Lan tỏa những giá trị tinh thần từ truyền thống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMúa lân đã trở thành hoạt động không thể thiếu để náo động không khí và mang lại những màn trình diễn vui vẻ |
Tưng bừng hoạt động vui Trung thu tại Hà Nội
Ngày 6-9, tại di tích đình Kim Ngân, số 42-44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, BQL hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với trường Tiểu học Hồng Hà khởi động Chương trình giáo dục di sản Phố cổ với chủ đề Tết Trung thu truyền thống.
Chương trình nhằm giới thiệu cho các bạn trẻ về ý nghĩa của ngày Tết Trung thu; các phong tục được duy trì trong dịp lễ đặc biệt này, như: Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, mâm hoa quả bánh kẹo trông trăng; làm đèn tham gia đám rước; múa lân sư rồng…, cùng như nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn khác.
Tham gia chương trình có của nhiều nghệ nhân làm đồ chơi trung thu như: Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Đặng Văn Hậu… tham gia hướng dẫn các bạn trẻ cách làm đèn ông sao, diều sáo, nặn con giống bột, … giới thiệu ý nghĩa của từng món đồ chơi được xuất hiện trong dịp Tết trông trăng truyền thống.
Đồng thời mâm cỗ trông trăng đón Tết Trung được tái hiện với tạo hình từ các loại hoa trái mùa thu, các loại đèn trung thu độc đáo, đã vắng bóng từ nhiều thập kỷ trước như: Đèn cá chép, đèn con cua, đèn đầu thỏ…, mang đến không gian vui chơi bổ ích và cơ hội tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống cho trẻ.
Trước đó, tối 3-9, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ tổ chức “Đêm hội Trăng rằm” đón Tết Trung thu năm 2022 cho thiếu nhi trên địa bàn quận. Tại “Đêm hội Trăng rằm”, các em thiếu nhi được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc đậm sắc màu truyền thống với những màn trình diễn dân gian, cùng nhau phá cỗ... xem múa lân.
Tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, BQL tuyến phố tạo không gian văn hóa, điểm đến du lịch cho nhân dân thị xã Sơn Tây và các vùng lân cận nên đã có kế hoạch tổ chức chương trình “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài” năm 2022 góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và khôi phục lại nét đẹp của Tết Trung thu Hà Nội xưa.
Múa lân đã trở thành hoạt động không thể thiếu để náo động không khí và mang lại những màn trình diễn vui vẻ |
Theo đó, từ 19h30 ngày 10-9-2022 (tức ngày 15 tháng 8 âm lịch), tại sân khấu chính Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ diễn ra “Đêm hội trăng rằm” với các hoạt động như: Biểu diễn múa lân rồng, trao giải các nội dung thi, trao tặng 30 suất quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã.
Trong khuôn khổ chương trình “Trung thu Thành cổ” sẽ diễn ra Liên hoan múa lân rồng vào lúc 20h ngày 8-9 (tức ngày 13 tháng 8 âm lịch) tại sân khấu chính Phố đi bộ. Liên hoan có sự tham gia của đội múa lân rồng trên địa bàn thị xã và các huyện bạn. Ba đội thi có số điểm cao nhất tham gia biểu diễn trong chương trình Đêm hội trăng rằm diễn ra ngày 10-9.
Ngoài ra, chương trình còn có cuộc thi mô hình đèn trung thu được tổ chức vào lúc 20h ngày 9-9 với sự tham gia của 15 xã, phường trên địa bàn. Mỗi xã, phường sẽ có một mô hình đèn Trung thu được mô phỏng theo hình tượng nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, con vật yêu thích trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, cũng như những hình ảnh được coi là biểu tượng văn hóa, là sản vật đặc trưng của đơn vị mình.
Múa lân lưu giữ một phần ký ức tươi đẹp của tuổi thơ
Những thú chơi Trung thu mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc ngày càng được hồi sinh sống động giúp cho người Hà Nội hôm nay đón một Tết Trung thu đầy đủ ý nghĩa.
Trong đó, hoạt động múa lân hẳn không quá xa lạ với mọi người. Hình ảnh đoàn lân với trống xập xình dường như rất quen với tất cả chúng ta. Đặc biệt vào dịp Tết Trung thu thì hình ảnh càng trở lên quen thuộc.
CLB Lân sư rồng thanh niên Quảng An đã mang đến cho các em thiếu nhi chương trình nghệ thuật đặc sắc đậm sắc tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn |
Qua tìm hiểu, được biết múa lân không chỉ là môn nghệ thuật nhân gian mà còn là lời cầu chúc sự thịnh vượng cho những tháng còn lại trong năm. Tùy theo không gian và mùa lễ hội, lân sư rồng sẽ có những bài múa khác nhau, không chỉ múa riêng lẻ mà còn có thể múa chung để tạo thành bộ ba hoàn hảo nhất.
Tùy theo vùng miền mà tên gọi của môn nghệ thuật này cũng khác nhau. Miền Bắc thường gọi là múa sư tử, miền Nam gọi chung là múa lân và thường được múa vào trước Tết trung thu, thường vào những đêm 12, 13 âm lịch và nhộn nhịp nhất là 14, 15 âm lịch.
Vì vậy, múa lân vào dịp Tết trung thu là một phần kí ức tuyệt đẹp của trẻ thơ. Những ngày rằm tháng Tám, lồng đèn ngập màu sắc, đường phố cùng nhộn nhịp thì tiếng trống thùng thình vang lên khắp trời mang lại những niềm vui cho con trẻ và cả người lớn. Nên cứ dịp Tết trung thu cứ nơi đâu vang lên tiếng trống, chập chõa, tiếng hò reo của bọn trẻ là nơi đó sẽ có những chú lân sư rồng tưng bừng nhộn nhịp xuất hiện.
Từ xưa, người ta phát hiện trong dòng Tranh Đông Hồ có dòng chữ Nôm ghi là "Phụng Lan" miêu tả lại một điệu nhảy sư tử tương tự nghệ thuật biểu diễn múa Lân thường xuất hiện trong những dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán hàng năm.
Việc múa lân trong dịp lễ Trung thu hay Tết Nguyên Đán tương truyền là một tập tục bắt nguồn từ tích Phật Di Lặc xuống trần chế ngự lân bảo vệ dân lành. Chính vì ý nghĩa tốt đẹp đó mà mỗi khi có những dịp lễ hội hè như Tết Nguyên Đán, Tết trung thu, khai trương, mở tiệm… người ta thường mời múa lân như một lời cầu mong về những điều tốt đẹp, may mắn thịnh vượng.
Đăc biệt, trong dịp lễ Trung thu, múa lân đã trở thành hoạt động không thể thiếu để náo động không khí và mang lại những màn trình diễn vui vẻ cho các em bé. Tết trung thu cho các em không chỉ có mâm cỗ, bánh trung thu mà còn là không khí, sự háo hức, hòa mình cùng cộng đồng. Hy vọng những hoạt động truyền thống như múa lân vẫn sẽ được lưu giữ lâu dài để nhắc nhở các em về một bản sắc văn hóa và ý nghĩa tốt đẹp của ngày lễ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại