Lực lượng liên ngành ra quân xử lý xe quá tải chạy trên các tuyến đê trọng yếu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018; việc xử lý xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên tuyến đê Hữu Hồng thuộc địa bàn huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên và việc kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của xe quá tải hoạt động trên một số tuyến đường, tuyến đê, ngày 27-9, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT đã ký quyết định thành lập tổ công tác liên ngành.
Quyết định thành lập tổ công tác xử lý xe quá tải trọng chạy trên đê |
Theo Quyết định số 1769/QĐ-SNN của Giám đốc Sở NN&PTNT về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý xe quá tải trọng cho phép hoạt động trên các tuyến đê Hữu Hồng thuộc huyện Thường Tín và Phú Xuyên; tuyến đê Tả Đáy, thuộc huyện Hoài Đức; tuyến đê Tả Hồng và Tả Đuống thuộc huyện Đông Anh và Gia Lâm thì ngoài lực lượng thuộc Sở NN&PTNT còn có lực lượng CSGT và TTGT của TP Hà Nội và các huyện có các tuyến đê trọng yếu đi qua. Thời gian thực hiện kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng 12-2018.
Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở NN&PTNT tổ chức tuần tra ngăn chặn, xử lý xe quá tải trong cho phép hoạt động trên các tuyến đê trọng yếu của Thành phố theo quy định hiện hành; tham mưu, đề xuất giải pháp nhằm xử lý có hiệu quả tình trạng xe quá tải trọng cho phép hoạt động trên các tuyến đê thuộc địa bàn TP Hà Nội; phối hợp với một số cơ quan truyền thông, chính quyền cấp xã để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều tới các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đê sông Đuống đoạn qua xã Phù Đổng cắm biển cấm xe trọng tải quá 5 tấn |
Để tổ công tác triển khai có hiệu quả, an toàn, ngày 1-10, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký văn bản số 2771/SNN-ĐĐ đề nghị CATP Hà Nội; Sở GTVT Hà Nội và UBND các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm chỉ đạo lực lượng CSGT, TTGT cử cán bộ tham gia, phối hợp với tổ công tác thực hiện tuần tra, kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên các tuyến đê của TP Hà Nội.
Trong khi UBND TP Hà Nội và Sở NN&PTNT Hà Nội tích cực chỉ đạo các lực lượng xử lý xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên các tuyến đê trọng yếu của Thành phố, thì UBND huyện Gia Lâm lại ký văn bản cho một doanh nghiệp đổ hơn nửa triệu m3 đất màu để thực hiện dự án.
Theo tìm hiểu của PV, đầu tháng 8-2018, UBND huyện Gia Lâm nhận được văn bản của Cty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm về việc xác định khối lượng đất màu và phê duyệt vị trí điểm đổ đất thực hiện Dự án Khu đô thị Gia Lâm; xét báo cáo của Phòng Kinh tế, ngày 19-9, ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã ký văn bản số 2292/UBND-KT về việc bố trí vị trí tái sử dụng tầng đất canh tác bóc tách thực hiện dự án Khu đô thị Gia Lâm.
Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng đang diễn ra trên tuyến đê này |
Văn bản này thể hiện, UBND huyện Gia Lâm đồng ý cho Cty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm đổ hơn 584 nghìn m3 đất tại 6 vị trí thuộc các xã Kiêu Kỵ; Phù Đổng và Trung Mầu, huyện Gia Lâm. UBND huyện Gia Lâm đề nghị Cty này làm việc, thống nhất với các hộ gia đình có đất 64 tại vị trí tái sử dụng trước khi thực hiện bổ sung đất canh tác.
Song, theo khảo sát của PV, những vị trí mà UBND huyện Gia Lâm phê duyệt vị trí cho Cty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm đổ đất màu thì xe tải chở đất phải đi qua tuyến đê sông Đuống, đoạn qua xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Trong khi đó, trước tình trạng xe quá tải tránh trạm BOT chạy rầm rập suốt ngày đêm đã khiến tuyến đê này xuống cấp nghiêm trọng, Sở GTVT Hà Nội đã phải cắm biển cấm xe có trọng tải trên 5 tấn để “cứu” tuyến đê này.
Để tìm hiểu về việc phê duyệt vị trí cho doanh nghiệp đổ đất để thực hiện dự án có dấu hiệu xâm hại đến đê sông Đuống đoạn qua xã Phù Đồng, ngày 8-10, PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Gia Lâm. Song, đã gần 1 tháng trôi qua, UBND huyện Gia Lâm vẫn chưa sắp xếp lịch làm việc với PV.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại