Nắm bắt thành tựu khoa học - công nghệ để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hiệu phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Thanh Hải |
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực
Theo Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hiệu, trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, tỷ lệ lao động cơ bắp ngày một giảm, lao động trí tuệ ngày càng gia tăng, lợi thế so sánh dựa trên số lượng lao động và giá nhân công rẻ cũng ngày một giảm và đang chuyển dần về phía những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực đang trở thành yếu tố quyết định nhất đối với việc tăng lợi thế cạnh tranh cũng như sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia.
Trong hơn 1010 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã đồng hành cùng đất nước và ghi đậm vào lịch sử dân tộc dấu ấn của một Thủ đô, không chỉ là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, quân sự, kinh tế mà còn là một trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước - một biểu tượng văn hiến của quốc gia. Đất Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi tụ hội hiền tài của cả nước và chính đội ngũ nhân tài đó đã đóng góp tài năng, trí tuệ, tâm sức của mình cho sự cường thịnh của đất nước và cũng làm cho Thăng Long - Hà Nội luôn xứng đáng với vị thế và khí phách của mảnh đất “rồng bay lên”, tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục xây dựng và phát triển Hà Nội xứng tầm với vị trí đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học và giao lưu quốc tế, đóng vai trò đầu tàu của cả nước, Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn 2045. Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, Hà Nội cần xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực thông qua một hệ thống các cơ chế, chính sách, các kế hoạch, chương trình hoạt động dựa trên những nguồn lực hiện có để hướng đến việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một việc thực sự cấp thiết và quan trọng. Điều này góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Thủ đô và mục tiêu của nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đứng trước bối cảnh hội nhập, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng gia tăng, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội phải vượt qua những thách thức, khắc phục yếu kém về quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả... Để xứng tầm với vị thế là Thủ đô của cả nước, cần phải chú trọng nâng cao hơn nữa kiến thức, kỹ năng và phương pháp tư duy khoa học. Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cần nắm bắt thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Sự phát triển của giáo dục - đào tạo đã góp phần đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô, tạo ra nhiều thế hệ có kiến thức cơ bản, làm chủ kỹ năng nghề nghiệp, làm chủ khoa học - công nghệ; xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà kinh doanh quản lý... nhằm phát huy mọi tiềm năng của đội ngũ trí thức, tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho xã hội.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Hải |
Triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực
Theo Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hiệu, nhiệm vụ lớn, bao trùm cần quán triệt thực hiện để giáo dục, đào tạo phát huy hết vai trò của mình đối với phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay là “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội”.
Muốn nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển, Hà Nội nhất định phải triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại nhằm khai thác, phát huy tất cả các nguồn lực vốn có và có thể tạo thêm. Các giải pháp đó có mục tiêu, yêu cầu, phương thức tiến hành riêng, song phải kết hợp chặt chẽ, hỗ trợ, bổ sung cho nhau tạo thành một lực cộng hưởng cùng chiều, theo đúng quan điểm chỉ đạo và phục vụ hiệu quả mục tiêu chung đã được xác định. Muốn vậy, các giải pháp phải được thực hiện dưới sự lãnh đạo sát sao của Thành ủy, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, hiệu lực và hiệu quả của chính quyền thành phố.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, một mặt, phải coi trọng triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp, mặt khác, phải tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cho các giải pháp, các khâu đột phá trong từng nhiệm vụ, giải pháp cũng phải đầu tư cho các điểm nhấn, những trọng điểm. Trong thập niên thứ ba, trước mắt là 5 năm tới, Thủ đô có thể và cần tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm “ĐổI mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế” nhằm đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là một trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Xây dựng chiến lược, quy hoạch cụ thể theo ngành nghề then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngoài ra, đổi mới và nâng cao chất lượng chương trình, phương pháp đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học, chú trọng tính thực tiễn; cập nhật nội dung các chương trình đào tạo sát với nhu cầu của địa phương. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học. Xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ cao giỏi cả về lý thuyết và thực hành đáp ứng được yêu cầu đào tạo cho học sinh, sinh viên. Chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu sử dụng lao động của xã hội để cập nhật, cải tiến nội dung chương trình và phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của các đơn vị sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động có bằng cấp, chứng chỉ theo quy định. Khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động của doanh nghiệp. Đối với các trường đại học trên địa bàn Thủ đô cần xây dựng, củng cố các quy định về hình thức, nội dung, cơ chế hợp tác với doanh nghiệp; chú trọng vào thực chất của sự hợp tác, khai thác thế mạnh của cả nhà trường lẫn doanh nghiệp.
Tập trung nghiên cứu, xây dựng và phát triển “hệ sinh thái học tập sáng tạo” ở các cấp học, bậc học đáp ứng yêu cầu mục tiêu đổi mới sáng tạo và chiến lược phát triển bền vững của Thành phố. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại