Một số điểm giúp thuận lợi hơn khi làm thủ tục lập vi bằng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVăn phòng Thừa phát lại Ba Đình tiếp đoàn công tác nước ngoài. |
Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại (TPL) Ba Đình cho biết, hiện nay, quy trình lập vi bằng mà Văn phòng TPL Ba Đình đang triển khai theo thứ tự từng bước như sau:
- Thoả thuận ký hợp đồng dịch vụ;
- Tiếp nhận đơn yêu cầu của người có nhu cầu lập vi bằng;
- Ký hợp đồng dịch vụ;
- Lập vi bằng;
- Đăng ký vi bằng;
- Thanh lý hợp đồng dịch vụ.
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, người yêu cầu lập vi bằng phải thỏa thuận bằng văn bản với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu sau đây: Nội dung vi bằng cần lập; địa điểm, thời gian lập vi bằng; chi phí lập vi bằng; các thỏa thuận khác (nếu có). Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Về thủ tục lập vi bằng (Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP), Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực.
Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng. Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp. Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.
Hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng (Điều 40 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP), vi bằng được lập bằng văn bản tiếng Việt, có nội dung chủ yếu sau đây: Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng; địa điểm, thời gian lập vi bằng; họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng; họ, tên người tham gia khác (nếu có); nội dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận; lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng; chữ ký của Thừa phát lại, dấu Văn phòng Thừa phát lại, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu, người tham gia khác (nếu có) và người có hành vi bị lập vi bằng (nếu họ có yêu cầu).
Như vậy, Nghị định quy định việc thỏa thuận thủ tập lập vi bằng, hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng. Tuy nhiên, không quy định cách thức làm thế nào để chứng minh phạm vi lập vi bằng không thuộc trường hợp không được lập vi bằng. Trên thực tế, không ít vi bằng được lập ghi nhận sự kiện, hành vi giao nhận tiền giữa các bên. Tuy nhiên, lại không rõ mục đích của việc giao nhận tiền là gì. Từ đó, có thể tiềm ẩn những nguy cơ vi phạm pháp luật đằng sau đó, như: Mục đích của hành vi giao nhận tiền là để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; hoặc, hành vi cho vay nặng lãi; hoặc, hành vi “rửa tiền”,... Ngoài những nguy cơ trên, có những trường hợp lợi dụng việc lập vi bằng để lừa đảo, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.
Ông Lạng cũng chia sẻ cho biết thêm, một trường hợp khá phổ biến là nhiều người dân không để ý đến việc lập vi bằng, chỉ đến khi có sự việc đã xảy ra rồi mới đến văn phòng để yêu cầu lập vi bằng. Việc này đôi lúc cũng khiến cho quá trình lập vi bằng không thuận lợi do thiếu các chứng cứ để lập vi bằng.
Do vậy, thay vì đợi đến khi để xảy ra sự việc, người dân cũng cần chủ động chuẩn bị chứng cứ và lập vi bằng trước. Như vậy mới có thể tăng tính hiệu quả của hoạt động lập vi bằng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại