Chủ nhật 05/05/2024 20:08
Vụ án chia thừa kế ở quận Lê Chân, Hải Phòng:

Người trực tiếp sử dụng đất được cấp sổ đỏ hợp pháp?­­

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về vụ án mà mình là bị đơn, ông Hoàng Viết Phẩm, SN 1944, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng, đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng...

Ông Phẩm trình bày, ông và mẹ (bà Lê Thị Thìn, chết năm 1991), sinh sống tại tầng 1 nhà số 8, đường Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, Hải Phòng từ năm 1955 đến nay (64 năm). Căn nhà có 2 tầng, nguồn gốc là của cụ Lê Quang Thứ và cụ Tô Thị Khang (bố mẹ của bà Thìn).

Đương thời, cụ Thứ và cụ Khang có tài sản là nhà số 4, 4A, 6, 6A, 6B đường Cát Dài, TP Hải Phòng. Khi Nhà nước cải tạo công thương nghiệp thì vợ chồng cụ Thứ đã bàn giao các căn nhà trên cho Nhà nước quản lý. Tại biên bản bàn giao nhà ngày 10-4-1961, Nhà nước đã tiếp quản căn nhà số 4, 4A, 6, 6B, còn lại nhà số 6A (nay là nhà số 8 Hai Bà Trưng), Nhà nước để lại cho vợ chồng cụ Thứ quản lý, sử dụng không phải trả tiền thuê nhà. Biên bản bàn giao nhà ngày 10-4-1961 có nêu rõ: “Toàn dưới nhà (tầng 1) cho con gái ở, 5 người, toàn trên nhà (tầng 2) vợ chồng ông Thứ ở, có 2 người”.

nguoi truc tiep su dung dat duoc cap so do hop phap
Ngôi nhà được nhắc đến trong vụ án. Ảnh: Ngọc Dũng

Theo ông Phẩm, bản án sơ thẩm số 09/2016/DS-ST ngày 18-11-2016, HĐXX - TAND TP Hải Phòng (nguyên đơn là bà Lê Thu Khuê, SN 1943, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng; ông Phẩm, bà Hoàng Thúy Phương, SN 1947 - bị đơn) đã viện dẫn quy định tại Điều 3 Thông tư số 383/TT-BXD ngày 5-10-1991 của BXD hướng dẫn thi hành Quyết định của Chủ tịch HĐBT về giải quyết một số vấn đề về nhà ở quy định:

“Diện tích để lại cho chủ nhà sau cải tạo là diện tích thuộc quyền sở hữu của họ. UBND có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Pháp lệnh nhà ở cấp cho chủ nhà GCN quyền sở hữu đối với diện tích đã để lại cho họ”. Và quan điểm xác nhận của Cty Kinh doanh nhà Hải Phòng về việc nhà số 8 gồm cả tầng trên và tầng dưới là phần đất giao cho đương sự nên Cty không quản lý. Công văn số 147 ngày 30-3-1995 của Sở XD Hải Phòng: “Căn nhà số 8 Hai Bà Trưng thuộc quyền sở hữu của ông Lê Quang Thứ và vợ là Tô Thị Khang”. Từ đó, HĐXX sơ thẩm của TAND TP Hải phòng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thu Khuê, yêu cầu chia di sản thừa kế toàn bộ nhà số 8 Hai Bà Trưng – bao gồm cả nhà dưới (tầng 1).

Bị đơn kháng cáo vì cho rằng, bản án của TAND TP Hải Phòng còn nhiều điều điểm chưa đúng với quy định của pháp luật, cụ thể: Ngày 5-4-2007, Thanh tra Bộ Xây dựng có Công văn số 154/ BXD-TTr nêu, theo quy định tại Điều 8, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2-2-2005 của UBTVQH, đối với diện tích nhà đất được để lại không phân biệt người được để lại là ai, diện tích để lại nhiều hay ít, khi Nhà nước thực hiện quản lý theo quy định của chính sách cải tạo nhà đất cho thuê hoặc chính sách nhà đất của tổ chức cá nhân thì Nhà nước không quản lý đối với diện tích nhà đất này. Người đang trực tiếp sử dụng được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Diện tích gia đình ông Phẩm và bà Phương đang sử dụng tại tầng 1 nhà số 8 Hai Bà Trưng từ năm 1961 đến nay là diện tích Nhà nước để lại sau cải tạo. Vì vậy, gia đình ông Phẩm và bà Phương được công nhận quyền sở hữu với phần diện tích trên với tư cách là người đang trực tiếp sử dụng nhà. Ông Phẩm có thể liên hệ với các cơ quan chức năng của TP để được cấp "sổ đỏ" đối với diện tích đang sử dụng tại nhà số 8 HBT, Lê Chân, Hải Phòng.

Vì vậy, bản án sơ thẩm của TAND Hải Phòng viện dẫn Công văn số 147 ngày 30-3-1995 của Sở Xây dựng Hải Phòng trong đó nêu, "căn nhà số 8 Hai Bà Trưng thuộc quyền sở hữu của ông Lê Quang Thứ và vợ là Tô Thị Khang” là đi ngược lại với quan điểm chỉ đạo của Thanh tra Bộ Xây dựng. Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 127/2005/NĐ-CP ngày 10-10-2005 của Chính Phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH 11 quy định, trường hợp người đang trực tiếp sử dụng nhà đất, có giấy tờ chứng minh tính hợp lệ trong việc sử dụng diện tích nhà đất được để lại để ở, thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN quyền sở hữu nhà và "sổ đỏ" theo quy định của pháp luật.

Biên bản bàn giao nhà ngày 10-4-1961 chỉ rõ: “Toàn nhà dưới cho con gái ở có 5 người”, do đó cần khẳng định, biên bản nói trên đã để lại một diện tích để ở, diện tích này chính là “diện tích nhà đất được để lại để ở” theo Điều 8, NĐ 127/2005/ NĐ - CP ngày 10-10-2005 của Chính phủ. Biên bản bàn giao nhà cũng chính là giấy tờ pháp lý chứng minh tính hợp lệ trong việc sử dụng diện tích được để lại để ở của gia đình ông Phẩm đối với toàn nhà nhà dưới/tầng 1 của nhà số 8 Hai Bà Trưng với tư cách là “người đang trực tiếp sử dụng”. Quá trình xét xử, TAND Hải Phòng đã căn cứ vào các văn bản pháp luật không còn hiệu lực thi hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên.

Phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội được mở ngày 11-3-2019. Nhưng trước đó, ngày 1-3-2019, ông Phẩm bị tai nạn xe máy phải nằm viện nên có đơn xin hoãn phiên phúc thẩm. Nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án vì cho rằng, bị đơn vắng mặt với lý do không chính đáng (?).

Trao đổi với PV, ông Hoàng Viết Phẩm nhấn mạnh: "Gia đình chúng tôi là người “trực tiếp sử dụng nhà đất”; có giấy tờ chứng minh tính hợp lệ trong việc sử dụng diện tích nhà đất được để lại để ở nên đủ điều kiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp "sổ đỏ" cho toàn bộ diện tích tầng 1 nhà số 8. Tầng 1 nhà số 8 không còn là sở hữu của cụ Thứ nên không được phép chia thừa kế". Chính bởi vậy, bị đơn tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại vụ án.

Ngọc Dũng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động