Đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào một nhánh của Đề án 06
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Quốc hội |
Tham gia chất vấn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đại biểu, việc ứng dụng công nghệ hiện nay đóng một vai trò khá quan trọng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay mỗi cơ quan đang sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo riêng, không thống nhất và cũng chưa có kết nối liên thông trong xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công nhân dẫn đến gây khó khăn trong công tác theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư của công dân, nhất là cho các cơ quan ở trung ương và cơ quan ở địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Đại biểu thắc mắc về giải pháp của Tổng Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới như thế nào để đảm bảo theo yêu cầu về việc thi hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gắn với công việc thống nhất về hệ thống áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết kiến nghị, tố cáo của công dân.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính nhà nước và đã được lãnh đạo chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện trong thời gian qua.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 55 ngày 23/8/2022 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Đơn vị cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để triển khai đến các bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước; xây dựng và đang triển khai mô hình tiếp công dân trực tuyến.
Một số bộ, ngành, địa phương đã xây dựng phần mềm riêng phục vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, địa phương mình.
Điểm cầu đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước. Ảnh: Quốc hội |
Tuy nhiên, thừa nhận đúng như đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này còn khó khăn, bất cập, thể hiện trên 4 góc độ:
Một là chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thứ hai là các địa phương, bộ, ngành chưa thường xuyên cập nhật số liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ xây dựng và đang triển khai.
Thứ ba là một số bộ, ngành, địa phương sử dụng phần mềm riêng nhưng chưa có kết nối liên thông.
Thứ tư là việc ứng dụng công nghệ thông tin cần đầu tư nguồn lực lớn cả về tài chính và con người, trong khi điều kiện thực tế ở một số bộ, ngành và nhiều địa phương còn hạn chế và có nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Về giải pháp trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên 4 nội dung chính: nghiên cứu đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật dữ liệu vào hệ thống, trường hợp có phần mềm riêng thì phải phối hợp với nhau để liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia mà Thanh tra Chính phủ đang triển khai thực hiện.
Đầu tư cơ sở vật chất, bố trí cán bộ phù hợp, nhất là cơ sở và cấp huyện để đảm bảo thực hiện tốt việc uống, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào một nhánh của Đề án 06 để kết nối liên thông trên phạm vi toàn quốc – theo Tổng Thanh tra Chính phủ.
Xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại Hà Nội | |
Công an thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án 06 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại