Luật Thủ đô (sửa đổi): Huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn cho Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5/2024. |
Xây dựng thể chế vượt trội cho sự phát triển của Hà Nội
Sau gần 10 năm thi hành, việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp Hà Nội đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, các quy định của Luật đã tạo cơ chế tăng nguồn thu tài chính, ngân sách cho Thủ đô; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, một số nội dung của Luật Thủ đô trong quá trình thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; chưa phát huy hết thế mạnh về vốn, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô 2012 và từ thực tiễn đời sống Thủ đô, TP Hà Nội tập trung xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, đề xuất 9 nhóm chính sách theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.
Theo bà Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, 10 năm thực thi Luật Thủ đô là 10 năm hệ thống pháp luật Việt Nam trên nền tảng của Hiến pháp 2013 có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, theo nguyên tắc áp dụng luật, những luật ban hành sau mà có điều chỉnh các vấn đề mà đã được quy định trong Luật Thủ đô thì phải áp dụng các luật sau. Vì vậy nên một số chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô phần nào đã bị “vênh" chính sách đối với các luật ban hành sau.
Mặt khác, Luật Thủ đô hiện hành còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng, mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển Thủ đô. Luật còn thiếu những quy định mang tính đặc thù, đột phá đúng với trị trí, vai trò của Thủ đô, nhằm tạo thể chế thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
Theo bà Mai, trong 14 quy định về chính sách đặc thù của Thủ đô lại có 9 điều giao cho chính quyền Hà Nội ban hành các văn bản chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Cụ thể như vấn đề cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ, điều này đã được ban hành các nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, nhưng lại vướng các văn bản chi tiết Luật Xây dựng ban hành sau Luật Thủ đô. Do vậy phải chờ đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69 về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thì phần nào những vướng mắc mới được giải quyết.
Cần có các giải pháp được quy định ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi)
Đóng góp ý kiến, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam đề cập một số vấn đề TP cần giải quyết cấp bách như: Tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí, thiếu khu vui chơi cho thiếu nhi và để xử lý một cách hệ thống, đồng bộ, có tính bền vững, cần có các giải pháp được quy định ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
Mấu chốt là hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô và cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại, hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm, bền vững, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các khu đô thị vệ tinh. Để thực hiện được mục tiêu của các định hướng phát triển đô thị, đòi hỏi Hà Nội phải có các chính sách, biện pháp để thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị...
Với vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận là làm thế nào để giải quyết bài toán kinh tế vỉa hè, ông Nguyễn Hưng Quang cũng cho rằng, cần tạo điều kiện ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để chính quyền Thủ đô có thể quản lý hài hòa 2 chức năng của hè đường nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hài hòa lợi ích của người dân (gồm người đi bộ, người có đời sống kinh tế gắn với hè đường). Đồng thời, Hà Nội có thêm nguồn thu để đầu tư cho các công trình, tiện ích khác cho người dân, như đầu tư vào giao thông công cộng.
TS. Lê Dương Bình, GĐ điều hành Economica Việt Nam cho rằng, khi xây dựng một luật mới hay sửa đổi một bộ luật điều quan trọng là phải giải quyết được các nhu cầu thực tiễn. Chúng ta đang xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế lớn của đất nước, tuy nhiên điều kiện để đảm bảo nguồn lực cho việc này còn khá khó khăn.
Hà Nội có tiềm năng rất lớn về tài sản công nhưng việc sử dụng đang còn rất lãng phí. Ví dụ như câu chuyện về biệt thự, đó là khối tài sản vô cùng lớn. Nếu có cơ chế sử dụng hợp lý sẽ đem lại nguồn hỗ trợ cho quá trình phát triển của thủ đô. Tương tự như vậy, nếu giải quyết được các vấn đề xa hơn về đất đai sẽ tạo nguồn lực rất lớn để phục vụ quá trình xây dựng và phát triển thủ đô.
Các đại biểu cho rằng, Hà Nội có bề dày hơn 1.000 năm văn hiến; có hệ thống cảnh quan đẹp, có quỹ đất rộng lớn... Đây là thuận lợi nền tảng cơ bản để phát triển đô thị trong tương lai, đặt cơ chế, nền móng bước đầu ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, phát triển.
Dự án Luật Thủ đô sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5/2024.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại