Kỳ cuối: Khát khao ngày về của người đàn ông 2 lần bán phụ nữ sang biên giới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại tá Phạm Xuân Kiểm, Phó giám thị trại giam Ninh Khánh (Bộ Công an) cho biết: “Họ đều có một khát khao, đó là làm thế nào để lao động đạt kết quả khá tốt và được trở về với cuộc sống đời thường, kiếm công ăn việc làm ổn định, bù đắp cho vợ con...” |
Vết nhơ cuộc đời...
Là con út trong gia đình, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, Mùa không được đi học. 16 tuổi mẹ bắt lấy vợ nhưng phải 4 năm sau, anh ta mới có con. Tiếc là người vợ này và đứa con đầu lòng của Mùa lại sớm yểu mệnh. Vợ chết, con chết vì bệnh tật, Mùa tiếp tục lấy vợ nữa và có với người vợ này được 3 đứa con. Cuộc sống dường như đã không còn sóng gió với Mùa khi cả hai vợ chồng chăm chỉ với việc ngày ngày lên nương, lên rẫy. Những sản phẩm làm ra từ nương, rẫy, vợ chồng Mùa thường đem ra chợ bán. Đôi lúc Mùa còn theo bạn ra chợ đường biên bán cho khách mua là người Trung Quốc và bước ngoặt cuộc đời người đàn ông này đã xảy ra trong một lần Mùa gặp một người phụ nữ lạ mặt tại phiên chợ giáp tết. Người này đã rủ Mùa làm ăn chung và hướng dẫn cách lừa các cô gái nhẹ dạ. Theo đó, anh ta đã lên kế hoạch đi tán tỉnh rồi liên tiếp lừa các cô gái bán sang bên kia biên giới.
Theo tài liệu điều tra, do quen biết đối tượng tên là Sùng Thị Hà sinh sống trại Trung Quốc, Thào A Mùa và một số đối tượng khác là Giàng A Hòa, Giàng A Văng đều sinh sống tại xã Xá Nhé, Tủa Chùa (Điện Biên) đã nhận lời người đàn bà này về việc tìm người đưa sang Lào Cai để Hà bán sang Trung Quốc. Trong khoảng thời gian từ tháng 2-2014 đến cuối tháng 6- 2014, Mùa và đồng bọn đã nhiều lần thực hiện việc đưa người qua biên giới bán cho Hà. Riêng Mùa đã hai lần thực hiện hành vi phạm tội. Một lần là vào đầu tháng 4-2014, Mùa cùng Hòa lừa chị Giàng Thị L, SN 1985 trú tại xã Mường Báng, Tủa Chùa ( Điện Biên) đưa qua biên giới bán cho Hà, được trả công 15 triệu đồng. Lần thứ hai, Mùa lại cùng Văng lừa chị Vàng Thị T, SN 1993, người cùng xã bán cho đối tượng Xử không rõ địa chỉ được 36 triệu đồng. Cả hai lần phạm tội, Mùa được chia 18 triệu đồng. Số tiền này, Mùa chi xài cá nhân, đến lúc bị bắt, trong túi còn gần 2 triệu đồng. Với hành vi Mua bán người, Thào A Mùa phải đối diện với bản án 12 năm tù tại trại giam Ninh Khánh (Bộ Công an)
Khát khao ngày về...
Chúng tôi gặp Mùa khi phạm nhân này chuẩn bị bữa cơm tối. Mâm cơm của Mùa chỉ là những đồ ăn nhận từ bếp phân trại chứ không có đồ ăn thêm do gia đình gửi vào. Mùa bảo tại gia đình không có điều kiện lại ở xa nên không có điều kiện vào thăm như những phạm nhân khác. “Ngày tôi bị bắt, đứa con nhỏ chưa tròn 3 tuổi. Ở trong này mình còn được ăn uống đầy đủ, không biết ở nhà bốn mẹ con nó xoay sở thế nào”, Mùa tâm sự.
Mùa bảo rằng, bố mẹ đều mất từ ngày Mùa còn ở nhà nên khi lên trại, không ai thăm nuôi cũng là điều dễ hiểu. Bởi vợ con anh ta ở nhà còn vất vả vô cùng. Mùa bảo anh ta không sợ lao động vất vả, không lo bữa cơm nghèo nàn mà chỉ canh cánh nỗi lo các con ở nhà không người nuôi dạy.
Từ ngày vào trại, Mùa lao động ở đội làm cói rồi cũng có thời gian chuyển sang đội may. Mùa bảo công việc lúc đầu khá chật vật vì chưa quen nhưng bây giờ quen rồi lại thấy thích. Anh ta bảo cũng may là ngày ở nhà cũng quen lao động tay chân rồi nên không cảm thấy ngại mà chỉ vất vả vì công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn và khéo léo.
Phạm nhân Thào A Mùa bảo rằng, đến nay anh ta đi thụ án cũng được quá nửa thời gian và do có thành tích cải tạo tốt nên Mùa đã được vào vòng giảm án. “Được vào vòng giảm án vui lắm cán bộ ạ. Như vậy, nếu cứ chăm chỉ lao động, ngày về của tôi sẽ còn rất gần...”, phạm nhân Thào A Mùa chia sẻ thêm.
Vào trại giam Ninh Khánh cải tạo, Mùa cũng được đi học ở lớp xóa mù chữ. Thuộc diện phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn và không người thăm gặp nên những dịp lễ tết, ngoài khẩu phần đã được qui định, Mùa còn được trại giam tặng thêm một phần quà. Món quà nhỏ ấy có khi là thùng mì tôm, có khi là khăn mặt, bàn chải đánh răng hay bộ quần áo, tuy nhỏ nhưng đó là sự khích lệ, động viên đối với những phạm nhân có hoàn cảnh và không người nhà thăm gặp, giúp họ cố gắng cải tạo. Mùa bảo mỗi lần được lên nhận quà của Ban giám thị, anh ta xúc động lắm và càng có quyết tâm hơn để sớm được trở về với gia đình.
Đại tá Phạm Xuân Kiểm, Phó giám thị trại giam Ninh Khánh (Bộ Công an) cho biết: Không những phạm nhân Thào A Mùa mà nhiều phạm nhân khác phạm tội Mua bán phụ nữ trẻ em, khi về đến trại giam đều mang một nỗi ân hận. Họ ân hận vì đã trực tiếp làm hỏng đời nhiều người con gái khác, làm họ đau khổ bên xứ người, có người phải làm nô lệ tình dục... Thế nhưng, khi vào trại, qua một quá trình lao động, được cán bộ giáo dục, bảo ban, họ dần quên đi quá khứ và vươn lên trong lao động. Trong số những phạm nhân ấy, họ đều có một khát khao, đó là làm thế nào để lao động đạt kết quả khá tốt và được trở về với cuộc sống đời thường, kiếm công ăn việc làm ổn định, bù đắp cho vợ con, gia đình và trả nợ với cuộc đời...
Kỳ 4: Học tốt nghề trong trại giam để mong sau này giúp ích cho tương lai |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại