Kỳ cuối: Giải pháp nào để bảo vệ lực lượng chốt kiểm soát dịch?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCần thái độ ứng xử mềm mỏng nhưng kiên quyết
Qua công tác thực tế cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid -19 của các đối tượng ngày càng manh động, trắng trợn, liều lĩnh, thậm chí quyết chống đối đến cùng. Các đối tượng vi phạm không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn chặn việc xử lý mà đôi khi còn chủ động khiêu khích tấn công lại lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Hành vi phạm tội của các đối tượng thường rất côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật.
Trưởng CA một xã ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, trong lúc các cấp, các ngành và toàn xã hội đang chung tay, góp sức vào nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh thì những hành vi chống đối, tấn công người thi hành công vụ để “thông chốt” là điều không thể chấp nhận được, kể cả dưới khía cạnh đạo đức và luật pháp. Những hành động này cần được xem là việc chống lại xã hội, chứ không đơn thuần chỉ là sự phản kháng yêu cầu của lực lượng chức năng.
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch thực hiện kiểm soát người đi đường |
Việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân vi phạm lúc này chính là hành động nhân văn, vì cộng đồng, vì mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh. Việc xử lý hình sự mọi trường hợp sử dụng vũ lực chống đối ở các cấp độ, có tác dụng răn đe rất lớn. Nhìn gương người khác bị trừng trị mà mỗi người rút ra bài học cho mình, phải tôn trọng lợi ích của xã hội mà tự giác khép mình vào khuôn khổ, điều chỉnh hành vi cá nhân phù hợp với lợi ích của cộng đồng và trật tự pháp luật.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay, trên cơ sở giải thích, tuyên truyền và hướng dẫn các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nhiều người dân đã nghiêm túc chấp hành. Song, để mọi người dân cùng nêu cao ý thức trách nhiệm thì chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cần phải tăng cường công tác tuyên truyền hơn nữa, nhất là tại những khu vực bị phong tỏa, khu vực cách ly y tế.
Chia sẻ với PV PL&XH, một cán bộ CSGT tham gia trực chốt ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ vẫn có một số trường hợp có thái độ phản ứng, không chấp hành khi bị kiểm tra, nhắc nhở do vi phạm quy định phòng chống dịch. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền, giải thích với thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết, không gây kích động, bức xúc thì họ đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng chống dịch.
Mong người dân đồng lòng chung tay đẩy lùi Covid
Theo lãnh đạo CA một số quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bênh Covid-19, ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch thì cũng cần trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ nhằm chủ động trong việc ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, việc trang bị và sử dụng các máy ghi âm, ghi hình để ghi nhận lại tất cả thông tin, hình ảnh các vụ việc vi phạm cũng là một biện pháp phòng ngừa. Đồng thời là bằng chứng xác thực để nhanh chóng xử lý người có hành vi chống đối.
Đối với các vụ chống người thi hành công vụ đã xảy ra, cán bộ, chiến sỹ trong tổ công tác phải hết sức bình tĩnh, khôn khéo thu thập đầy đủ thông tin, củng cố chứng cứ để làm bằng chứng xử lý đối tượng. Đặc biệt là sự ủng hộ của quần chúng nhân dân nơi xảy ra vụ việc để nhận được sự hỗ trợ của người dân trong quá trình khống chế bắt giữ các đối tượng có hành vi quá khích, manh động.
Các hành vi chống người thi hành công vụ đều bị xử lý nghiêm |
Để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ thì ngay trong lực lượng phòng, chống dịch cũng phải thực hiện nhiều biện pháp điều chỉnh hành vi, tác phong, cách thức giao tiếp, ứng xử để có những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa người thực thi pháp luật và người vi phạm để giảm thiểu nguy cơ gây ức chế, tránh xảy ra các hành vi chống đối người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, cùng với nỗ lực của chính quyền và các ngành chức năng thì ý thức chấp hành của người dân trong phòng, chống dịch là cần nhất lúc này. Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan không chỉ là nghĩa vụ mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người dân.
Nếu không thể giúp đỡ lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch thì người dân cũng không được phép cản trở, chống đối người thi hành công vụ tại các chốt phòng, chống dịch. Đó không chỉ là văn hóa ứng xử mà còn là ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng người thực thi pháp luật. Hơn lúc nào hết, đừng vì cái tôi cá nhân mà làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Mong rằng, người dân sẽ cùng chung tay với lực lượng chức năng đẩy lùi Covid. Tất cả phải cùng đoàn kết, đồng lòng thì mới mong sớm đẩy lùi được dịch bệnh, để cuộc sống bình thường vốn có sẽ lại được khởi động.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện pháp luật chưa có hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ cán bộ tại chốt kiểm soát dịch, cùng với đó là lực lượng trực chốt mỏng không đủ uy lực trấn áp các đối tượng côn đồ, hung hãn. Các chế tài pháp luật về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ còn nhẹ, do đó tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung còn hạn chế. Để ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ tại các chốt phòng, chống dịch Covid-19, chuyên gia pháp lý này đưa kiến nghị, ngoài việc xây dựng kế hoạch đấu tranh trấn áp tộ phạm nói chung và hành vi chống người thi hành công vụ nói riêng thì cần nâng cao khả năng ứng phó trước các tình huống cho lực lượng thi hành nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch. |
Kỳ 2: Trả giá đắt cho hành vi chống đối lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại