Lớp học nhạc miễn phí truyền cảm hứng đến giới trẻ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLê Hà Thu - người sáng lập CLB Cầm Ca và trực tiếp đứng lớp giảng dạy lớp học nhạc miễn phí “Bình dân học nhạc” |
Từ niềm đam mê…
Lê Hà Thu kể, từ nhỏ em đã yêu thích nhạc cụ truyền thống và đến năm lớp 2, được mẹ định hướng và đăng ký lớp học đàn bầu tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Với niềm đam mê âm nhạc, cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đăng ký thi vào khối trung cấp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, khoa nhạc cụ truyền thống.
Quá trình học tập tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Thu nảy ý tưởng thành lập CLB Cầm Ca với mục tiêu đưa nhạc cụ truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Thời gian đầu, Hà Thu chiêu mộ các bạn sinh viên tại khoa nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam mở lớp dạy nhạc miễn phí “Bình dân học nhạc” mùa đầu tiên. Nhờ tính lan tỏa trong cộng đồng, đến nay sau 3 mùa tổ chức, “Bình dân học nhạc” thu hút khoảng 400 học viên các khóa học. Dịp tháng 7 vừa qua, CLB Cầm Ca khai giảng mùa thứ 3 với sự tham gia của hơn 100 học viên, những người yêu thích âm nhạc truyền thống.
Theo Hà Thu, chương trình “Bình dân học nhạc” mùa thứ 3 được tổ chức 21 lớp học nhạc cụ và 1 lớp học lý thuyết, mỗi lớp được quản lý từ 2-5 học viên/giáo viên. Chỉ một vài buổi học vỡ lòng, các học viên đã tiếp cận, nhận biết từng loại nhạc cụ, học nhạc lý, nốt nhạc, làm quen việc đeo những chiếc móng gảy đến vị trí đặt ngón tay lên từng dây đàn. Những kiến thức mới về trường độ, quãng, cung, khóa son, gam rải,... đều được các bạn học viên tiếp thu rất nhanh.
Kế hoạch khóa học diễn ra trong gần hai tháng với mục tiêu phổ cập kiến thức âm nhạc cơ bản cho những người yêu thích và muốn tìm hiểu nhạc cụ dân tộc truyền thống. “Bình dân học nhạc” là một chương trình khai mở, giúp mọi người vượt qua những khó khăn ban đầu của bộ môn nghệ thuật, để từ đó khi đã đam mê, mỗi học viên lại tìm tiếp hành trình phù hợp để theo đuổi, học tập chơi nhạc cụ dân tộc truyền thống mà mình lựa chọn.
Tham gia giảng dạy là nhóm giáo viên, nghệ sĩ trẻ nhạc cụ dân tộc như: Trần Trúc Quân (đàn nhị), Đặng Tuấn Anh (sáo trúc); Nguyễn Hồng Anh (sáo trúc); Trần Bảo Khánh (đàn bầu); Trịnh Phan Hiển (đàn bầu); Nguyễn Phương Thảo (đàn bầu).
Bản thân là người trực tiếp giảng dạy đàn bầu, Hà Thu cũng như các giảng viên trong CLB đều mang nhiệt huyết truyền tải đam mê và năng lượng tích cực đến các học viên. Giáo trình giảng dạy được đổi mới phù hợp tiếp cận giới trẻ. Nhờ tinh thần truyền lửa của những “người thầy đặc biệt”, hiệu ứng sau mỗi khóa học “Bình dân học nhạc” được các học viên có phản ánh tốt. Các học viên đều bày tỏ mong muốn tiếp tục tham gia lớp “Bình dân học nhạc” các mùa tiếp theo.
Cô gái trẻ tài năng Lê Hà Thu |
Thông điệp giữ gìn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống
Định hướng nhạc cụ truyền thống từng bước tiếp cận hơn giới trẻ, CLB Cầm Ca đã đưa nhạc cụ dân tộc hòa cùng âm thanh hiện đại, mang đến màu sắc mới mẻ, thu hút khán giả. Đó không chỉ dừng lại những bản nhạc quen thuộc như “Bèo dạt mây trôi”, “Chú Cuội”, “Lới Lơ”..., CLB Cầm Ca còn làm mới cách thể hiện bài “Trống Cơm” bằng cách kết hợp giữa đàn bầu với tiết tấu beatbox, cover nhạc phim “Mắt biếc” thu hút gần 4.000 lượt yêu thích (like), hơn 1.000 bình luận và 550 lượt chia sẻ trên fanpage chính thức của bộ phim. Những sản phẩm âm nhạc mới của ca sĩ trẻ như “Có không giữ mất đừng tìm”, “Chạy về khóc với anh”, “Tình yêu màu nắng”… được thể hiện bằng các nhạc cụ dân tộc truyền thống mang đến sự tươi mới, cuốn hút cho giai điệu, được cộng đồng quan tâm, chia sẻ.
Thông điệp cô gái trẻ Hà Thu muốn truyền tải chính là nâng cao giá trị âm nhạc truyền thống trong cộng đồng. Đối với Hà Thu, trong hơn 3 năm hoạt động, xuất hiện trước hàng trăm ngàn khán giả, CLB Cầm Ca không chỉ dừng lại ở việc đem âm nhạc đến cộng đồng, không muốn chỉ bản thân tỏa sáng mà điều tuyệt vời nhất là được thấy những thanh âm trong trẻo ấy lan tỏa và ngân vang mãi bằng cách làm sao để thật nhiều người biết chơi nhạc cụ truyền thống. Ngoài giá trị mang âm nhạc truyền thống đến với đời sống, góp phần đưa tinh thần, ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống dân tộc đến gần hơn với giới trẻ, tiếp nối những nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản âm nhạc Việt Nam.
Điều lạ là các khóa học “Bình dân học nhạc” được tổ chức đều hoàn toàn miễn phí. Nguồn kinh phí hoạt động trích quỹ từ số tiền cát-sê biểu diễn của các nghệ sĩ. Một phần để duy trì hoạt động CLB Cầm Ca, một phần trích quỹ từ thiện khi đến biểu diễn tại trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão. Đối với các thành viên CLB Cầm Ca, số tiền nhỏ mang món quà ý nghĩa, san sẻ và kết nối yêu thương.
Là một người trẻ, Hà Thu đặt mục tiêu cân bằng giữa việc học và theo đuổi đam mê. Hà Thu cho biết, bản thân đã tốt nghiệp hệ trung cấp khoa nhạc cụ truyền thống với số điểm xuất sắc 9,4. Em dự định sẽ tiếp tục học lên bậc ĐH. Cùng với đó là giành thành tích cao trong học tập tại trường ĐH Thủy lợi. Từ các hoạt động ngoại khóa của trường, Hà Thu kết nối, lan tỏa nhạc cụ truyền thống đến với các bạn sinh viên.
Có thể nói, Hà Thu đại diện cho những người trẻ đa tài, sẵn sàng nỗ lực để theo đuổi đam mê, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tới cộng đồng. Cô gái tài năng còn thể hiện là một sinh viên năng động khi đảm nhận vai trò Bí thư lớp 63 Thương mại điện tử và Ủy viên BCH Liên chi đoàn khoa Kinh tế và Quản lý (ĐH Thủy lợi). |
Bắc nhịp nhạc cụ truyền thống đến với học đường |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại