Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV kết thúc tốt đẹp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThông qua 7 Luật, 8 Nghị quyết
Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, thông qua 07 luật và 08 Nghị quyết. Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước…
Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 09 dự án luật nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới mang tính đột phá cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi, trồng trọt phát triển; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh thông tin kết quả kỳ họp thứ 5. Ảnh: Quochoi.vn |
Nhìn chung, các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được các cơ quan chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hồ sơ theo quy định. Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, dân chủ, thẳng thắn, tích cực tranh luận, đưa ra những ý kiến cụ thể về nhiều nội dung mới, còn ý kiến khác nhau của dự án luật. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện dự án bảo đảm yêu cầu chất lượng, có tính khả thi, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 02 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019. Theo đó, bên cạnh các nội dung giám sát theo quy định, thông lệ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” tại kỳ họp thứ 7 và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” tại kỳ họp thứ 8. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.
Số đại biểu chất vấn và được trả lời chất vấn lớn nhất từ trước đến nay
Một trong những dấu ấn của Kỳ họp thứ 5 là Quốc hội đã có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, đại biểu chỉ được hỏi 1 phút thay vì 2 phút như trước đây. Bộ trưởng sẽ trả lời ngay sau khi có 3 đại biểu đặt câu hỏi; thời gian cho câu trả lời là 3 phút, đi thẳng vào nội dung. Với cách thức chất vấn này, số đại biểu đăng ký chất vấn tại kỳ họp thứ 5 đạt mức kỷ lục với 400 đại biểu. Số đại biểu hỏi và được trả lời chất vấn lớn nhất từ trước đến nay trên 260 đại biểu. Việc đổi mới trong hoạt động chất vấn đã tạo cơ hội cho đại biểu được tham gia chất vấn và tranh luận”.
“Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn sát thực tế, được dư luận xã hội, cử tri cả nước quan tâm. Việc đổi mới, cải tiến cách thức chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, đồng thời, phát huy được năng lực của đại biểu, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời”, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh thông tin.
Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc và đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội đã trả lời, giải đáp một số vấn đề mà báo chí quan tâm.
Kỳ họp thứ 5 diễn ra với không khí làm việc sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao. Đặc biệt, kết quả kỳ họp cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri cả nước quan tâm, theo dõi sát sao, kịp thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng vào các nội dung Quốc hội xem xét, thảo luận. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại