Nhóm bắt cóc doanh nhân đòi chuộc 10 tỷ đối diện nhiều tội danh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đối tượng bắt cóc doanh nhân đòi chuộc 10 tỷ đồng tại cơ quan công an (Ảnh: CACC) |
Bắt cóc doanh nhân đòi chuộc 10 tỷ
CA tỉnh Hậu Giang vừa phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá thành công vụ bắt cóc doanh nhân đòi tiền chuộc 10 tỷ đồng. Theo đó, ngày 11/5, CA huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang tiếp nhận tin báo việc anh M.V.C. (Phó Giám đốc một công ty tư vấn, thiết kế, thi công nội ngoại thất tại TP Cần Thơ) bị bắt cóc sau khi đi đến địa bàn huyện vào ngày 10/5 để gặp khách hàng. Nhóm bắt cóc này đã liên hệ với gia đình anh C. để đòi 10 tỷ đồng tiền chuộc.
Do lo ngại đến an toàn cho anh C. nên gia đình anh đã chuyển trước 44,5 triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Sau khi được báo cáo tình hình, CA tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, công an các tỉnh: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Đồng thời, huy động gần 100 cán bộ chiến sĩ chia làm nhiều tổ truy theo dấu vết và xác minh các mối quan hệ cá nhân của nạn nhân, triển khai đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ.
Đến 16h cùng ngày, cơ quan công an đã xác định được 2 đối tượng là anh em ruột Nguyễn Hữu Nghĩa, SN 1977 và Nguyễn Thanh Nguyên, SN 1987 (cùng ngụ huyện Châu Thành, Đồng Tháp) là chủ mưu vụ án, đang lẩn trốn tại tỉnh Vĩnh Long.
Đến 0h10 ngày 12/5, lực lượng phá án đã bắt giữ được Nguyễn Hữu Nghĩa tại xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Nghĩa khai nhận, địa điểm giam giữ nạn nhân là một căn nhà thuộc ấp Tân Hưng, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Đến 0h40 cùng ngày, các mũi trinh sát đã tiếp cận, bao vây, triển khai phương án giải cứu con tin. Lúc này, Nguyễn Thanh Nguyên dùng dao kề cổ nạn nhân đòi cung cấp một xe ô tô và thả đối tượng Nghĩa để các đối tượng dẫn theo nạn nhân bỏ trốn. CA đã kêu gọi, vận động đối tượng bỏ hung khí để hưởng chính sách khoan hồng nhưng đối tượng vẫn ngoan cố chống đối, đe dọa sát hại nạn nhân.
Hung khí và xe ô tô các đối tượng sử dụng trong quá trình gây án (Ảnh: CACC) |
Đến 3h20 sáng 12/5, lợi dụng đối tượng mất cảnh giác, Thượng tá Huỳnh Minh Thơ - Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Hậu Giang cùng các trinh sát đã ập vào khống chế thành công đối tượng Nguyễn Thanh Nguyên, giải cứu con tin an toàn.
Tiếp tục truy xét, đến 6h ngày 13/5, các trinh sát đã bắt được Nguyễn Quốc Thanh, SN 1987, trú phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ và Lý Minh Chánh, SN 1978, sống lang thang khi đang lẩn trốn trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Nai.
Tại cơ quan công an, các đối tượng đã khai nhận, do nghiện ma túy, không có tiền tiêu xài, thấy anh C. là Phó Giám đốc công ty, gia đình có điều kiện kinh tế nên bàn bạc thực hiện hành vi bắt cóc để đòi tiền chuộc.
Đầu tiên, các đối tượng dùng giấy tờ giả để thuê một căn nhà tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, các đối tượng tiếp tục dùng giấy tờ giả thuê một căn nhà khác tại khu dân cư Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang và liên hệ anh C. đến để làm hợp đồng trang trí nội thất.
Đến khoảng 15h ngày 10/5, khi anh C. đến địa điểm nhà thuê tại tỉnh Hậu Giang, các đối tượng dùng bình xịt hơi cay khống chế, lấy hết tài sản và đưa anh C. lên xe ô tô chở về căn nhà thuê tại tỉnh Vĩnh Long. Sáng ngày 11/5, các đối tượng sử dụng điện thoại di động, dùng mạng xã hội của anh C. liên lạc nhiều lần với người nhà yêu cầu chuyển 10 tỷ đồng vào tài khoản của anh C. thông qua dịch vụ VNPAY.
Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Các đối tượng đối mặt khung hình phạt nào?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng được xác định là phạm tội có tổ chức, liền một lúc xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ đó là sức khỏe của công dân, quyền tự do thân thể và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, với diễn biến như thông tin ban đầu, đã có đủ căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố các đối tượng về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 169, Bộ luật hình sự năm 2015.
“Đây là tội danh có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi bắt giữ người với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa và số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu. Với hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt số tiền 10 tỷ đồng, nếu bị chứng minh có tội, các đối tượng có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” là 20 năm tù hoặc tù chung thân” - luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Ngoài hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, các đối tượng này còn có hành vi cướp tài sản, đây là hành vi dùng vũ lực đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản nên riêng hành vi này có thể cấu thành một tội độc lập là “Tội cướp tài sản”.
Về nguyên tắc, mỗi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý một lần, nếu đối tượng thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, mỗi hành vi đều thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của một tội độc lập sẽ bị xử lý về nhiều tội danh khác nhau.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ và có thể khởi tố thêm nhóm đối tượng này về tội "Cướp tài sản” theo Điều 168, Bộ luật hình sự để điều tra cùng với tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Tình huống pháp lý vụ sập tường khiến 3 trẻ tử vong | |
Người gây án có tiền sử bệnh tâm thần bị xử lý thế nào? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại