Thứ năm 18/04/2024 19:02
"Thổi phồng" về công dụng chữa bệnh của các "thầy lang" bốc thuốc

Kỳ cuối: “Bắt mạch” tìm nguyên nhân và “kê đơn chẩn trị”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tình trạng sử dụng thuốc Nam “gia truyền” không rõ thành phần, chưa được công nhận dẫn đến những tai biến đáng tiếc không còn hiếm gặp. Vậy nhưng vì sao người bệnh vẫn cứ tin vào phương pháp chữa bệnh kiểu “thầy bói xem voi” mà từ bỏ việc chữa trị bằng phương pháp đã được chứng minh?.

Quảng cáo bừa mà không hiểu cơ chế bệnh sinh

Trao đổi với PV PL&XH, TS-BS chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Siêm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nam y Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông Y Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Hà Nội cho rằng: Hiện nay có nhiều bài thuốc dân gian, gia truyền được đăng ký thành sản phẩm thực phẩm chức năng vì điều kiện cấp phép dễ dàng hơn. Kèm theo đó có một số lương y không đủ điều kiện hành nghề nhưng đã “lách luật” bằng bài thuốc gia truyền của gia đình nên đưa vào sản xuất và đưa ra thị trường.

“Đối tượng này học ít nhưng quảng bá hay và mạnh. Rất nguy hiểm nhất là cứ đứng tên người dân tộc Mán, Mường có bài thuốc nọ, bài thuốc kia. Họ không hiểu về cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân gây bệnh mà cứ quảng cáo bừa, nói là chữa dứt điểm, không khỏi trả lại tiền”, TS. Nguyễn Hồng Siêm nhấn mạnh.

Theo vị bác sỹ có hơn 40 kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền (YHCT) này thì những người quảng cáo không hiểu có những bệnh không thể chữa được bằng Đông y. “Giai đoạn vàng” phải chữa bằng Tây y. Đáng lẽ giai đoạn đó phát hiện sớm, điều trị sớm, điều trị tích cực thì người bệnh khỏi hoặc kéo dài sự sống. Nhưng nếu như phát hiện muộn, chậm thì bệnh đã xâm lấn đến các tế bào xung quanh, có thể di căn… thì đã là giai đoạn muộn. Lúc này người bệnh đã mất đi thời điều trị kỳ vàng. Tây y cũng chịu mà Đông y càng chịu hơn. Họ không hiểu gì nên quảng cáo bừa.

Hoặc một số bệnh nếu không dùng thuốc hỗ trợ điều trị bằng Tây y (chứ không phải điều trị nguyên nhân) thì bệnh nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng, ví dụ như bệnh nhân cao huyết áp bị tăng huyết áp uống thuốc hàng ngày là hỗ trợ, thuốc chỉ có tác dụng 24g đề phòng không tăng huyết áp cấp tính, vọt lên dẫn đến đột quỵ có thể xuất huyết não, chảy máu não… nên dùng Tây y để bình ổn huyết áp hàng ngày. Nếu quảng cáo không tốt người bệnh bỏ thuốc Tây thì có thể nguy hiểm khi cơn huyết áp tăng cấp tính đột xuất rất nguy hiểm.

Tương tự các bệnh khác như hen phế quản, tiểu đường… mọi phương pháp điều trị bằng Tây y cũng chỉ giúp kiểm soát tình trạng bệnh chứ không khỏi hẳn. Vậy mà Đông y quảng cáo chữa khỏi hẳn là không thể!

Kỳ cuối: “Bắt mạch” tìm nguyên nhân và “kê đơn chẩn trị”

Bệnh nhân tiểu đường suy đa tạng, nguy kịch sau khi dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc điều trị

Phải tạo điều kiện cho YHCT nghiên cứu những bài thuốc mang tầm đất nước

TS. Nguyễn Hồng Siêm cho biết, Luật Khám chữa bệnh đã quy định rõ các dịch vụ y tế hành nghề có điều kiện, việc khám chữa bệnh phải do thầy thuốc có bằng cấp. Việc quy định ai được khám bệnh, ai được bán thuốc rất rõ nhưng bây giờ một số đối tượng vẫn quảng cáo rất nhiều trên mạng vì kinh tế.

“Chúng ta đã có chế tài rồi, có Luật để ngăn cấm rồi mà vẫn làm thì không chỉ là nhận thức của cá nhân người quảng cáo đó mà còn có trách nhiệm trong dân và các cấp chính quyền. Các địa phương để tồn tại quảng cáo thuốc 3 đời, 4 đời, 5 đời phải do chính quyền địa phương tham gia vào cuộc để ngăn chặn chứ ngành y tế không thể kiểm soát hết được. Các ngành các cấp phải vào cuộc chung tay”, TS. Nguyễn Hồng Siêm nêu.

Bên cạnh đó, cơ quan văn hóa, cơ quan thông tin đại chúng sẵn sàng đưa tin vì lý do kinh tế hay các lý do khác mà không hiểu các quy định của pháp luật về điều kiện đưa tin. Mặc dù khi đưa quảng cáo có quy định phải xin phép nhưng họ vẫn cứ đưa lên. Và không chỉ cơ quan truyền thông chính thống mà cả những công ty tổ chức sự kiện cũng đưa các quảng cáo lên gây những quảng cáo hiểu sai.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng quảng cáo, bán tràn lan các loại thực phẩm chức năng (TPCN) “núp bóng” thuốc chữa bệnh mà TS. Nguyễn Hồng Siêm đưa ra là do các quy trình để xin được giấy phép cho một bài thuốc YHCT rất khó khăn, trong khi để cấp phép sản phẩm TPCN lại dễ dàng.

TS. Nguyễn Hồng Siêm nêu: Bây giờ để ra được một bài thuốc YHCT thật sự rất khó khăn vì những quy định rất khắt khe từ khi có bài thuốc, nghiên cứu, đánh giá cho đến kết luận lâm sàng… Để ra được bài thuốc là cả quá trình, có khi vài năm thì mấy ai theo được, buộc phải bên này chặt bên kia rộng thì biến tướng thành TPCN, sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Việc cấp giấy phép cho sản phẩm TPCN chỉ mất chỉ 1-2 tháng.

Kỳ cuối: “Bắt mạch” tìm nguyên nhân và “kê đơn chẩn trị”
TS-BS Chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Siêm cảnh báo: Người dân đừng hi vọng TPCN chữa khỏi bệnh (ảnh P.C)

Đấy là bất cập trong quản lý đầu vào trở thành thuốc hay TPCN. Họ sẽ đưa bài thuốc thành TPCN và mập mờ giữa quy định TPCN hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chữa bệnh chứ không phải thuốc. “Sự mập mờ này là thời cơ cho một số doanh nghiệp, cơ quan biến TPCN thành thuốc, cứ quảng cáo và dân trí ở mức độ thấp thì nghĩ đó là thuốc. Hoặc quảng cáo thổi phồng, có những bệnh không thể chữa được vẫn cứ quảng cáo chữa 100%, không khỏi thì hoàn tiền. Tôi thấy rất là vô lý”, TS. Nguyễn Hồng Siêm bày tỏ.

Vì vậy, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho rằng, cần có những giải pháp để giải quyết, tạo điều kiện cho Nhân dân. Khi có bài thuốc, có chế tài quản lý hợp lý sẽ tốt hơn, nếu không cứ “đánh bùn sang ao” giữa bài thuốc và TPCN, người dân mập mờ không nắm được, không chỉ tiền mất tật mang mà còn ảnh hưởng đến tính mạng do người bệnh tin dùng các bài thuốc gia truyền nên bỏ qua việc đến điều trị bằng Tây y, bỏ qua cơ hội điều trị.

“Phải tạo điều kiện cho YHCT nghiên cứu những bài thuốc mang tầm đất nước, quốc tế thì YHCT mới phát triển được. Thực tế YHCT có nhiều ưu điểm, có những bệnh chỉ chữa bằng Đông y, có những bệnh chỉ chữa bằng Tây y, có những bệnh phối hợp cả Đông-Tây y. Có bệnh giai đoạn này chữa bằng y học hiện đại, giai đoạn sau chữa bằng YHCT… rất nhiều vấn đề về kiến thức đó. Nếu chúng ta quan tâm đúng mức thì 2 nền y học này phải song song với nhau mới có nền y học Việt Nam hoàn chỉnh hơn”, TS. Nguyễn Hồng Siêm kiến nghị.

Nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng loạn quảng cáo thuốc gia truyền còn tùy thuộc vào vấn đề dân trí. Có một số bộ phận người dân ngộ nhận thuốc gia truyền, ngộ nhận quảng cáo, cứ nghe quảng cáo là mua.

Vì vậy, người dân cần có kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe ban đầu để nhận thức được rằng bệnh này không chữa như thế; không đến cơ sở không đủ điều kiện, cơ sở không được cấp phép; dùng thuốc phải biết rõ nguồn gốc, không dùng thuốc tràn lan; khi chữa bệnh dứt khoát phải có tư vấn của thầy thuốc đã được Nhà nước công nhận. Đặc biệt, xác định TPCN thì không bao giờ chữa được bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị, không thể khỏi được bệnh 100%-TS. Nguyễn Hồng Siêm cảnh báo.

Kỳ 1: Mất tiền rước họa vào thân từ bài thuốc gia truyền “nhà tôi ba đời” Kỳ 1: Mất tiền rước họa vào thân từ bài thuốc gia truyền “nhà tôi ba đời”

Lợi dụng niềm tin của nhiều người vào các bài thuốc y học cổ truyền, nhiều cá nhân, đơn vị đã liên tục quảng cáo ...

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động