Thứ sáu 26/04/2024 05:26
Vụ chia thừa kế ở huyện Hoài Đức, Hà Nội

Lý do bị đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, phúc thẩm, bị đơn đã đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo hồ sơ vụ án, cụ Lê Quang Diệu và cụ Vũ Thị Phúc ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, có 5 con trai (ông Lê Quang Chiểu, Lê Quang Dân, Lê Quang Liên, Lê Quang Thọ và Lê Quang Tiến, SN 1962, trú tại xã An Khánh). Ngày 6/1/2009, hai cụ lập di chúc bằng văn bản với nội dung mảnh đất tại khu tập thể Nhà máy M1 xã An Khánh cho 5 người con. Di chúc trên được lập thành 5 bản, có chữ ký của 2 cụ, 5 người con được hưởng thừa kế và 2 người làm chứng.

Tháng 7/2009, cụ Phúc mất, những người con lập sơ đồ phân chia đất theo sự chỉ đạo của cụ Diệu. Trước đó, năm 2010, cụ Diệu đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho thửa đất trên với diện tích là 564,8m2 (gồm 450m2 đất được Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc cấp và 114,8m2 tôn tạo thêm trước năm 1993). Gia đình cụ Diệu đã nộp lệ phí để làm 3 sổ đỏ mang tên ông Diệu, ông Liên và ông Tiến. Tuy nhiên, thửa đất trên chưa được cấp sổ đỏ.

Đến tháng 3/2014 cụ Diệu mất, toàn bộ thửa đất do 5 người con trực tiếp quản lý, sử dụng và đã xây dựng các công trình tài sản trên đất. Cuối năm 2017, ông Chiểu và ông Dân dỡ bỏ nhà cũ để xây mới thì xảy ra tranh chấp với gia đình ông Tiến. Do đó ông Chiểu, ông Dân, ông Liên và ông Thọ làm đơn ra tòa, yêu cầu chia diện tích đất (450m2).

TAND huyện Hoài Đức nhận định, di chúc của cụ Diệu, cụ Phúc lập ngày 6/1/2009 và sơ đồ phân chia kèm không phải là di chúc hợp pháp. Do đó, tòa tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, chia di sản thừa kế thành 5 phần. Trong đó, ông Tiến – bị đơn được quyền sở hữu, sử dụng diện tích 144,5m2 cùng các công trình trên đất và có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho các đồng thừa kế.

Sau đó, ông Tiến kháng cáo yêu cầu chia thừa kế cả phần diện tích đất lấn chiếm. Xét xử phúc thẩm, HĐXX TAND TP Hà Nội nhận định, tại cấp sơ thẩm, ông Tiến không có đơn phản tố nên HĐXX không xem xét, chỉ xem xét giải quyết đối với diện tích 450m2 theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đối với đề nghị công nhận tính hợp pháp và chia di sản thừa kế của cụ Phúc, cụ Diệu theo bản di chúc ngày 6/1/2009 và sơ đồ phân chia đất kèm theo đối với diện tích 564,8m2 của ông Tiến, HĐXX không chấp nhận vì cho rằng di chúc không phù hợp với quy định của pháp luật, sơ đồ phân chia cũng chỉ có chữ ký của các con cụ mà không có chữ ký của hai cụ.

Theo đó, tòa phúc thẩm tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, xác định diện tích 450m2 có giá trị 5,4 tỷ là di sản của cụ Diệu và cụ Phúc; chia cho ông Tiến được quyền sở hữu, quản lý, sử dụng diện tích 144,5m2 cùng các công trình có trên đất và có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho các đồng thừa kế số tiền 163,5 triệu đồng. Các thừa kế có quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được xem xét giải quyết với phần đất công gia đình khai phá, mở rộng và sử dụng trước ngày 15/10/1993 có diện tích 153,4m2 được giới hạn theo sơ đồ kỹ thuật kèm theo bản án…

Ông Tiến đã làm đơn gửi TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Bị đơn cho rằng, TAND TP Hà Nội nhận định do ông không có yêu cầu phản tố tại cấp sơ thẩm nên HĐXX không xem xét là không đúng quy định của pháp luật. Bị đơn nêu, sơ đồ phân chia thừa kế của tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm là không đúng quy định của pháp luật.

Năm 2010, khi bố ông làm hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ đã tiến hành đo vẽ toàn bộ khu đất có diện tích là 564,8m2, không bao gồm diện tích 39m2 đất riêng của ông nằm phía sau nhà ông Liên như hiện tại. Tuy nhiên, tại hồ sơ kỹ thuật thửa đất do TAND TP Hà Nội phân chia di sản thừa kế lại bao gồm cả phần diện tích đất riêng 39m2 của ông.

Do đó, bị đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy án sơ thẩm, phúc thẩm, trả lại hồ sơ để xét xử lại theo quy định chung.

Theo ông Tiến, việc TAND TP Hà Nội chưa xem xét nội dung chứng cứ của ông về việc công nhận của các nguyên đơn theo tờ bản đồ, đó là đơn trình bày và file ghi âm thể hiện các nguyên đơn đã đồng ý sự phân chia theo ý chí của bố mẹ ông đã ảnh hưởng đến quyết định của bản án phúc thẩm, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Người trực tiếp sử dụng đất được cấp sổ đỏ hợp pháp?­­
Thủ tục công chứng văn bản từ chối di sản thừa kế
Nhận thừa kế quyền sử dụng đất có phải đăng kí biến động đất đai
Khởi tố đối tượng sát hại em trai 3 tuổi để giành quyền thừa kế
Khi không có bản di chúc để lại…
Bảo An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động