Thứ hai 25/11/2024 02:33

Năm 2021, Hà Nội thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
UBND TP Hà Nội vừa có Báo cáo số 339/BC-UBND về kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới năm 2021.
dam-bao-muc-tieu-kep-ve-phong-chong-dich-bao-dam-attp
Hà Nội thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong năm 2021. Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo, hiện nay, thành phố Hà Nội có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 673 điểm giết mổ thủ công, 459 chợ, 123 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, trên 5.000ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Về tổng số nhân lực làm công tác an toàn thực phẩm (ATTP), toàn thành phố có khoảng 12.360 người, trong đó có khoảng 250 cán bộ chuyên trách, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm, tham gia vào công tác ATTP.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2021, UBND TP đã triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các nội dung hoạt động về ATTP.

Đáng chú ý, công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường. Năm 2021, thành phố đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP tổ chức thanh tra, kiểm tra 48.263 lượt cơ sở, trong đó, đã phát hiện và xử lý vi phạm 6.588 cơ sở với số tiền phạt gần 3,69 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng thành phố đã lấy tổng số 2.391 mẫu thực phẩm (sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm lưu thông trên thị trường giám sát nguy cơ, nước uống đóng bình...), kết quả xét nghiệm 2.289 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh, hóa lý (tỷ lệ đạt 95,7%) và 102 mẫu xét nghiệm không đạt.

Về xét nghiệm nhanh có 131.117/143.370 mẫu đạt (tỷ lệ đạt 91,5%), bao gồm: Xét nghiệm nhanh dụng cụ, tinh bột, nước sôi có số xét nghiệm đạt là 117.129/129.033 mẫu (tỷ lệ đạt 90,8%); các xét nghiệm thực phẩm, dấm, phẩm màu, hàn the... đều đạt tỷ lệ trên 97%.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, thành phố sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên toàn thành phố, đặc biệt tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực ATTP. Tăng cường công tác thông tin truyền thông về ATTP. Tổ chức các hình thức thông tin tuyên truyền đa dạng. Tuyên truyền ATTP lồng ghép với phòng chống dịch bệnh.

Thành phố cũng thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm về ATTP. Tiếp tục phát triển các chuỗi giá trị nông sản an toàn. Thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ. Quản lý, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm an toàn, có nhãn hiệu, thương hiệu, kết nối sản xuất, tiêu thụ cho các sản phẩm thực phẩm bảo đảm an toàn, ứng dụng công nghệ cao truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Song song thực hiện các nội dung trên, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm, kiểm tra. Giám sát đảm bảo ATTP các kỳ họp, hội nghị, sự kiện chính trị khác trong nước và quốc tế tổ chức tại Hà Nội. Thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính về ATTP theo đúng quy định.

HP
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động