Sau 20 năm, chiều cao trung bình của nữ giới Việt tăng thêm 3,3cm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (ảnh minh hoạ) |
TS.Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản tại Việt Nam có những tín hiệu khả quan trong thời gian qua. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%; tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt gần 80%.
Đặc biệt, tỷ lệ tử vong mẹ trên 100 nghìn trẻ đẻ ở Việt Nam cũng giảm (năm 2000 có 165 ca, con số này năm 2019 chỉ còn 46 ca). Tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần vùng thành thị. Tỷ lệ này ở dân tộc H’mong cao gấp 7-8 lần ở dân tộc Kinh, Tày. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng.
Hiện vẫn còn 39 trẻ sơ sinh mất đi trong một ngày khi sinh. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là 10 phần nghìn, như vậy một ngày còn 39 trẻ dưới 28 ngày tuổi tử vong 39 trẻ mất đi trong 1 ngày. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 3,4 về giảm tử vong ở trẻ sơ sinh. Đây là mức tương đối khá so với các nước.
Về cải thiện dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em cũng có nhiều khả quan. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng lên sau 20 năm. Ở nữ trung bình cao 152,3 cm (năm 2000) đã tăng lên 155,6 cm (năm 2020). Như vậy nữ Việt nam đã tăng 3,3 cm trong 20 năm.
Nam giới Việt Nam cao trung bình 162,3cm (năm 2000) đã tăng lên 168,1 cm (2020). Chiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á với 11 quốc gia. Cụ thể, chiều cao người Việt đang xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Mặc dù vậy, theo Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ-Trẻ em, tỷ lệ tăng chiều cao của người Việt trong 20 năm so với quốc gia ở Châu Á như Nhật Bản vẫn chưa đạt như mong muốn. Đặc biệt so với các nước phát triển như Thuỵ Điển, Phần Lan… chúng ta còn khoảng cách khá xa. Điều này cần một quá trình lâu dài, cải thiện chiều cao cần phải đảm bảo các yếu tố như dinh dưỡng, bổ sung vi chất, liên quan đến gen…
Bên cạnh đó, trong những năm gần đầy đã sử dụng các công cụ, can thiệp để giảm các chỉ số trên nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa giữa vùng thành thị với vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ suy dinh dưỡng chênh lệch giữa các vùng miền do ở vùng sâu, xa thiếu nhân lực (thiếu cán bộ chuyên môn sản nhi, bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện); thiếu cơ sở vật chất; trang thiết bị. Về năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh (sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí) còn hạn chế ở những vùng khó khăn.
Để đảm bảo sức khoẻ cho phụ nữ mang thai nhằm có thai kỳ khoẻ mạnh và sinh con khoẻ mạnh, Vụ Sức khoẻ Bà mẹ-Trẻ em khuyến cáo: Phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong ba giai đoạn của thai kỳ tại cơ sở y tế để được quản lý, theo dõi sức khoẻ của mẹ và thai nhi và được tư vấn về chăm sóc thai nghén, chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sinh đẻ an toàn.
Đồng thời, phụ nữ mang thai cần ăn đầy đủ và cân đối các nhóm thực phẩm (chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), cần ăn tăng bữa và mỗi bữa ăn nhiều hơn để mẹ khỏe, con khỏe. Ăn các thức ăn giàu sắt như thịt nạc, cá, trứng, gan, và uống viên sắt - axit folic (hoặc viên đa vi chất) đều đặn từ khi có thai đến sau sinh 1 tháng để phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Axit folic còn có tác dụng dự phòng dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Không hút thuốc lá, thuốc lào, không uống rượu bia, nước trà đặc và cà phê; tiêm phòng uốn ván đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Với trẻ sơ sinh cần được chăm sóc chu đáo: Giữ ấm, bú mẹ hoàn toàn, tiêm phòng lao, chăm sóc rốn, mắt và vệ sinh cho trẻ. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm đe doạ nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong cần đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời. Các dấu hiệu như: Bú ít hoặc bỏ bú; Ngủ li bì khó đánh thức; Thở khác thường (thở chậm dưới 40 lần hoặc thở nhanh trên 60 lần trong 1 phút, co rút lồng ngực, cánh mũi phập phồng, khò khè); Co cứng hoặc co giật; Sốt cao (trên 38,5 độ C) hoặc hạ thân nhiệt (dưới 36 độ C); Mắt sưng đỏ hoặc có mủ; Rốn sưng đỏ hoặc chảy mủ; Vàng da xuất hiện trước 3 ngày tuổi, đặc biệt là vàng da xuất hiện trong 24 giờ sau sinh; vàng da kéo dài trên 14 ngày; vàng da lan nhanh đến bụng, đùi, chân trong những ngày đầu sau sinh; vàng da xuất hiện cả trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; vàng da kèm phân bạc màu. Da vàng sớm trong 24 giờ sau khi sinh hoặc kéo dài hơn 7 ngày hoặc vàng da đậm hoặc vàng cả ở lòng bàn tay, bàn chân; nôn, tiêu chảy nhiều lần... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại