Chủ nhật 05/05/2024 07:43
Kinh hoàng những trò quái đản của những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội:

Kỳ cuối: Hội nhóm ảo, hậu quả thật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tham gia các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội, các thành viên không chỉ dễ bị tác động xấu về tinh thần, mà còn dễ đi đến những hành động nông nổi, gây hại cho bản thân, thậm chí có thể trở thành tội phạm bất kỳ lúc nào.
Kỳ cuối: Hội nhóm ảo, hậu quả thật
Việc tham gia những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội sẽ dễ khiến các thành biên bị tác động xấu về tinh thần, đặc biệt từ hiệu ứng đám đông

Đừng dại đánh ghen; trầm cảm, buồn phiền hãy chia sẻ với người khác

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, bất cứ ai cũng sẽ có những lúc gặp chuyện buồn phiền trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc tìm đến những hội nhóm tiêu cực như "Hội những người muốn tự tử", "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều", "Hội những người đánh ghen"... là việc làm tuyệt đối không nên vì khi vào các hội nhóm ấy, mọi người sẽ dễ bị tác động tiêu cực về tâm lý, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

“Việc tham gia hội nhóm trên mạng xã hội rồi dẫn đến rủ rê, làm liều như đi cướp giật, đánh ghen tập thể,... sẽ khiến những người có hành vi sai phạm bị pháp luật xử lý. Nhiều người nghĩ rủ người khác đi đánh ghen, để “người thứ ba” ê chề, xấu hổ rồi cắt đứt với chồng mình, nhưng thực tế hành vi này là vi phạm pháp luật và cũng không mang lại hiệu quả gì cho việc cải thiện cuộc hôn nhân của mình.

Việc đánh ghen còn khiến cho mối quan hệ vợ chồng ngày càng căng thẳng, chồng mất mặt, cuối cùng đi đến hôn nhân tan vỡ. Hơn nữa, chính người đi đánh ghen còn tự mình làm mất đi giá trị của mình, làm hỏng hình ảnh của bản thân, tan nát nghề nghiệp, thậm chí còn bị người khác chê cười, con cái thì xấu hổ, bỏ học khi chuyện không hay của gia đình bị người khác bàn tán”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết.

Với nhiều năm làm chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng muốn giải quyết các mâu thuẫn trong hôn nhân, tốt nhất là vướng mắc ở đâu sẽ gỡ rối ở đó, tuyệt đối không nên nghĩ đến phương án đi đánh ghen, đi đánh ghen tập thể càng không nên.

Kỳ cuối: Hội nhóm ảo, hậu quả thật
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa

Với những người đang gặp vấn đề về tâm lý, cảm thấy buồn chán, bế tắc, thậm chí muốn tìm đến cái chết để giải quyết, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: “Hiện nay, nhiều người bị áp lực trong công việc, cuộc sống, dẫn đến tâm trạng u uất, bế tắc, thậm chí không thiết sống nữa. Tuy nhiên, thay vì đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực, các bạn hãy nhìn về những điều tích cực trong cuộc sống, hãy mở lòng mình với người khác để họ có thể sẻ chia với mình và đừng ngại ngần đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để họ đưa ra phương pháp điều trị, những lời khuyên hữu ích cho các bạn”.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhấn mạnh thêm: “Cuộc sống của mỗi người người luôn có mối liên quan đến nhiều người khác. Đó là ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng, bạn bè,... Vì vậy, nếu vì buồn chán mà tìm đến cái chết thì rất dại dột, không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân mà còn khiến những người xung quanh, đặc biệt là những người ruột thịt như bố mẹ, con cái cảm thấy đau đớn, bị ám ảnh, xấu hổ, chuyện tử tự còn bị xã hội nên án,...”.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, đa phần những người có ý định tự tử khi gặp chuyện buồn là những người có "sức đề kháng" trước áp lực cuộc sống kém, ý chí vượt qua khó khăn của họ thấp. Sự quan tâm, bên cạnh động viên của gia đình, bạn bè là vô cùng cần thiết. Khi thấy những dấu hiệu bất ổn trong tâm lý của những người xung quanh, chúng ta hãy sẻ chia, giúp đỡ họ. Khúc mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó. Khi "tảng đá nặng" trong lòng họ được tháo gỡ, giải quyết thì họ sẽ lấy lại tinh thần, vui vẻ trở lại".

“Chúng ta hãy quan tâm, chia sẻ với những người đang gặp vấn đề về tâm lý nhiều hơn để họ cảm thấy được yêu thương, quan tâm thay vì cảm giác một mình, đơn độc để rồi tìm đến những hội nhóm tiêu cực. Khi buồn phiền ngày càng tích tụ, chất chứa đầy lên thì cảm xúc ức chế rất dễ bùng nổ khiến những người đang buồn chán có suy nghĩ tiêu cực.

Chúng ta hãy cố gắng giúp họ nhìn về những điều tích cực, hãy thương những người thân trong gia đình, hãy nghĩ đến những con người tưởng chừng không thể sống nhưng họ vẫn sống tốt và hạnh phúc. Có những người sinh ra đã bất hạnh khi chân tay bị cụt nhưng vẫn có nghị lực vươn lên mạnh mẽ để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi một cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Và nếu người thân, bạn bè bị có dấu hiệu bị trầm cảm, hãy cùng họ đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để tìm giải pháp điều trị tốt nhất”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ.

Kỳ cuối: Hội nhóm ảo, hậu quả thật
Một hội nhóm trên facebook có khá nhiều thành viên

Tham gia các hội nhóm tiêu cực có thể trở thành tội phạm bất kỳ lúc nào

Việc các đối tượng làm quen trên mạng xã hội rồi rủ rê nhau đi cướp giật ngoài đời và bị bắt là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người thích làm liều, coi thường pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết pháp luật không cấm việc lập hội, lập nhóm ở ngoài xã hội cũng như trên mạng xã hội, thậm chí những hội nhóm hoạt động tích cực trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, giải trí, giáo dục... còn được pháp luật khuyến khích. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận.

Tuy nhiên, nếu thành lập các hội nhóm với mục đích chống phá chính quyền hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, từ những hội nhóm có tính chất giải trí trên mạng xã hội có thể biến thành các nhóm tội phạm có tổ chức.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, với đặc điểm của mạng xã hội thì việc lập các nhóm kín, thậm chí nhóm công khai rất dễ dàng và nhanh chóng thu hút được lượng người tham gia đông đảo. Bởi vậy, nhiều người lập hội nhóm chỉ vì tò mò, muốn có thêm thông tin về một vấn đề hoặc với mục đích giải trí. Có điều, nếu không am hiểu pháp luật hoặc coi thường pháp luật thì từ những hoạt động giải trí này có thể biến những người quản trị hội nhóm trở thành chủ mưu trong các nhóm tội phạm.

Kỳ cuối: Hội nhóm ảo, hậu quả thật
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Luật sư Cường nhấn mạnh thời gian qua cơ quan chức năng liên tục phát hiện các hội nhóm đăng các hình ảnh gợi cảm, khỏa thân để môi giới mại dâm. Có những hội nhóm là nơi tụ tập của những người đang có những suy nghĩ tiêu cực khiến các đối tượng quen biết rồi hẹn nhau đi cướp tài sản. Không ít những hội nhóm lập nên để bóc phốt, bêu xấu người khác bằng những lời lẽ miệt thị, xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân... Việc lập các hội nhóm để thỏa mãn sở thích cá nhân của một số người đã trở thành trào lưu trong thời gian gần đây, ngoài những mặt tích cực trong những hội nhóm biết tôn trọng pháp luật thì mặt tiêu cực, các hội nhóm có tính chất tiêu cực ngày càng nhiều, ảnh hưởng xấu đến môi trường mạng, vi phạm quy định của Luật An ninh mạng và nhiều trường hợp còn có dấu hiệu tội phạm.

Đặc biệt, nếu thành lập thành những hội nhóm để lôi kéo, xúi giục nhiều người cùng tham gia công kích, chửi bới, xúc phạm người khác hoặc đưa những thông tin trái phép trên mạng internet, lôi kéo cấu kết với nhau thành một nhóm tội phạm thì đây là những hành vi rất nguy hiểm cho xã hội.

Luật sư Cường cho biết, Điều 8, Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội,...

Tổ chức cá nhân vi phạm các quy định của Luật An ninh mạng, thực hiện một trong các hành vi bị cấm sẽ tùy vào tính chất mức độ vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường phân tích Bộ luật Hình sự có rất nhiều quy định để xử lý đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Với những người thành lập, quản trị các nhóm trên mạng xã hội mà có hành vi môi giới mại dâm thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội môi giới mại dâm theo quy định pháp luật. Với những hội nhóm hội tụ các thành phần đối tượng bất hảo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như cướp tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người quản trị các hội nhóm đó, người tham gia hội nhóm đó mà có hành vi xúi giục, giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì cũng sẽ được xác định là đồng phạm theo quy định tại điều 17 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp các nhóm trên mạng xã hội trở thành các nhóm tội phạm, có sự bàn bạc, phân công có sự cấu kết chặt chẽ với nhau để cùng thực hiện các hoạt động tội phạm thì chỉ cần một đối tượng thực hiện hành vi phạm tội theo kế hoạch đã thống nhất từ trước thì các đối tượng khác cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm....

“Mỗi chúng ta nên trang bị cho mình những kỹ năng, hiểu biết nhất định khi tham gia vào môi trường mạng, đặc biệt là các hoạt động trên mạng xã hội. Hành vi thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật để tạo lập, tham gia các hội nhóm tiêu cực sẽ có thể trở thành tội phạm bất kỳ lúc nào. Nếu từ ý tưởng lập nhóm hoặc tham gia nhóm để giải trí nhưng rồi biến tướng trở thành các nhóm tội phạm thì đó là những câu chuyện rất đau lòng, những sai lầm ít có cơ hội để sửa chữa.

Cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Ngoài ra cũng cần kiểm tra rà soát, phát hiện các hành vi lập hội nhóm có xu hướng tiêu cực hoặc các hội nhóm để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Kỳ cuối: Hội nhóm ảo, hậu quả thật
3 đối tượng: Tô Văn Tình (trái), Nguyễn Tùng Lâm (giữa) và Lê Duy Dự (phải) đã gây ra vụ cướp điện thoại tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), được nhắc đến trong kỳ 2 của loạt bài. Ảnh: CA cung cấp

Tăng cường tuyên truyền, kiểm soát, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng không gian mạng để phạm tội

Trước vụ việc nhiều đối tượng lập nhóm kín trên mạng rồi rủ nhau đi cướp ngân hàng, cửa hàng tiện ích, Bộ Công an đưa ra một số khuyến cáo và giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng này. Theo Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, ngoài các phương thức, thủ đoạn có tính truyền thống, thời gian gần đây xuất hiện các đối tượng lập các nhóm kín trên mạng xã hội, kết bạn với nhau để thực hiện hành vi cướp tài sản. Các đối tượng gây án chủ yếu chưa có tiền án, tiền sự, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, khó khăn, nợ nần,... Các đối tượng thường chọn thời điểm các ngân hàng, cửa hàng vắng khách, ít nhân viên, nhân viên mất cảnh giác hay công tác bảo vệ còn sơ hở. Phần lớn các đối tượng phạm tội đe dọa hoặc sử dụng vũ khí tự chế, súng, vật liệu nổ giả để uy hiếp, thực hiện hành vi cướp tài sản.

Trung tướng Trần Ngọc Hà khuyến cáo, mỗi phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng cần đầu tư hệ thống an ninh bảo đảm, đầy đủ, hiện đại; xây dựng đội ngũ nhân viên bảo vệ đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy; thường xuyên tập huấn cho nhân viên kỹ năng cần thiết để ứng phó phù hợp với các tình huống có thể xảy ra.

Thời gian tới, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, Bộ CA chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự và CA các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các phương án, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ CA về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong và sau dịch Covid-19. CA xử lý, giải quyết các tình huống cấp bách, phức tạp trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội.

Bộ CA cũng giao lực lượng công an tập trung xây dựng, triển khai thực hiện chuyên đề, phương án, kế hoạch để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cướp tài sản, nhất là cướp tài sản tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, cửa hàng kinh doanh,...

Cục Cảnh sát hình sự phối hợp các cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước và CA địa phương tổ chức khảo sát công tác phòng ngừa tội phạm tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để có kiến nghị giải pháp tăng cường phòng, chống tội phạm cướp ngân hàng.

Ngoài ra, các lực lượng tăng cường kiểm soát trên không gian mạng, kịp thời phát hiện và có biện pháp nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật, thông báo, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp tài sản nói chung, tội phạm cướp tài sản tại ngân hàng nói riêng, giúp người dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao được ý thức cảnh giác, góp phần phòng ngừa tội phạm.

Khi xảy ra các vụ án cướp tài sản tại ngân hàng, lực lượng Cảnh sát hình sự sẽ huy động lực lượng, tập trung triển khai các biện pháp công tác để xác định, truy bắt nhanh, xét xử nghiêm minh trước pháp luật nhằm trừng phạt, răn đe các đối tượng.

Kỳ 1: Ám ảnh trước những lời rủ rê tự tử, tình một đêm, đánh ghen...

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động