Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội nghị. |
Chiều 3/7, tại Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội nghị.
Tham gia hội nghị có các chuyên gia Luật Thủ đô của TP Hà Nội: Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; TS. Trần Anh Tuấn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Dương Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; TS. Lê Thiều Hoa - Trưởng ban Pháp luật Nhà nước,… tham dự hội nghị. Bên cạnh đó cũng có các lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Trung ương và Hà Nội.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích, đưa ra góp ý về thẩm quyền của HĐND TP, đại biểu chuyên trách, thành lập thêm một số cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc TP, quận, huyện.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nêu các giải pháp giúp TP Hà Nội phát triển hiệu quả, đảm bảo kịp thời, linh hoạt trong công tác của Thủ đô. Cũng như góp ý để thành phố xin chủ trương được quyết định về số lượng biên chế tăng thêm trên cơ sở vị trí việc làm, đặc điểm riêng của Thủ đô nhằm đáp ứng yêu cầu công việc do ngân sách của thành phố chi trả.
Các chuyên gia tại hội nghị còn góp ý về việc thành lập thành phố thuộc Thủ đô với những mục tiêu riêng, định hướng riêng cho mỗi thành phố. Cùng với đó, các chuyên gia cũng góp ý về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn xác định 9 nhóm chính sách để nghiên cứu, giải trình, lập luận, quy định cụ thể. Trong 9 nhóm chính sách này bao gồm toàn diện theo Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30.
“Để thực hiện 9 nhóm chính sách này thì cần có giải pháp và các giải pháp để thực hiện các chính sách trên cơ sở 3 Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30 và được quy định cụ thể bằng các điều khoản” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội thông tin thêm, các chuyên gia góp ý tại hội nghị cần gom lại thành 5 nhóm nội dung và các tổ chuyên môn đứng đầu là Bộ Tư pháp cùng các Sở, ngành của Hà Nội tham gia. Các thành viên của tổ chuyên môn này phải dành thời gian tập trung cho Luật Thủ đô sửa đổi, có tư duy về làm luật, làm thế nào để người khác đọc luật đều hiểu đúng.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng chỉ đạo các bộ phận chức năng nghiên cứu, đưa ra một phương án cụ thể về nội dung TOD.
“Tôi mong Bộ Tư pháp cầm trịch và các đơn vị của Bộ tham gia với vai trò là chỉ huy, sở, ngành của Hà Nội sẽ tham gia với vai trò phối hợp, làm nội dung, thực tiễn phối hợp” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo đột phá để Hà Nội phát triển bền vững, xứng tầm Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại