Mỹ quan đô thị ngày càng xanh mát với kế hoạch trồng 500.000 cây xanh tại Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững hàng cây xanh không chỉ tô điểm, làm đẹp cho những con đường, mà còn giúp điều hòa tự nhiên. Ảnh: Khánh Huy |
Và cây xanh chính là mảng ghép của thiên nhiên, có vai trò vô cùng to lớn trong cuộc sống, được xem là một trong những yếu tố phản ánh văn minh đô thị. Đồng thời cây xanh giúp hạn chế bớt những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa, làm đẹp cho cảnh quan và cải thiện môi trường sống của con người.
Với mật độ dân số ngày càng cao tại các đô thị cũng như tình trạng ô nhiễm từ các khu công nghiệp thì giải pháp có nhiều mảng xanh, cây xanh tại các khu dân cư và các dự án chung cư đang được xem là “chìa khóa vàng” để cải thiện môi trường sống cho đô thị.
Theo đó, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch trồng 500.000 cây xanh đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch, năm 2021, Hà Nội đã trồng 52.579 cây xanh. Năm 2022 trồng 49.179 cây xanh. Chỉ tiêu năm 2023 sẽ trồng mới 133.629 cây xanh.
Cụ thể, năm 2023 Hà Nội sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trồng, cây cong, sâu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển, cây không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố và trong khuôn viên các trụ sở, trường học, BV; đầu tư cải tạo xây dựng các vườn hoa, sân chơi, công viên; trồng cây mảng, khóm tạo cảnh quan tại các tuyến phố trên địa bàn các quận; trồng cây tạo dải xanh, cải tạo môi trường tại các trục quốc lộ, tỉnh lộ, vùng ảnh hưởng bán kính 500m khu xử lý rác thải Xuân Sơn; trồng cây xanh thuộc phạm vi các dự án xây dựng do TP đầu tư và 13 dự án đầu tư xây dựng đường giao thông thuộc Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng; trồng cây xanh thuộc dự án đầu tư công viên: Công viên khu đô thị Tây Nam Hà Nội, công viên Chu Văn An (giai đoạn 2).
Bên cạnh việc trồng mới, UBND TP cũng yêu cầu các nhiệm vụ cụ thể để cải tạo hệ thống cây xanh hiện hữu: xây dựng phương án cải tạo, trồng cây thay thế đối với những cây bị sâu bệnh, cong, nghiêng, xấu, nguy hiểm; cây còi cọc, chậm phát triển; cây không đúng chủng loại cây đô thị ảnh hưởng mỹ quan trên các tuyến đường nhằm tạo sự đồng bộ cho cảnh quan khu vực; xây dựng phương án cải tạo trên cơ sở tham vấn ý kiến chính quyền địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các viện, trường, các tổ chức, cá nhân về cây xanh; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân, công khai, minh bạch tạo sự đồng thuận của Nhân dân và dư luận xã hội trước khi tổ chức triển khai thực hiện trồng cây thay thế đối với các chủng loại cây già cỗi gây nguy hiểm không thuộc danh mục cây được bảo tồn, cây quý hiếm, cây cổ thụ trên các tuyến phố, cây hoa sữa tại một số khu vực nhằm giảm mùi hương đậm đặc, nồng nặc khi mùa hoa nở trên các tuyến phố.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu rõ: “Thực hiện việc dịch chuyển hoặc chặt hạ và trồng cây thay thế ngay trong đêm, đảm bảo mật độ cây xanh, tránh phản cảm trong dư luận”. UBND TP cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức trồng, thay thế cây sâu mục trên các tuyến đường theo phân cấp quản lý. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan đơn vị trên địa bàn, các chủ đầu tư dự án thực hiện kiểm tra hệ thống cây xanh kịp thời thay thế cây sâu mục nguy hiểm.
Căn cứ theo mục tiêu, nội dung nhiệm vụ đề ra, chỉ đạo đơn vị trực thuộc thực hiện tốt kế hoạch phát triển cây xanh phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tổ chức triển khai thực hiện các bước theo quy định của pháp luật, trong đó phải khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng, xác định đối tượng, phạm vi, khối lượng cụ thể các hạng mục cần thiết phải đầu tư, tổng mức đầu tư, phương án thiết kế phù hợp với tính chất của từng công viên, vườn hoa, cây xanh…
Với vai trò của những hàng cây xanh không chỉ dừng lại ở sự tô điểm, làm đẹp cho những con đường, những dãy phố mà còn giúp điều hòa tự nhiên, làm giảm đi sự oi nồng trong những ngày nắng nóng. Thì việc bổ sung thêm hơn 500.000 cây xanh sẽ làm tăng thẩm mỹ cảnh quan đô thị, tạo ra cảm giác êm dịu về màu sắc và môi trường khí hậu đô thị; tôn cao giá trị thẩm mỹ của các công trình kiến trúc, các danh lam, thắng cảnh; phục vụ cho nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, đi dạo và của Nhân dân Thủ đô, cũng như khách du lịch.
Hà Nội ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị | |
Hà Nội trồng mới 500.000 cây xanh đô thị gắn với các tiêu chí đô thị thông minh và hiện đại |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại