“Ma men” chống đối lực lượng cảnh sát giao thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCSGT Bắc Ninh kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế Lê Ngọc. Ảnh cắt từ clip |
Những “ma men” hung hãn
Vào tối 14/9, tổ công tác của Cục CSGT phối hợp với Đội CSGT-TT, Công an (CA) TP Hải Dương tiến hành làm nhiệm vụ tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Đến khoảng 21h40 cùng ngày, tổ công tác dừng ô tô Honda CRV màu trắng BKS: 34A - 668.XX để tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế Trần Mạnh Hùng (SN 1977, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
Kết quả kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng sau đó cho thấy, tài xế Hùng vi phạm nồng độ cồn kịch khung (mức 0,698 mg/L khí thở); gấp 1,7 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100. Khi cán bộ của tổ công tác lập biên bản xử lý vi phạm thì Trần Mạnh Hùng có hành vi giật lại giấy tờ và hung hãn đấm vào ngực cán bộ làm nhiệm vụ.
Ngày 28/9, căn cứ các tài liệu thu thập được, CQ CSĐT CA TP Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Mạnh Hùng về tội “Chống người thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 1, Điều 330 BLHS.
Trước đó, ngày 8/9 tổ tuần tra kiểm soát Phòng CSGT CA tỉnh Bắc Ninh làm nhiệm vụ tại tỉnh lộ 295B, khu Khả Lễ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, đã dừng kiểm tra ô tô BKS 99A - 010.45 do tài xế Lê Ngọc (SN 1968, cán bộ ngân hàng, điều khiển. Tuy nhiên, ông Lê Ngọc không chấp hành, dùng tay gạt máy đo nồng độ cồn, có lời lẽ xưng hô "mày", "tao" với lực lượng CSGT đồng thời dùng tay đấm thẳng vào vùng mặt một cán bộ trong tổ công tác.
Kết quả kiểm tra bằng thiết bị sau đó cho thấy đối tượng Ngọc vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,118 miligam/1L khí thở. Ngoài ra, tài xế này cũng không có giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe cũng như giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đến ngày 18/9/2023, Phòng CSGT CA tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi Sở Nội vụ tỉnh này để xem xét tiến hành xử lý đối với cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm Luật GTĐB theo quy định. Ngày 28/9, căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự và các quy định của pháp luật, CQ CSĐT CA TP Bắc Ninh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Ngọc về tội “Chống người thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 1, Điều 330 BLHS năm 2015.
Có thể phạt tù người có nồng độ cồn quá cao vẫn lái xe?
Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng - Đội trưởng Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn Tuần tra Kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT cho biết, xử lý vi phạm nồng độ cồn rất khó và mất nhiều thời gian vì lái xe không tỉnh táo, không kiểm soát được hành vi, lời nói nên thường không hợp tác, thậm chí chống đối. Vì vậy, có những trường hợp mất 2 - 3 tiếng đồng hồ để xử lý, nhưng lực lượng chức năng vẫn kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á cho biết, hành vi lái xe chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh của người thi hành công vụ là những biểu hiện của sự coi thường pháp luật của người vi phạm. Bất chấp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, gây mất ổn định trật tự xã hội, do vậy, cần phải xử lý thật đích đáng mới đủ giáo dục, răn đe. Những hành vi cố tình tăng tốc lao xe ô tô vào người thi hành công vụ hoàn toàn có thể xử lý hình sự. Nếu người thi hành công vụ bị gây thương tích hoặc tử vong, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Cố ý gây thương tích" theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, dù bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định các hành vi nguy hiểm như sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể.
Luật sư Nguyên đề xuất có thể phạt tù người có nồng độ cồn quá cao vẫn lái xe, dù chưa gây tai nạn giao thông nghiêm trọng; đồng thời các hướng dẫn liên quan truy tố hình sự hành vi này cũng cần được chi tiết hơn để áp dụng. Còn với “ma men” có hành vi “Chống người thi hành công vụ”, gây thương tích cho lực lượng chức năng cần phải khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyên cũng cho biết, tội “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 330 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã nêu rõ quy định về tội chống người thi hành công vụ. Theo đó, chống đối người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để cản trở, tấn công người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Tùy vào mức độ phạm tội, người vi phạm sẽ phải chịu phạt hành chính, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù tương ứng với hậu quả gây ra. Với cá nhân có hành vi cản trở dùng lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ, phải áp dụng biện pháp buộc xin lỗi công khai theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
“Nâng cao và đa dạng các chế tài, hình thức xử phạt theo hướng nghiêm khắc sẽ đảm bảo đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh đó, cần sự chung tay, phối hợp của toàn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội trong việc triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp để mỗi người dân tham gia giao thông văn minh, an toàn” - luật sư Đinh Thị Nguyên chia sẻ thêm.
"Ma men" đánh vợ rồi xô ngã cán bộ Công an khi được can ngăn | |
Hà Nội: Lực lượng 141 xử phạt 35 “ma men” trong ngày 10/8 | |
Liên tục xuất hiện “ma men” chống người thi hành công vụ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại