Thứ bảy 04/05/2024 05:54

Cẩn trọng với các “mã độc” chiếm quyền điện thoại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian gần đây, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, hướng dẫn cài đặt ứng dụng giả mạo cơ quan Nhà nước như thuế, bảo hiểm xã hội, điện lực... có chứa mã độc để theo dõi và đánh cắp thông tin giao dịch ngày càng gia tăng. Đã có nhiều nạn nhân “sập bẫy” các đối tượng xấu.
Ảnh minh họa: Int
Ảnh minh họa: Int

Trong chương trình thời sự phát trên VTV1 gần đây, đài truyền hình đã phản ánh về một trường hợp nam thanh niên trú tại Hà Nội bị “bốc hơi” gần 30 triệu đồng trong tài khoản sau khi dính “mã độc”. Nam thanh niên cho biết, anh nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên ngành thuế.

Người này đề nghị được hỗ trợ anh cài đặt ứng dụng kê khai thuế trên điện thoại để hoàn tất nhanh các thủ tục về thuế. Bởi tin tưởng nên anh làm theo hướng dẫn, truy cập vào một đường link nhận được từ người này qua tin nhắn để cài đặt ứng dụng kê khai thuế

Nạn nhân kể lại: “Vừa điền thông tin tải cái App đó về xong thì điện thoại nóng ran, sụt pin, màn hình tắt luôn, không sử dụng được. Khoảng hơn tiếng sau trên đường đi sửa điện thoại, tôi ghé ngân hàng rút tiền mới phát hiện gần 30 triệu trong tài khoản bị mất”.

Điều đáng lưu ý ở đây, màn hình chiếc điện thoại đang tắt, thông thường đây là dấu hiệu điện thoại đang không được sử dụng. Thế nhưng kẻ xấu vẫn chiếm quyền điều khiển và vét sạch tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Theo ghi nhận của cơ quan Công an, những ứng dụng gián điệp này thường được các đối tượng gửi đường dẫn trực tiếp cho nạn nhân để mạo danh các ứng dụng của cơ quan Nhà nước như: Bộ Công an, Dịch vụ khai Thuế… Sau khi dẫn dụ, lừa người dùng cài đặt các ứng dụng này trên điện thoại thông minh thì đối tượng sẽ chiếm quyền truy cập vào toàn bộ thông tin dữ liệu của điện thoại như: Thông tin ứng dụng, tài khoản, danh bạ, tin nhắn, hình ảnh, các tập tin tài liệu, mã OTP (thường sử dụng để xác thực khi giao dịch ngân hàng)… và kết hợp một số phương thức khác nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Tôi cho rằng, kẻ xấu luôn dựng lên rất nhiều màn kịch để giăng bẫy các nạn nhân. Cái đích cuối cùng vẫn là dẫn dụ những người nhẹ dạ cả tin click vào những đường link có chứa mã độc. Chiêu trò lừa đảo không mới, nhưng những chiêu thức ngày càng được nâng cấp bởi tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Mỗi người dân chúng ta cần hết sức cảnh giác, cẩn trọng với những lời đề nghị bất thường từ người lạ. Tuyệt đối không tải các app lạ, cung cấp mã OTP, mã CVV cho bất kỳ ai. Các cơ quan chức năng vào cuộc truy quét, triệt phá các ổ nhóm tội phạm công nghệ cao, không để đối tượng xấu tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Người dùng Việt Nam thiệt hại hơn 1 tỷ USD do virus máy tính trong năm 2021
Gần 9.000 IP nằm trong mạng máy tính nhiễm mã độc
Hơn 77.000 máy tính tại Việt Nam bị mã hóa dữ liệu
Tường Vy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động