Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2023): Phát huy sức mạnh, gương mẫu đi đầu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến và lãnh đạo TP Hà Nội đi kiểm tra thực địa công tác GPMB Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại quận Hà Đông. Ảnh: Thanh Hải |
Từ tư duy đổi mới
Cách đây 93 năm, ngày 17/3/1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Đảng bộ TP Hà Nội được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử các phong trào cách mạng của Hà Nội. Đến nay, Đảng bộ TP Hà Nội đã tiến hành 17 kỳ Đại hội; từ lúc chỉ có vài đảng viên cốt cán, nay đã không ngừng phát triển. Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về “Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Đảng bộ TP lại càng thêm lớn mạnh.
Tiếp nối tinh thần đầu tàu gương mẫu, quyết tâm vươn lên, Hà Nội đang bắt tay vào hiện thực những mục tiêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, để đến năm 2030, Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực… Và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là TP kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. Đó cũng là khát vọng và niềm tin mà người dân cả nước gửi gắm vào sự chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ TP Hà Nội.
Đến nay, đã trở thành Đảng bộ lớn nhất cả nước với hơn 470.000 đảng viên, chiếm khoảng 9% tổng số đảng viên cả nước. Tổ chức Đảng và đảng viên là những hạt nhân chính trị, hội tụ và lan tỏa sức mạnh tổng hợp của Thủ đô từ cơ sở.
Theo các tư liệu về lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội, trong 90 năm qua, công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ ở Đảng bộ Hà Nội luôn được thường xuyên chăm lo với nhiều giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn, hiệu quả. Chỉ tính riêng 4 nhiệm kỳ Đại hội gần đây, trong hơn 30 chương trình công tác lớn Thành ủy Hà Nội, có 4 chương trình về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp.
Đây là những chương trình được coi là “xương sống” của mỗi nhiệm kỳ, là nền móng, cơ sở quan trọng để Đảng bộ Hà Nội đổi mới phương thức hoạt động, triển khai thực hiện và đạt kết quả khá toàn diện. Công tác củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể thuộc Đảng bộ TP được quan tâm chỉ đạo thực hiện; đã khắc phục cơ bản tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, hoạt động kém hiệu quả.
Đặc biệt, để hiện thực mục tiêu của Chương trình số 01-CTr/TU khóa XVII, Thành ủy đã ban hành và đưa vào triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”.
Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ, đề ra các giải pháp quyết liệt nhằm siết chặt kỷ cương kỷ luật, nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ, nhất là đánh giá cán bộ, điều động luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm đặt cán bộ ở đúng vị trí sở trường, kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, cán bộ yếu kém, mất uy tín, tín nhiệm... Đến nay, toàn TP đã có 28/30 bí thư cấp ủy cấp huyện và 21/30 chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Thái Linh |
Cùng với đó, với tư duy đổi mới, ngành xây dựng Đảng của TP cũng đã chủ động tham mưu, góp phần hình thành hệ thống quy chế, quy định trong công tác cán bộ của TP ngày càng chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn. Trong đó, nổi bật phải kể đến là đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt về công tác đánh giá cán bộ.
Nhờ lấy “thước đo” là hiệu quả công việc nên đã khắc phục tình trạng cào bằng, hình thức. Đồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo hướng sâu sát, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu…
Đến những bước đột phá trong phát triển
Với việc nâng cao công tác xây dựng Đảng, cùng tinh thần xuyên suốt là đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy được lan tỏa mạnh mẽ, quyết liệt tới cơ sở, tạo động lực quan trọng để Thủ đô giành được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Quang cảnh Hà Nội. |
Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) nhận định: “Đảng bộ TP Hà Nội đã thực hiện rất tốt các Nghị quyết Đại hội của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ, trên nhiều phương diện, không chỉ tạo ra những đột phá nổi trội về phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị, đến những đổi mới trong hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị”…
Kết quả phát triển toàn diện của TP chính là minh chứng cho đường lối đúng đắn trong chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ TP Hà Nội, trong đó đã có những quyết định mang tính đột phá, với những bước đi vững chắc, chương trình hành động thích hợp để toát lên hình ảnh của một TP là Thủ đô.
“Theo tôi, để có bước chuyển biến mới, sức lan tỏa mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, một trong những sáng tạo của Đảng bộ Hà Nội vẫn được duy trì là xây dựng các chương trình công tác giúp cho các "tư lệnh" phụ trách, đội quân tham mưu trên từng lĩnh vực căn cứ vào đó để chỉ đạo, cụ thể hóa thực hiện.
Cùng với đó trong từng năm, tôi thấy Thành ủy Hà Nội đều chọn chủ đề công tác có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo chỉ đạo nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Đó là sáng kiến tốt rất đáng được tiếp tục”- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận định.
Thực tiễn cũng cho thấy, vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được khẳng định, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước. Hà Nội đã có những đóng góp to lớn vào mọi mặt của cả nước, trong đó chiếm khoảng 20% về thu ngân sách và hơn 16% về tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Năm 2022, sau những khó khăn do đại dịch Covid-19, Hà Nội nhanh chóng bứt phá, hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,89%; GRDP/ người đạt gần 142 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện đạt 13,8%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,3% và giảm số hộ nghèo so với năm trước đạt 38,8%...
Một điểm nhấn không thể không nhắc tới là sự đổi thay về diện mạo của đô thị Hà Nội. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều tổ hợp đô thị hiện đại mang dáng dấp như những “siêu TP sầm uất thu nhỏ”, Hà Nội trở thành một TP hội nhập năng động, văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc và bề dày văn hóa.
Những trục đường cao tốc, đường vành đai, đường xuyên tâm, các cây cầu mang tầm thế kỷ cùng hệ thống giao thông công cộng hiện đại… mang tính biểu tượng của sự đột phá tại Hà Nội. Đồng thời với đó, Hà Nội cùng các tỉnh đang tập trung để triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Tuyến đường khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, TP trong Vùng. Không chỉ có vậy, trên hành trình hướng tới tương lai, Hà Nội cũng xác định rõ tiềm lực to lớn về văn hóa, khoa học, công nghệ..., các thế mạnh sẽ tập trung khai thác, tạo động lực thu hút nhà đầu tư, tạo thành nguồn lực trong xây dựng và phát triển.
Phát huy sức mạnh đoàn kết để phát triển Thủ đô |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại