Thứ tư 02/04/2025 11:06
Cơn sốt vàng: Kẻ khóc - người cười

Kỳ cuối: Cơn sốt vàng – cách để chấm dứt?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được kỳ vọng sẽ là giải pháp giúp kiểm soát tình trạng "sốt vàng" hiện nay.
Kỳ cuối: Cơn sốt vàng – cách để chấm dứt?
Hoạt động mua bán trao đổi vàng tại cửa hàng trền phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Quy định về hoạt động mua bán vàng miếng

Như đã đề cập, việc tích lũy vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng với đó, việc nguồn cung hạn chế khiến người dân giao dịch mua bán ở các kênh không chính thống một lần nữa khiến người dân đối diện với rủi ro gấp đôi về chất lượng vàng cũng như rủi ro về pháp lý.

Theo quy định, cá nhân mua bán vàng miếng tại tổ chức hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cấp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP nêu rõ, vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng được NHNN Việt Nam cho phép sản xuất, hoặc vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Điều 10 của Nghị định này cũng quy định rằng, hoạt động mua bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Như vậy, người dân không được phép giao dịch vàng miếng tại các tổ chức, doanh nghiệp không có giấy phép từ NHNN.

Việc vi phạm các quy định này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 3 và Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Cụ thể, đối với tổ chức vi phạm mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ bị xử phạt cảnh cáo. Tổ chức mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Đối với cá nhân mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ bị xử phạt cảnh cáo. Cá nhân mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Việc kinh doanh mua bán vàng miếng không đúng quy định cũng bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến cao nhất lên đến 800 triệu đồng theo quy định tại Điều 3 và Điều 24 và Điểm a Khoản 14 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP.

Kỳ vọng vào việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP

Đầu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó yêu cầu NHNN chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng. Đồng thời, khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý II năm 2025.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XV, trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề bình ổn giá vàng và thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường vàng Việt Nam biến động theo xu hướng chung của thế giới. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, thị trường vàng trong nước tương đối ổn định, nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Tuy nhiên, từ năm 2021, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, kéo theo sự leo thang của giá vàng trong nước. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, NHNN cũng chưa can thiệp.

Đến tháng 6/2024, khi giá vàng thế giới lập đỉnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế gia tăng mạnh. Trước tình hình này, Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo quyết liệt. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, NHNN đã tổ chức đấu thầu. Trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, NHNN đã cân nhắc qua 9 phiên đấu thầu (đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013).

Về giải pháp căn cơ, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá tổng kết Nghị định số 24, đồng thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ điều chỉnh các chính sách nhằm giải quyết những bất cập trong quản lý thị trường vàng. Về lâu dài, quan điểm chung của NHNN là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài vấn đề nguồn cung, thị trường vàng trong nước còn chịu tác động từ những bất cập trong chính sách quản lý. Sau hơn một thập kỷ áp dụng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có việc độc quyền nhập khẩu vàng qua NHNN, khiến thị trường thiếu linh hoạt. Bên cạnh đó, quy định hạn chế số lượng doanh nghiệp được phép giao dịch vàng miếng đã làm giảm tính cạnh tranh và sự minh bạch trên thị trường.

Chính vì vậy, việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo ra một cơ chế quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn, góp phần giải quyết những tồn đọng trong công tác điều hành giá vàng suốt thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái nhằm giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời phòng tránh hiện tượng nhập lậu vàng. Hiện nay, giá vàng vẫn có sự biến động do ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu, bao gồm các yếu tố như lãi suất, tỷ giá, giá dầu và tình hình thị trường tài chính thế giới... Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Kỳ 1: Đổ xô đi mua vàng và những cơn sốt vàng
Kỳ 2: Hệ lụy của tích trữ, đầu tư vàng Kỳ 2: Hệ lụy của tích trữ, đầu tư vàng

Khó khăn trong việc mua - bán vàng ở các cửa hàng kinh doanh vàng bạc chính thống, nhiều người đã tìm đến “chợ” mua ...

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động