Lời tâm sự về mặt trái của nghề hướng dẫn viên du lịch tự do
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững lời mời khiếm nhã
Ước mơ được đặt chân đến nhiều vùng đất mới thôi thúc cô sinh viên Nguyễn Hà Vi (SN 1994, quê Hưng Yên, HDVDL tự do) quyết tâm học một lúc 2 chuyên ngành là tiếng Đức (ĐH Ngoại Ngữ) và du lịch (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn Hà Nội).
Sau khi tốt nghiệp ĐH, Hà Vi xin làm cộng tác cho một số Cty du lịch tại Hà Nội, chuyên dẫn khách Đức đi các tour du lịch tại Việt Nam.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu trải nghiệm với nghề, Hà Vi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi ước mơ dần được hiện thực hóa. Được đi nhiều nơi, làm quen với nhiều bạn bè cả trong và ngoài nước, trải qua nhiều kỷ niệm vui, buồn giúp tình yêu nghề của Vi ngày một lớn hơn.
Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian gắn bó với nghề, cô nhận ra những khó khăn, bất cập có thể khiến nhiều nữ HDVDL có thể từ bỏ nghề bất cứ khi nào.
Hà Vi kể lại, trong một lần dẫn khách, cô bất ngờ khi khách của mình chỉ có duy nhất một khách nam, người Đức, khoảng ngoài 40 tuổi. Cô dẫn vị khách này đi tour Hà Nội – Quảng Ninh trong 4 ngày. Nhìn bề ngoài, vị khách lịch sự, thân thiện.
Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần ăn tối là ông này lại ngỏ lời “rủ rê” khiếm nhã. Khi ấy, Hà Vi rất sợ và nghĩ đến những tình huống không hay mà đồng nghiệp từng chia sẻ trước đây. “Tôi thường dẫn khách nước ngoài. Ưu điểm là khách rất lịch sự, nên khi nhận được lời rủ rê khiếm nhã của vị khách người Đức kia, tôi thật sự sốc.
Mà làm nghề HDVDL thì phải thật khéo léo, tuyệt đối không nên tỏ ra khó chịu hay phản ứng gay gắt làm mất lòng khách bởi nếu họ phản ánh với Cty về thái độ không tốt của mình là coi như sẽ không có lần hợp tác sau. Bị dồn vào thế khó xử, tôi tỏ vẻ không hiểu ý của ông ta. Sau đó, tôi cố tình lảng sang chuyện khác”- Hà Vi chia sẻ.
Theo Hà Vi, việc khách du lịch sàm sỡ, trêu ghẹo và “gạ gẫm” HDVDL xảy ra nhiều ở các tour dẫn khách nội địa hơn là các tour dẫn khách nước ngoài. Có HDVDL còn bị cả lái xe gạ gẫm bởi có nhiều trường hợp nữ HDVDL phải ngủ chung phòng với lái xe nam (để tiết kiệm chi phí, các Cty du lịch thường cho lái xe và HDVDL ở chung phòng).
Cô chia sẻ: “Để tránh việc bị khách rủ rê, trước tiên người HDVDL phải thể hiện thái độ đúng mực, nghiêm túc, mềm mỏng, cứng rắn, tỏ rõ quan điểm và chú ý ăn mặc lịch sự. Khi khách du lịch và lái xe thấy mình nghiêm túc thì họ sẽ không buông lời trêu ghẹo.
Còn việc nữ HDVDL ngại, không muốn ngủ cùng lái xe nam thì có thể xin ngủ chung phòng với du khách nữ hoặc xin ngủ nhờ phòng nào đó của khách sạn”.
Theo cô, cản trở lớn nhất của phụ nữ làm nghề HDVDL là điều tiếng và ít thời gian chăm sóc gia đình vì nay đây mai đó. Nếu người chồng và gia đình chồng không thông cảm cho nghề nghiệp của người phụ nữ theo đuổi nghề này thì không tránh khỏi việc gia đình bị tan vỡ.
Bị đồng nghiệp lừa đảo
Hà Vi khuyên các nữ HDVDL mới vào nghề cần cảnh giác với những Cty du lịch mới, đồng nghiệp mới mà mình chưa từng hợp tác. Tâm lý những người mới vào nghề thường muốn có nhiều việc làm để kiếm được nhiều tiền nên chuyện họ bị một số người trong nghề lừa đảo, lợi dụng là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Để minh chứng cho chuyện này, Hà Vi kể lại câu chuyện từng xảy ra với mình vào tháng 6 vừa qua. Thông qua mạng facebook, Hà Vi được một đồng nghiệp nam mới quen (chưa gặp mặt) nói là làm việc cho Cty P và ngỏ lời mời cô dẫn đoàn khách Đức cho Cty này.
Người bạn này giao việc cho cô qua email mà không cần gặp mặt. Dẫn khách đi tour sang ngày thứ 2, Vi chắp vá các sự việc lại với nhau và đặt ra nghi vấn mình bị người đồng nghiệp mới quen kia lừa. Thứ nhất, để thuê một HDVDL tự do dẫn khách nước ngoài thì điều trước tiên là Cty du lịch sẽ phải gặp mặt và kiểm tra tiếng nhưng Cty P lẫn người đồng nghiệp mới quen của cô bỏ qua khâu này.
Thứ 2, các Cty du lịch sẽ phải đặt trước nhà hàng, khách sạn cho khách nhưng khi Vi dẫn khách đến thì các nhà hàng, khách sạn (trong lịch trình gửi qua email) lại cho biết không có Cty P nào đặt mà chỉ có Cty khác tên T đặt. Từ đó, cô suy luận ra có thể người đồng nghiệp kia làm cho Cty T nhưng lại bịa ra Cty P để lừa đảo, hòng không thanh toán tiền làm việc cho cô.
Vì quen với Cty T nên Vi gọi điện và được biết đúng là Cty T nhận một đoàn khách Đức (Vi đang dẫn). Đại diện Cty T cũng cho biết Cty họ không liên kết hay không có Cty con tên P. Lúc này Cty T và Vi mới biết là họ đang hợp tác với nhau, trước đó Cty T vẫn đinh ninh là nam đồng nghiệp mới quen của Vi đang dẫn đoàn khách Đức này (thực tế, nam đồng nghiệp này là HDVDL của Cty T, còn Cty P là người này bịa ra).
Khi dẫn đoàn khách Đức lên Mai Châu (Hòa Bình), Vi nhận diện ra nam đồng nghiệp mới quen kia cũng đang dẫn khách tại đây (do đã nhìn ảnh trên facebook). Vi và lái xe (chở đoàn cô đang dẫn) lần lượt gọi vào số điện thoại của người thuê mình thì chuông điện thoại của nam đồng nghiệp kia đều reo.
Tuy nhiên, khi Vi đến hỏi thì người này phủ nhận, cho biết không phải là người thuê cô. Mời CA lên làm việc thì Vi và lái xe mới biết tên thật sự của người này, trước đó anh ta nói với Vi tên khác, nói với lái xe tên khác.
Tìm hiểu thêm, Hà Vi mới biết là đã có vài chục HDVDL từng bị lừa theo kiểu của cô và đều do nam đồng nghiệp kia thực hiện, tất cả họ đều không được thanh toán tiền sau khi dẫn khách. Nhiều người còn “mất cả chì lẫn chài’ khi tạm ứng tiền túi ra mua vé tham quan cho khách.
May mắn là Vi có quen với Cty T, sau khi nghe Vi trình bày thì Cty này vẫn thanh toán tiền cho cô. “Tôi thấy người đồng nghiệp mới quen này của mình không có tâm với nghề. Anh ta không hề nghĩ đến hậu quả của việc mình làm. Nếu tôi biết sự thật bị anh ta lừa và bỏ việc dẫn thì du khách sẽ như thế nào? Chỉ vì chút lòng tham của anh ta mà làm ảnh hưởng đến uy tín của Cty mình làm việc liệu có đáng? Rất may là khi tôi liên lạc với Cty T, họ đề nghị tôi tiếp tục dẫn khách và sẽ thanh toán tiền cho tôi”- Hà Vi bức xúc.
Từ câu chuyện của Hà Vi, các HDVDL tự do, đặc biệt những HDV nữ mới vào nghề nên rút ra bài học cho mình, có sự cảnh giác cao độ với các lời mời làm việc từ những người mới quen. Trước khi nhận lời nên có sự kiểm chứng kỹ lưỡng để tránh bị lừa đảo. Hơn nữa, các HDVDL nói chung hãy luôn sống có tâm với nghề, với đồng nghiệp để đừng vì một chút lòng tham mà lừa đảo, lợi dụng công sức và lòng tin của người khác.
Hồng Giang / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại