Làm rõ quy định “cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhông thể cấm học sinh dùng điện thoại
Những ngày qua, thông tin về việc học sinh được dùng điện thoại trong giờ học theo Thông tư 32 được Bộ GD&ĐT ban hành đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều.
Có ý kiến cho rằng, việc này không khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”, giáo viên khó lòng kiểm soát được mấy chục học sinh trong lớp nếu các em dùng điện thoại vào việc riêng, thậm chí tạo thêm áp lực cho chính giáo viên đứng lớp.
Trong một số trường hợp, học sinh có thể sử dụng điện thoại để tra cứu tư liệu về môn học liên quan. (Ảnh: Đình Tuệ) |
Chị Nguyễn Thị Diễm, trú quận Nam Từ Liêm cho biết, là phụ huynh có con năm nay học lớp 8 nhưng chị không đồng tình với việc cho con dùng điện thoại trong giờ học. Lý do người mẹ này đưa ra là thầy cô chỉ có thể quản lý và kiểm soát được một số em ngồi phía trên, còn những em phía cuối lớp làm sao có thể biết được các em mở điện thoại để học hay làm việc riêng, nhắn tin với bạn bè. Hơn nữa, nếu mang điện thoại vào lớp thì các em dễ bị mất tập trung mà không nghe đầy đủ được lời giảng của thầy cô vì nghĩ đã có điện thoại để tra cứu...
Vừa là phụ huynh có con học lớp 12 nhưng cũng là một giáo viên Địa lý, anh Bùi Văn Sơn, trú quận Hà Đông lại cho rằng, quy định mới này của Bộ GD&ĐT đã được sửa đổi theo hướng phù hợp với thực tế. Khi dạy học sinh về phần địa lý kinh tế xã hội của các nước, anh cũng ra một số bài tập cho học sinh dùng điện thoại di động để tìm hiểu số liệu cập nhật về tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước trong các năm gần đây mà sách giáo khoa chưa đề cập tới. Học sinh tỏ ra khá hào hứng và thực hiện nghiêm theo chỉ dẫn của thầy giáo.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội rất đồng tình với quy định của thông tư mới lần này. Phụ huynh cần hiểu rõ bản chất vấn đề, tức học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trong giờ học khi giáo viên cho phép và phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin liên quan đến bài học.
Theo ông, điện thoại thông minh được sử dụng trong giờ học như một “đồ dùng học tập” đối với học sinh cũng như máy tính cầm tay, thước kẻ, compa... Khi giáo viên yêu cầu các em sử dụng điện thoại truy cập nội dung nào đó trên mạng internet phục vụ bài học, lúc đó học sinh mới được dùng. Học sinh không được sử dụng điện thoại làm việc khác, ngoài yêu cầu của giáo viên.
Khác với trước đây, quy định chung chung là học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Quy định như thế không hợp lý, không khai thác được mặt tích cực của phương tiện này - điện thoại thông minh, phục vụ học tập. Trong mọi trường hợp, trước đây hoặc sau này khi Thông tư 32 có hiệu lực, giáo viên vẫn phải quản lý học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Thời nay, hầu hết học sinh đều mang theo người 1 cái điện thoại. Chúng ta không cấm và không thể cấm được việc này. Vấn đề là sử dụng vào việc gì, lúc nào và ở đâu cho phù hợp!
Tương tự, cô giáo Hoàng Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhìn nhận vấn đề này một cách tích cực. Học sinh có thể dùng điện thoại để tra cứu nếu cảm thấy kiến thức về môn học của giáo viên đưa ra có phần chưa đúng, cho nên giáo viên sẽ cần thêm sự trau chuốt cho bài giảng của mình được chính xác, hấp dẫn.
"Một khi Bộ đã ra văn bản thông tư hướng dẫn thì tức là đã có khảo sát thực tế. Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học theo tôi sẽ giúp cho các em có thêm một nguồn khảo cứu tư liệu về môn học rất tốt, nhất là trong bối cảnh số hóa như hiện nay. Giáo viên lên lớp cũng được sử dụng hệ thống máy vi tính kết nối mạng internet để trình chiếu bài giảng của mình lên cho học sinh. Khi giao các bài tập/dự án theo nhóm cho học sinh, các em cũng có thể sử dụng máy tính bảng/máy tính xách tay/điện thoại để hoàn thành. Khi các em dùng điện thoại, giáo viên sẽ phải quản lý thật chặt để các em sử dụng đúng mục đích...", vị nữ hiệu trưởng nói.
Học sinh chỉ dùng điện thoại khi giáo viên cho phép
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Đình Tuệ. |
Trao đổi với chúng tôi chiều 21-9, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, điều 37 của Thông tư 32 có quy định về những điều học sinh không được làm. Trong đó, học sinh không được phép sử dụng điện thoại di động trong giờ học mà không được sự đồng ý của giáo viên và không phục vụ nhu cầu học tập.
Căn cứ vào quy định hiện hành, tức Thông tư 12 trước đây, cấm tuyệt đối việc học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học. Còn theo quy định mới, chỉ cấm khi học sinh dùng điện thoại mà không phục vụ nhu cầu học tập, tra cứu tài liệu liên quan đến bài học trên lớp.
Hơn nữa, bối cảnh xã hội hiện nay đang chuyển đổi mạnh mẽ nên khuyến khích giáo viên áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Trong thời đại số, điện thoại di động cũng là một phương tiện hỗ trợ đắc lực trong việc tra cứu nguồn học liệu cho học sinh, giáo viên.
"Giáo viên sẽ vẫn là người quyết định cuối cùng việc có cho học sinh dùng điện thoại hay không. Các thầy cô phải là người giám sát hoạt động của học sinh. Tuy không cấm nhưng không phải các em dùng điện thoại trên lớp vào việc gì cũng được mà không có sự giám sát, cho phép của giáo viên. Đây cũng chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực giáo viên phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Căn cứ từng bài học cụ thể, nếu thấy không nhất thiết cần đến điện thoại, thầy cô giáo có thể yêu cầu học sinh không được dùng điện thoại", ông Thành cho hay.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại