Thứ sáu 08/11/2024 05:32
Để mầm non tư thục không còn là nỗi ám ảnh:

Kỳ cuối: Các cấp quản lý cần kiểm tra đột xuất

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thừa nhận đóng góp của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, các nhóm trẻ độc lập… trong việc giảm sức ép cho hệ thống mầm non công lập, đồng thời tạo điều kiện để bố mẹ trẻ yên tâm để lao động sản xuất. Tuy nhiên, để các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không còn là nỗi ám ảnh, ngoài việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, còn cần đến sự chung tay của cả xã hội…
Để trẻ thực sự là “niềm tin” và “tương lai” thì cả xã hội phải chung tay, nỗ lực hành động Ảnh: N.D
Để trẻ thực sự là “niềm tin” và “tương lai” thì cả xã hội phải chung tay, nỗ lực hành động. Ảnh: N.D

Tăng cường giám sát các hoạt động của trường, lớp

Theo đó, TS Vũ Thị Thanh Hiển cho rằng, để nâng cao chất lượng ở nhóm mầm non ngoài công lập, điều tiên quyết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước và giáo dục phải tăng cường giám sát các hoạt động của trường, lớp, các nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo độc lập. Kiên quyết không cấp phép đối với những cơ sở không đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đồng thời thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở. Ngoài việc kiểm tra định kì, các cấp quản lí cần kiểm tra đột xuất. Bởi theo TS Hiển, khi không có sự chuẩn bị, các cấp quản lí sẽ nắm bắt được các mặt yếu của các cơ sở để có biện pháp khắc phục và ngăn chặn kịp thời.

Ngoài việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng định kỳ nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo viên mầm non ngoài công lập, còn cần xây dựng các chuyên đề về quyền trẻ em, bạo hành trẻ em và đạo đức nghề nghiệp để bồi dưỡng cho giáo viên mầm non.

Có biện pháp quản lý chặt chẽ các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, nhất là các cơ sở có chất lượng đào tạo kém, không có uy tín.

“Nghiêm khắc xử lí đối với những cá nhân có hành vi bạo hành đối với trẻ. Cần tăng khung hình phạt đối với những đối những giáo viên, bảo mẫu có bạo hành trẻ em” – TS Hiển nói.

Cũng đồng quan điểm việc cần có những hình phạt thích đáng với các giáo viên, bảo mẫu gây tổn hại đến trẻ em, các chuyên gia luật còn cho rằng, giáo viên mầm non nên có những buổi tập huấn, cũng như tuyên truyền về luật pháp để nhân sự trong nhóm này nắm được quyền, lợi ích cũng như trách nhiệm của mình. Những chế tài xử phạt, những vụ án đã được đưa ra xét xử cần được phân tích, làm rõ đối với những người lao động trong nhóm này để họ hiểu về quyền trẻ em, cũng tự răn đe mình để hạn chế những sai xót đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình giảng dạy.

Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh, Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, bạo lực trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, do đó bất kể ai có hành vi bạo hành sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy theo kết quả điều tra, mức độ hành vi như thế nào bảo mẫu trong mỗi trường hợp có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Cơ quan chức năng cần vào cuộc, có những chỉ đạo nghiêm khắc hơn đối với ngành nghề này. Không để xảy ra tình trạng các trung tâm trông giữ trẻ tự phát, hoạt động không được cấp phép, hoặc những cá nhân không đủ phẩm chất đạo đức hành nghề trông giữ, giáo dục trẻ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần phát hiện và xử phạt nghiêm khắc đối với những hành vi chuẩn bị, đã hoặc đang xâm hại đến sức khỏe và tinh thần trẻ em, tránh để xảy ra những hậu quả không mong muốn” – theo luật sư Thịnh.

Mỗi gia đình cần cẩn trọng khi lựa chọn cơ sở mầm non

Tuy nhiên, chỉ tăng cường, sát sao trong công việc quản lý chưa đủ. Theo TS Hiển, việc nâng cao chất lượng các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập còn phải chú ý, thay đổi từ ngay trong nội tại.

“Đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cần đảm bảo hài hòa giữa lợi nhuận và lợi ích của người giáo viên. Trả lương phù hợp với trình độ của giáo viên, tuyển dụng giáo viên được đào tạo tại các trường có uy tín. Đặc biệt, không chạy theo “bệnh thành tích”, tạo áp lực cho giáo viên. Không bao che khi phát hiện giáo viên, bảo mẫu có hành vi bạo hành trẻ” – TS Hiển “hiến kế”.

Đồng thời theo TS Hiển, việc cẩn trọng của mỗi gia đình khi lựa chọn cơ sở mầm non phù hợp cho con cái của mình cũng là một trách nhiệm cần được đưa ra.

Phụ huynh nên dành thời gian tìm hiểu để chọn trường có uy tín, đảm bảo các quy định về nuôi dạy trẻ về cơ sở vật chất, về chất lượng giáo viên, về khẩu phần dinh dưỡng. Không theo quan niệm, suy nghĩ chọn trường cho thuận tiện công việc đưa đón và công việc của mình mà gửi con vào các cơ sở không uy tín về chất lượng và số lượng không đảm bảo.

Ngoài việc có cái nhìn tích cực, tôn trọng nghề giáo viên mầm non và cô giáo của con mình, phụ huynh không nên đặt nặng vấn đề tăng cân mà gây áp lực đối với giáo viên.

“Khả năng phát triển tùy vào cơ địa của mỗi trẻ vì vậy các bậc phụ huynh không nên gây áp lực cho cô giáo, người trực tiếp nuôi dạy trẻ và dành thời gian quan tâm, trò chuyện, quan sát con để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của con để sớm có biện pháp ngăn ngừa” – TS Hiển nói.

Và để mọi trẻ em đều thực sự trở thành “tương lai” và “niềm tin” của cả đất nước thì cả xã hội phải chung tay, nỗ lực hành động!

Để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, xét cho cùng, ngoài những biện pháp tăng cường giám sát, quản lý, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… hoặc tăng chế tài xử lý những vụ việc gây tổn hại đến trẻ em thì yếu tố căn bản nhất vẫn là yếu tố con người. Không chỉ là giáo viên mầm non, còn là mỗi người, mỗi cán bộ, mỗi giáo viên, mỗi công dân cần ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với con trẻ, với chính mình và với xã hội. Có như thế, có trách nhiệm với chính bản thân mình, với xã hội.
Kỳ 1: Trường công quá tải, mầm non tư thục chi phí cao
Kỳ 2: Bất ổn những cơ sở trông nhóm trẻ
Kỳ 3: Có suất vào trường công nhưng cũng lắm băn khoăn
Kỳ 4: Loại hình mầm non tư thục có đang bị “thả nổi”!?
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động