Thứ sáu 29/03/2024 06:55
Chủ nợ giả làm phụ huynh đòi đón học sinh:

Là hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã thực hiện hành vi bắt giữ cháu bé nhưng bất thành thì CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" theo quy định của pháp luật.
Trường Tiểu học Phan Đình Giót - quận Thanh Xuân, TP Hà Nội
Trường Tiểu học Phan Đình Giót - quận Thanh Xuân, TP Hà Nội

Sẽ làm rõ hành vi bắt cóc

CA quận Thanh Xuân, Hà Nội đang điều tra, xác minh thông tin việc chủ nợ giả mạo phụ huynh để đón học sinh tại trường Tiểu học Phan Đình Giót. Theo đó, khoảng 10h ngày 28/9, cô giáo T.T.H (chủ nhiệm lớp 2A1, Trường Tiểu học Phan Đình Giót) nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Người gọi nhận là người nhà của học sinh N.T.T xin cho con về sớm do gia đình có việc riêng. Người gọi có nói rõ đặc điểm nhận dạng của học sinh.

Tuy nhiên, cô H trả lời không nhận được thông báo của bố mẹ học sinh nên không đồng ý. Lúc này, đối tượng nói rõ mình là chủ nợ của bố học sinh N.T.T và liên tục gọi điện cho giáo viên, nói những lời lẽ thiếu lịch sự. Giáo viên đã báo cáo Ban giám hiệu nhà trường, đồng thời, liên hệ với mẹ học sinh và biết phụ huynh không nhờ người đón con.

Vậy theo quy định của pháp luật hành vi bắt cóc học sinh không thành công trên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Liên quan đến vụ việc này, theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá, đây là một vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự nên CQĐT vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã thực hiện hành vi bắt giữ cháu bé nhưng bất thành thì CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" theo quy định của pháp luật.

Hành vi của đối tượng trong vụ việc này xâm hại đến nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ trong đó có quyền tự do thân thể, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe của công dân, quyền sở hữu tài sản và danh dự nhân phẩm, uy tín của tổ chức cá nhân. CQĐT sẽ làm rõ hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản đã được thực hiện như thế nào, để xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm đối với tội danh này.

Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã chuẩn bị công cụ phương tiện, có bàn bạc với nhau và đã đến trường để thực hiện việc bắt người (đã thực hiện hành vi phạm tội) nhưng chưa bắt được học sinh để tống tiền là do cán bộ giáo viên nhà trường phát hiện và ngăn chặn thì hành vi này đã thỏa mãn dấu hiệu của tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 169 BLHS năm 2015 (ở giai đoạn phạm tội chưa đạt).

Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Luật sư Thái phân tích rõ, về mặt lý luận, các giai đoạn thực hiện tội phạm được chia thành: Giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thực hiện hành vi,... nếu vụ việc dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị và tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm thì không bị xử lý về tội danh định phạm tội, nhưng hành vi nếu cấu thành tội phạm khác thì sẽ bị xử lý về tội khác (ví dụ việc chuẩn bị phạm tội là chuẩn bị vũ khí quân dụng thì sẽ bị xử lý về tội "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng",...). Còn sự việc đã chuyển sang giai đoạn thực hiện hành vi nhưng chưa đạt, chưa hoàn thành thì các đối tượng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc này nếu hành vi chỉ ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, chuẩn bị công cụ phương tiện, điều kiện để thực hiện hành vi nhưng chưa thực hiện bất kỳ hành vi nào để bắt cóc thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu các đối tượng bắt đầu thực hiện hành vi như đi đến trường, liên hệ với giáo viên,... thì đây là hành vi phạm tội, việc chưa bắt giữ được chỉ là căn cứ xác định phạm tội chưa đạt nhưng hành vi đã thực hiện và chưa hoàn thành.

Điều 15 BLHS năm 2015 quy định phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Về mặt lý luận thì phạm tội chưa đạt chia làm hai loại là phạm tội chưa đạt đã hoàn thành và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Theo đó, "Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành" là người phạm tội vì những nguyên nhân khách quan mà chưa thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm, do đó, hậu quả của tội phạm đã không xảy ra.

“Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành” là người phạm tội đã thực hiện được hết những hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả, nhưng hậu quả đã không xảy ra do nguyên nhân ngoài ý muốn.

Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp xử lý tội phạm và áp dụng tình tiết phạm tội chưa đạt thì mức hình phạt sẽ ít nghiêm khắc hơn bởi hậu quả chưa xảy ra. Cụ thể, theo khoản 1, khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015 quy định quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội chưa đạt như sau:

- Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

- Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

"Đây là sự việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang lo lắng trong dư luận, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh. Hành vi còn thể hiện thái độ coi thường pháp luật của nhóm đối tượng này. Do đó, việc xem xét làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

“Đây là bài học kinh nghiệm cho các cơ sở giáo dục trong việc bảo vệ học sinh và đấu tranh phòng chống tội phạm. Các bậc phụ huynh cũng có bài học rút kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống, với những mâu thuẫn trong xã hội và kinh nghiệm trong việc phối hợp với nhà trường để giải quyết các vấn đề phát sinh", luật sư Thái nói.
Vụ chủ nợ mạo danh người nhà học sinh: Có dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự
Chủ nợ giả mạo người nhà học sinh: Không thể có chuyện "quýt làm cam chịu"
Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động