Liên kết hợp tác giữa các địa phương trong khôi phục, phát triển ngành du lịch Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuang cảnh hội nghị |
Hợp tác triển khai hành lang an toàn du lịch giữa các địa phương
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải và đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Du lịch; Giám đốc Sở Du lịch, Sở Văn hoá và Thể thao 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang; cơ quan Xúc tiến du lịch các tỉnh, thành phố; các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch địa phương, doanh nghiệp du lịch Hà Nội…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-BCT ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội đã tập trung, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Thành phố tới cơ sở và phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc phát triển Du lịch Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết lượng khách du lịch đến Hà Nội trong giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước, mức tăng trung bình đạt bình quân 10,1%/năm.
Cụ thể, năm 2016, đạt 21,83 triệu lượt, năm 2017 đạt 23,83 triệu lượt; năm 2018, đạt 26,3 triệu lượt và năm 2019 đạt 28,95 triệu lượt khách, hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu khác đều đạt các con số ấn tượng.
Kể từ năm 2017 đến nay, sau khi không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động, bên cạnh các hoạt động văn hóa của thành phố, rất nhiều sự kiện quảng bá văn hóa - du lịch các địa phương đã được tổ chức hiệu quả, đưa hình ảnh con người, các địa danh cũng như các tiềm năng phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố trên cả nước đến với Nhân dân Thủ đô và khách du lịch trong cả nước như: Chương trình "Quảng Bình trong lòng Hà Nội", "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc", Festival di sản và quảng bá du lịch Quảng Nam, hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh Bình Định…
Đặc biệt, trong chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá của thành phố Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế CNN, bên cạnh những nội dung tuyên truyền thành phố Hà Nội -Trái tim và Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội cũng đã tập trung giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Việt Nam như: bãi biển tuyệt đẹp của Quy Nhơn, món cao lầu của Hội An, hoạt động câu mực đêm tại Hạ Long và rất nhiều địa điểm du lịch của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã lần lượt xuất hiện trên kênh CNN quốc tế.
2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm cho cả thế giới và Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, làm cho nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế gặp khó khăn, trong đó đặc biệt du lịch là ngành chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, các khách sạn, cơ sở lưu trú phải đóng cửa. Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành bị giảm sút nhiều gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Hiện nay, dịch Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát tốt, du lịch nội địa vẫn hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Những khó khăn chồng chất cùng với việc đi lại giữa các quốc gia còn chưa được mở trở lại hoàn toàn, đã buộc ngành du lịch phải chuyển hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa. Việc thúc đẩy du lịch nội địa là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp lữ hành trong trạng thái bình thường mới hiện nay và dần thích ứng với lộ trình mở cửa đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước nói chung và ngành du lịch nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành và triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch Thủ đô, trong đó kích cầu những sản phẩm du lịch liên kết giữa Hà Nội và các địa phương nhận được sự ủng hộ tích cực từ du khách Thủ đô và các tỉnh, thành khác.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết: Trên cơ sở ký kết hợp tác "triển khai hành lang an toàn du lịch giữa các địa phương" tại hội nghị, thành phố sẽ đưa ra các kế hoạch tổ chức thực hiện; xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch cụ thể, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam cũng như thực hiện mục tiêu kép "vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế" theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các tỉnh, thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị |
Hai giai đoạn phục hồi du lịch Thủ đô
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nêu rõ để du lịch Hà Nội và các tỉnh phục hồi, trong thời gian tới, ngành du lịch các địa phương cần tập trung vào những giải pháp gồm đảm bảo an toàn điểm đến và du khách; tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm mới, qua đó, đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch…
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu về định hướng phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô |
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, mục tiêu của du lịch Thủ đô năm 2022-2023 sẽ tập trung vào thị trường khách du lịch nội địa gồm người Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Tiếp đó, thành phố từng bước phục hồi thị trường khách quốc tế, tập trung tại các thị trường gần, trọng điểm như Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, từng bước thu hút khách tại các thị trường Bắc Mỹ, EU và các thị trường mới như châu Úc, Ấn Độ.
Lộ trình phục hồi du lịch Thủ đô thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ quý I - II/2022, tập trung đón khách du lịch nội địa gắn với các mô hình du lịch an toàn, chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế. Giai đoạn 2, từ quý III/2022, dự kiến khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, không giới hạn loại hình quy mô và triển khai đón khách quốc tế.
Năm 2022, Hà Nội phấn đấu đón được 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đạt từ 7,8 - 8 triệu lượt khách, khách quốc tế từ 1,2 - 2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch trên 27.000 tỷ đồng. Năm 2023 phấn đấu đón được 12 - 14 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đạt từ 9,5 - 11,5 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt 2,5 - 3,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 42.000 tỷ đồng.
Thành phố cũng đề ra các giải pháp trọng tâm; đảm bảo an toàn tại các điểm đến cho khách du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch...
Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trong trạng thái bình thường mới của 12 tỉnh/thành phố |
Trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trong trạng thái bình thường mới của 12 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang.
Ngay sau hội nghị, ngày 18-12-2021, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức đoàn Famtrip cho các đại biểu khảo sát, trải nghiệm một số sản phẩm, dịch vụ du lịch ngoài mùa lễ hội trên địa bàn huyện Mỹ Đức - Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương).
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại