Thứ ba 23/04/2024 18:01

“Loạn” danh xưng cuộc thi Hoa hậu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cùng tiêu chí tìm kiếm gương mặt sắc đẹp đại diện giá trị nhân văn, hòa bình, thế nhưng cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” lại vướng phải tranh chấp bản quyền tên gọi.
“Loạn” danh xưng cuộc thi Hoa hậu
Bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch Cty Sen Vàng chụp cùng ông Nawat - Chủ tịch và bà Teresa - Phó chủ tịch Miss Grand International.

“Trăm hoa đua nở”

Lần đầu tiên lịch sử cuộc thi sắc đẹp Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam được tổ chức. Trái ngược với kỳ vọng của khán giả về một cuộc thi chất lượng, format mới lạ thì hai cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” vướng phải tranh chấp bản quyền ngay từ thời điểm cấp phép.

Dù đã bước vào giai đoạn 2 mùa tuyển thí sinh “Miss Peace Vietnam – Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”, các tranh chấp bản quyền về tên gọi vẫn chưa được giải quyết rõ ràng.

Trước đó, hai đơn vị Cty Minh Khang và Cty Sen Vàng đều công bố bản quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền cuộc thi có tên gọi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022”, chỉ khác tên tiếng Anh.

Nếu Cty Minh Khang đăng ký tên cuộc thi là Miss Peace Vietnam thì Cty Sen Vàng đăng ký cuộc thi Miss Grand Vietnam. Nhưng dịch sang tiếng Việt, cả hai cuộc thi đều chung tên gọi là “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”. Nhiều người lo ngại, nếu một trong hai cuộc thi xảy ra sự cố ảnh hưởng thương hiệu thì vụ việc sẽ bị xử lý như thế nào.

Trong diễn biến mới nhất về tranh chấp bản quyền tên gọi, đại diện BTC Miss Peace Vietnam gửi lời xin lỗi tới khán giả và phủ nhận trách nhiệm của đơn vị tổ chức vì sự trùng lặp này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (nghệ danh Thùy Dương) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã làm tròn trách nhiệm, cung cấp đủ pháp lý trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Phần còn lại thuộc về cơ quan chức năng, quản lý Nhà nước.

Lý giải về việc lấy tên gọi giống nhau, bà Thùy Dương cho biết, cách đây nhiều năm bà đã lên ý tưởng thực hiện 3 format cuộc thi là: Hoa khôi Hòa bình, Hoa hậu Hòa bình và Hoa hậu Quốc tế Hòa bình. Tuy nhiên, thời điểm xin cấp phép cuộc thi vẫn theo Nghị định 79, quy định mỗi năm trong nước chỉ có hai cuộc thi cấp quốc gia được cấp phép. Đó là hai cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt nam.

Đến tháng 2/2021, Nghị định 144 có hiệu lực thi hành đã “nới lỏng” quy định cấp phép tổ chức. Theo Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn không hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm.

Về hoạt động cấp phép, Nghị định 144 quy định các đơn vị tổ chức chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh - nơi tổ chức sự kiện là đã có thể tổ chức thi sắc đẹp. Cùng với đó, sau 2 năm biến động bởi dịch Covid-19, nhiều cuộc thi sắc đẹp bị hoãn đã khởi động trở lại.

Sau khi Nghị định 144 “mở cửa”, Cty Minh Khang đã đăng ký 6 nhãn hiệu kèm hình (logo): Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam; Miss Peace International - Hoa hậu Hòa bình quốc tế và Hoa khôi Hòa bình Việt Nam. Đại diện Cty Minh Khang cũng khẳng định cuộc thi Miss Peace Vietnam không phải là sản phẩm “ăn theo” sự nổi tiếng của đương kim Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên.

Đồng thời, phủ nhận chuyện đổi tên cuộc thi từ “Hoa khôi Hòa bình Việt Nam” thành “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”. Theo bà Thùy Dương, Cty Minh Khang sẽ tổ chức hai cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” tại Đà Nẵng và cuộc thi “Hoa khôi Hòa bình Việt Nam” tổ chức tại Quảng Nam vào năm 2023.

Hiện nay, đơn vị đang khởi động giai đoạn 2 của Miss Peace Vietnam 2022, tiếp tục hành trình tìm kiếm những cô gái đủ tiêu chí của cuộc thi đưa ra. Năm nay, Miss Peace Vietnam 2022 sẽ bỏ phần thi trang phục áo tắm.

Một điều đặc biệt, H’Hen Niê - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 nhận làm đại sứ và là thành viên ban giám khảo của Miss Peace Vietnam 2022.

“Loạn” danh xưng cuộc thi Hoa hậu
H’Hen Niê - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 trở thành đại sứ và là thành viên Ban giám khảo của Miss Peace Vietnam 2022.

Phía bà Phạm Kim Dung, Cty Sen lại khẳng định, “Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” do Cty Sen Vàng tổ chức là cuộc thi chính thức và duy nhất tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ của cuộc thi “Miss Grand Internationnal - Hoa hậu Hòa bình quốc tế”.

Cty Sen Vàng đã được chủ sở hữu, đơn vị tổ chức và sản xuất cuộc thi “Miss Grand Internationnal – Hoa hậu Hòa bình quốc tế” cấp phép, sử dụng nhãn hiệu cuộc thi “Miss Grand Internationnal” (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 384154) và được phép tổ chức cuộc thi “Miss Grand Vietnam – Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” để chọn ra đại diện Việt Nam tham gia Miss Grand Internationnal – Hoa hậu Hòa bình quốc tế” từ năm 2022 đến năm 2025.

Ngoài ra, Cty Sen Vàng công bố Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 2768/2022/QTG ngày 8/4/2022 đối với kịch bản Cuộc thi nhan sắc “Miss Grand Vietnam – Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” và Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 3386/2022/QTG ngày 10/5/2022 đối với logo “Miss Grand Vietnam – Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” do Cục Bản quyền tác giả cấp.

“Loạn” danh xưng cuộc thi Hoa hậu
Ông Nawat - Chủ tịch Miss Grand International cùng với top 10 Miss Grand Thailand 2022 đến Việt Nam để tham dự họp báo khởi động cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - Miss Grand Vietnam 2022”.

“Bà trùm” Hoa hậu tiết lộ thêm, việc có cuộc thi sử dụng tên gọi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” mà không do Cty Sen Vàng tổ chức không phải là cuộc thi nằm trong khuôn khổ của “Miss Grand Internationnal – Hoa hậu Hòa bình quốc tế” và không có chức năng để đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi “Miss Grand Internationnal – Hoa hậu Hòa bình quốc tế”.

Sau hơn 1 tháng qua, tranh chấp về tên gọi giữa hai cuộc thi nhan sắc vẫn chưa được phân xử rõ ràng từ phía cơ quan chức năng. Trong khi đó, cả hai cuộc thi đang chính thức khởi động vòng tuyển chọn thí sinh dự thi.

Trước đó, một cuộc thi cũng rơi vào trường hợp trùng tên gọi. Cụ thể, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam do Cty CP Truyền thông URA Việt Nam và một cuộc thi tương tự do Hãng truyền thông Topstar tổ chức. Đến nay, vụ tranh chấp tên gọi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam vẫn chưa tìm được cách giải quyết ổn thỏa.

Khi chất “chênh” lượng

Trước thực trạng cuộc thi nhan sắc “trăm hoa đua nở” như hiện nay, cho thấy những bất cập nảy sinh từ Nghị định 144 trong hoạt động cấp phép biểu diễn. Từ việc không hạn chế các cuộc thi nhan sắc dẫn tới lạm phát các cuộc thi nhan sắc tổ chức thì vai trò người “gác cổng” là đơn vị cấp giấy chứng nhận bản quyền cần phải kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ và cẩn trọng.

Nếu ngay từ khâu xem xét hồ sơ đăng ký, phát hiện hai sản phẩm với hai tên gọi giống nhau thời điểm gần nhau, đơn vị có thẩm quyền cần tính yếu tố lịch sử, tính thực tế, tính phổ biến... để đưa ra quyết định cấp chứng nhận cho bên nào và bên nào cần phải có phương án điều chỉnh, thay đổi tên gọi (hoặc chỉ sử dụng tên gọi tiếng Anh). Như vậy, sẽ không xảy ra những tranh chấp về tên gọi sau này.

Với công chúng và thí sinh, việc trùng tên sẽ khiến họ lúng túng, nhầm lẫn giữa hai cuộc thi. Thí sinh dễ đăng ký nhầm vào cuộc thi mình không mong muốn. Còn đơn vị tổ chức, ngoài việc ảnh hưởng uy tín cuộc thi, còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh.

Trái ngược với số lượng cuộc thi nhan sắc tăng cao thì chất lượng lại giảm sút. Không ít cuộc thi “núp” mác thi hoa hậu để biến thành cái chợ mua bán danh hiệu. Thậm chí, để lách luật, nhiều cuộc thi gắn mác “Quốc tế”, “Hoàn cầu”, “Toàn cầu”, “Thế giới” gây nên tình trạng bát nháo danh hiệu Hoa hậu, Á hậu.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, giới giải trí Việt đã tổ chức gần 20 cuộc thi nhan sắc, chưa kể hàng loạt sân chơi nhan sắc tiếp tục diễn ra như: Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12/8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22/10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30/12)… Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên có hai cuộc thi nhan sắc tìm kiếm vương miện dự thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - Miss Peace Vietnam (11/9), Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - Miss Grand Vietnam (25/9)…
Kim Duyên đăng quang Á hậu 2, giành chiến thắng lịch sử tại "Hoa hậu Siêu quốc gia 2022"
Vì sao hoa hậu Nông Thúy Hằng không được đi thi Hoa hậu Trái đất?
Việt Nam đăng cai tổ chức Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2023
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động