Thứ sáu 08/11/2024 05:30
Để mầm non tư thục không còn là nỗi ám ảnh:

Kỳ 4: Loại hình mầm non tư thục có đang bị “thả nổi”!?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước thực trạng thiếu trường công lập, cũng như những hạn chế của trường công, việc xuất hiện các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ mầm non độc lập ở các khu đông công nhân, người lao động có những đóng góp không thể phủ nhận.
Có cơ sở đào tạo vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên chất lượng.  	Ảnh: L.T
Có cơ sở đào tạo vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên chất lượng. Ảnh: L.T

Nhiều giáo viên không xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ

Việc xuất hiện các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, dân lập và tư thục ở các khu đông công nhân, người lao động là nhu cầu thực tế, tất yếu. Các cơ sở này đã và đang chia sẻ áp lực trông giữ trẻ khi trường mầm non công lập chưa đáp ứng được nhu cầu trông giữ trẻ trên địa bàn.

Nhìn nhận về vai trò, sự đóng góp của cơ sở giáo dục mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập, PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) cho rằng: những cơ sở này góp phần giảm bớt gánh nặng, tình trạng quá tải cho cơ sở giáo dục mầm non công lập ở nhiều địa phương; đóng vai trò lớn cho cấp học mầm non huy động trẻ em ra lớp.

Mặt khác, các cơ sở này mang lại tác động tích cực cho sự phát triển giáo dục mầm non nói chung và gỡ khó cho những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non không đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường nói riêng. Việc cung ứng các dịch vụ đón sớm, trả muộn, ăn uống, tắm gội, trông trẻ dưới 24 tháng... đã giúp lao động nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chia sẻ cùng xã hội việc đảm bảo quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cùng nhận định này, TS.Vũ Thị Thanh Hiển, trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho rằng, loại hình trường, lớp mầm non ngoài công lập là một hướng phát triển tất yếu của ngành học mầm non.

Tuy nhiên, cũng bởi có nhiều yếu tố nên mới xảy ra hàng loạt các vụ bạo hành trẻ mầm non ở những cơ sở ngoài công lập. Về những bất cập này, theo TS Hiển, tình cảm là động lực thúc đẩy con người nỗ lực vượt qua mọi khó khăn vất vả của nghề nghiệp. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy rất nhiều giáo viên vào nghề không xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ.

“Trong một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng động cơ vào nghề của giáo viên mầm non chỉ có khoảng 15% xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ, còn lại là do các nguyên nhân khác như: không đỗ vào các trường khác; bị cha mẹ ép; học theo bạn bè cho vui…” - TS Hiển cho biết.

Trình độ của giáo viên mầm non cũng là một trong các yếu tố. Trước đây, trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non. Nhưng từ khi Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 có hiệu lực, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non đã được nâng lên cấp cao đẳng.

Tuy nhiên, nhìn nhận lại các vụ bạo hành diễn ra trong thời gian qua cho thấy, trẻ mầm non bị bạo hành thường do các giáo viên không đạt chuẩn, mới chỉ có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, thậm chí chưa hề qua trường lớp đào tạo.

Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn nhưng đào tạo không bài bản, theo kiểu “ăn xổi ở thì” tại các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non chất lượng kém. Giáo viên thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ, yếu về kỹ năng xử lý tình huống sư phạm… Thực tế hiện nay, đang có một thực trạng là nghề giáo viên mầm non đào tạo dễ dãi. Nhiều cơ sở đào tạo hiện nay vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên chất lượng về đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và chất lượng đầu vào.

Tình trạng liên kết đào tạo tràn lan, khó kiểm soát dẫn đến chất lượng đào tạo giảm sút. Thậm chí, một vài chương trình đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ bảo mẫu mầm non chỉ diễn ra vẻn vẹn 2 tháng cho đối tượng học là những người có trình độ từ THCS trở lên. Giáo viên mặc dù có đầy đủ bằng cấp nhưng thực tế lại thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Ngoài ra, theo TS Hiển, bên cạnh các vấn đề về chuyên môn, còn là tâm lý việc làm không ổn định, đứng núi này trông núi nọ…

Chưa được quan tâm về chất lượng chăm sóc giáo dục

PGS Nguyễn Bá Minh cũng khẳng định việc phát triển hệ thống cơ sở giáo dục mầm non độc lập chưa được quan tâm sâu sát, cũng như thiếu tính toán phát triển trong tổng thể quy mô phát triển của lĩnh vực này ở từng địa phương. Cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở nhiều nơi được thành lập với quy mô nhỏ không đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đáng lo ngại hơn khi một số cơ sở hoạt động không ổn định, thường xuyên thay đổi về địa điểm, cơ sở vật chất và đội ngũ nên ảnh hưởng đến công tác quản lý, chất lượng hoạt động. Đa số nhóm trẻ có quy mô nhỏ dưới 7 trẻ vẫn tổ chức và hoạt động tự phát, nằm rải rác trong các khu dân cư và chưa được quan tâm về chất lượng chăm sóc giáo dục.

Cũng theo TS Hiển, theo phân cấp quản lý, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập sẽ do các xã, phường, thị trấn quản lý và cấp phép hoạt động, các phòng Giáo dục đào tạo chỉ quản lý các cơ sở này về mặt chuyên môn.

“Thế nhưng thực tế các địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức cho loại hình giáo dục này, thậm chí có nơi chính quyền địa phương gần như thả nổi” - TS Hiển nói.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa quan tâm đến chất lượng. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, không quan tâm đến chất lượng giáo dục mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu được. Những vấn đề thường thấy là các cơ sở này không chú trọng việc chuyên môn của người trông trẻ, họ có thể tuyển người chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn ngày để giảm chi phí về lương...

Ngoài những lý do trên, về phía gia đình và xã hội cũng phải nhìn nhận trong câu chuyện này.

Điều thường gặp ở khá nhiều phụ huynh, họ không tìm hiểu kỹ cơ sở giáo dục mầm non mà họ gửi con; chưa quan tâm nhiều đến những biểu hiện của con để có những phát hiện kịp thời về bạo hành; giao phó con mình cho giáo viên. Nhưng khi có chuyện gì xảy ra với con, họ đổ hoàn toàn trách nhiệm cho giáo viên và không có cái nhìn thông cảm, thấu hiểu, gây áp lực cho giáo viên.

Một bộ phận người dân chưa có cái nhìn tích cực về nghề giáo dục mầm non, đánh giá thấp, thậm chí có thái độ coi thường nghề giáo dục mầm non. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến giáo dục mầm non thiếu đi động lực và tình yêu thương đối với trẻ…

Việt Nam có rất nhiều cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em, nhưng hầu hết những vụ bạo hành trẻ em lẫn sai phạm trong các trường mầm non được phát hiện là do phụ huynh, người dân và các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, hàng nghìn các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân không giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Trường công quá tải, mầm non tư thục chi phí cao
Kỳ 2: Bất ổn những cơ sở trông nhóm trẻ
Kỳ 3: Có suất vào trường công nhưng cũng lắm băn khoăn
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động