Thứ ba 26/11/2024 01:14

Mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 103 nghìn trẻ sinh non

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sinh non là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 103 nghìn trẻ sinh non
Thực hành phương pháp da kề da trong chăm sóc trẻ sinh non (ảnh UNICEF)

Thông tin này được nêu tại Chương trình “Ngày thế giới vì trẻ sinh non” do Vụ Sức khỏe bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng tổ chức nhằm hưởng ứng ngày “Thế giới vì trẻ sinh non” 17-11 và tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của cán bộ y tế trong công tác chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt là chăm sóc trẻ sinh non/nhẹ cân diễn ra ngày 17-11.

Trên thế giới ước tính hàng năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ ra đời thì có 1 trẻ sinh non). Tại Việt Nam ước tính hàng năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh. Sinh non là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Theo báo cáo thống kê, tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm khoảng 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh; tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 59% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi và 70,4% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.

Nguyên nhân gây nên tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là do đẻ non/thấp cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/nhẹ cân chiếm tới 25%.

Đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em cho biết, với những cố gắng không ngừng của ngành y tế, Việt Nam là một trong các nước trên thế giới được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. So với năm 2010, tỷ lệ tử vong mẹ giảm từ 69/100.000 trẻ xuống 46/100.000 trẻ năm 2019 và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 24,1/1.000 xuống 21,0/1.000 năm 2019.

Với việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em này, trong vòng 10 năm (từ 2010 đến 2019), hàng trăm ngàn trẻ em dưới 5 tuổi đã được cứu sống. Chỉ cần giảm được 1% tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là chúng ta đã cứu sống thêm được 150.000 trẻ em mỗi năm.

Hiện tại, Việt Nam đã có thể cứu sống và nuôi dưỡng ngay cả các trẻ sơ sinh rất thiếu tháng có cân nặng đến 500g cũng như tiếp tục chăm sóc để trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường.

Để giảm tử vong ở trẻ sơ sinh có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản như: khám thai định kỳ để phát hiện các nguy cơ; sử dụng tốt chế độ dinh dưỡng, luyện tập/lao động cho phụ nữ có thai; chăm sóc da kề da và cho con, cho trẻ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn, chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo…

Ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình vì Sự sống còn và Phát triển của Trẻ em của UNICEF Việt Nam cho biết: Một số biện pháp can thiệp có hiệu quả quả cao với chi phí thấp để cứu sống trẻ sơ sinh bao gồm tiếp xúc da kề da ngay sau sinh hoặc cho trẻ bú sớm. Việc tiếp xúc da kề da sớm sau khi sinh và liên tục có tác động tích cực và bảo vệ đối với trẻ, như điều hòa nhịp tim và hô hấp, ngăn ngừa nhiễm khuẩn huyết (nhiễm khuẩn nặng), hạ thân nhiệt hay hạ đường huyết, cũng như giảm khả năng trẻ phải nhập viện lại.

Đồng thời, việc cho trẻ bú sớm và hoàn toàn bằng sữa mẹ có tác động tích cực đến sự phát triển ngắn hạn và dài hạn về sinh lý và hệ thần kinh của trẻ. Điều quan trọng không kém là phải đảm bảo rằng trẻ sinh ra quá sớm, quá nhỏ hoặc quá ốm yếu được đưa đến các cơ sở chăm sóc y tế có chuyên môn cao hơn một cách nhanh chóng và bình đẳng trong trường hợp cần thiết, bất kể trẻ được sinh ra ở đâu.

Thời gian qua, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã đồng hành hỗ trợ Bộ Y tế triển khai nhân rộng các sáng kiến, can thiệp nhằm cải thiện sức khỏe của trẻ sơ sinh và giảm tử vong ở trẻ sơ sinh tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Ước tính 43.000 trẻ sơ sinh từ 7 tỉnh dự án hỗ trợ của UNICEF và đối tác được hưởng lợi từ các can thiệp chăm sóc sơ sinh thiết yếu và chăm sóc Kangaroo trong năm 2021.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động