cải tạo. Cứ nghĩ hành vi môi giới ma túy của mình sẽ không ai biết đến, nào ngờ Thành bị một tên trong nhóm khai ra. Ngày 24-4-2009, Thành được di lý về Lạng Sơn, đứng trước vành móng ngựa cùng những tên đồng bọn. Lần này, Thành lĩnh thêm một bản án 20 năm tù nữa. Khoác trên người 2 bản án với tổng hình phạt là 30 năm tù giam, Trần Văn Thành được chuyển về trại giam Nam Hà cải tạo.
Về trại giam cải tạo, Thành là một trong những phạm nhân có mức án cao và phải lao động trong xưởng. Trong xưởng có nhiều công việc khác nhau, nhưng dù làm cói, vàng mã, hay may thì Thành cũng đều hoàn thành tốt công việc của mình. Chỉ có điều, mỗi khi màn đêm buông xuống, Thành lại thấy ân hận, thương bản thân mình, thương bà. Vì bà đã thức đêm, chăm Thành mỗi khi ốm đau, làm nụng vất vả nuôi anh ta khôn lớn. Nhưng chưa báo hiếu được ngày nào, Thành đã liên tục phạm sai lầm và vướng vào lao lý. Thành bảo, giờ anh ta không còn cơ hội để báo hiếu cho bà vì sau lần xuống thăm anh ta, bà đã ốm và giờ đã mất rồi.
Thành bảo, khi biết tin bà mất, anh ta đã mất ăn, mất ngủ cả tháng trời vì day dứt, thương bà, thương mình. Cũng chính vì biết điều đó, cán bộ giáo dục trại giam đã gọi Thành lên tâm sự, chia sẻ, đồng thời phân tích cái đúng, cái sai và cái cần sửa. Chính những tình cảm gần gũi ấy đã khiến Thành nhận ra, chỉ có con đường lao động cải tạo tốt, ngày về của anh ta mới ngắn lại.
Vì vậy, đến nay, hơn chục năm cải tạo trong trại giam, phạm nhân Trần Văn Thành đã được vào vòng giảm án. Thành bảo, được giảm án, anh ta vui lắm, vì như vậy, sau bao nỗ lực cải tạo, Thành có thể sắp xếp, chuẩn bị hành trang để hòa nhập cộng đồng. Và theo tâm sự của Thành thì sau ra trại, anh ta sẽ học một nghề gì đó, để nuôi sống bản thân và làm lại cuộc đời...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại