Thứ bảy 27/04/2024 12:21
Luật Thủ đô (sửa đổi): Hà Nội cần những đột phá gì trong phát triển văn hóa

Kỳ cuối: Cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghiệp văn hóa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với những nỗ lực của UBND TP Hà Nội và sự phối hợp, triển khai đồng bộ của các Sở, ngành thì công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cùa Thủ đô đã có sự chuyển biến tích cực, đóng góp tỷ trọng không nhỏ trong GDRP của TP với con số tăng trưởng qua các năm.
Kỳ cuối: Cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghiệp văn hóa
Du khách quốc tế trải nghiệm Tết Việt tại Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)

Đang miễn, giảm thuế với một số nhóm sản phẩm, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa

Tại Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội đã xác định mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch xuất khẩu. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản,... phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể.

Kỳ cuối: Cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghiệp văn hóa
Tái hiện lễ cưới của người Hà Nội xưa tại Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023. Ảnh: Khánh Huy

Theo báo cáo số 470/BC-UBND ngày 22/12/2022 cùa UBND TP Hà Nội, hiện có một số nhóm ngành công nghiệp văn hóa tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sau: lĩnh vực du lịch văn hóa, lĩnh vực điện ảnh, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, lĩnh vực quảng cáo, lĩnh vực xuất bản, lĩnh vực phát thanh truyền hình, lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu, đòi hỏi phát triển công nghiệp văn hóa thì các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa, thu hút đầu tư khối tư nhân vào các nhóm ngành thuộc lĩnh vực này để tạo nguồn lực, kích thích sự phát triển của các nhóm ngành này.

Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, với góc độ nghĩa vụ về thuế, tài chính, hiện tại chính sách thuế đã và đang điều tiết một số nhóm sản phẩm, hoạt động của một số ngành nằm trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa thuộc các đối tượng áp dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, phát triển, tiêu dùng trong xã hội.

Cụ thể như về chính sách thuế Giá trị gia tăng, đã miễn, giảm với các hoạt động như: Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của Nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; phát sóng truyền thanh, truyền hình bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học - kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử.

Kỳ cuối: Cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghiệp văn hóa
Theo Cục Thuế TP Hà Nội, với góc độ nghĩa vụ về thuế, tài chính, hiện tại chính sách thuế đã và đang điều tiết một số nhóm sản phẩm, hoạt động của một số ngành nằm trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa thuộc các đối tượng áp dụng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, phát triển, tiêu dùng trong xã hội. Ảnh: Khánh Huy

Các sản phẩm và hoạt động dịch vụ như: sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT; Thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại; sản phẩm bằng đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp là các loại sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu chính là đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng, lá; các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim được áp dụng thuế suất thuế GTGT ở mức 5%.

Về chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của Chính phủ về xã hội hóa; Phần thu nhập của hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản; Phần thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo in) của cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí thì được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động; được miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn quy định. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp còn được giảm thuế nếu đáp ứng các điều kiện về sử dụng lao động thiểu số theo quy định.

Về chính sách ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước: Nếu doanh nghiệp, tổ chức có thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư thì thuộc trường hợp được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước với các mức ưu đãi tùy theo điều kiện đáp ứng theo quy định của Chính phủ, cụ thể: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 5 năm.

Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện mục tiêu đã đề ra

Những chính sách ưu đãi về thuế vừa nêu trên cho thấy sự quan tâm rất lớn của các cấp chính quyền, địa phương, đây là một ngành công nghiệp không khói có sức ảnh hưởng lớn, ngày càng đóng góp lớn vào tỷ trọng thu Ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện mục tiêu đã đề ra. Để ngày càng phát huy vai trò của công nghiệp văn hóa, tạo ra thêm nhiều giá trị lớn đóng góp tăng trưởng cho NSNN, nhiều giải pháp đà và đang được triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có các giải pháp về thuế.

Kỳ cuối: Cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghiệp văn hóa
Trình diễn áo dài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Khánh Huy

Trước yêu cầu, đòi hỏi của việc phát triển kinh tế công nghiệp văn hóa và thực tiễn công tác quản lý, Cục Thuế thành phố Hà Nội kiến nghị bổ sung một số giải pháp nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển nhóm lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thêm những nguồn lực phát triển như sau:

Thứ nhất, chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất được áp dụng đối với các hoạt động thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ (Danh mục lĩnh vực, ưu đãi đầu tư hiện hành được quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP), theo quy định này, không phải tất cả các lĩnh vực hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư. Như vậy, đối với lĩnh vực cần ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư cần xác định rõ các ngành, nghề, lĩnh vực và điều kiện để lựa chọn mũi nhọn trọng tâm kinh tế và kiến nghị, đề xuất Chính phủ bổ sung thêm các nhóm lĩnh vực công nghiệp văn hóa vào danh mục nhóm lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ để được hưởng các chính sách ưu đãi thuế TNDN và tiền thuê đất nhằm thu hút đầu tư vào nhóm lĩnh vực, ngành này.

Thứ hai, theo quy định hiện hành, số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động công nghiệp văn hóa thuộc diện không chịu thuế GTGT và chịu thuế GTGT với mức thuế suất thuế GTGT 5% còn hạn chế. Do đó, để khuyến khích phát triển, tiêu dùng, đề xuất, kiến nghị mở rộng đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với các nhóm mặt hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa nhằm khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư.

Thứ ba, kiến nghị, đề xuất chính sách ưu đãi riêng về thuế, phí, lệ phí thuộc thẩm quyền UBND TP đối với các lĩnh vực công nghiệp văn hóa nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào nhóm lĩnh vực này. Trước đây, năm 2015, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 19/5/2015 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thứ tư, không phải tổ chức, doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được hết các chính sách ưu đãi và điều kiện áp dụng để tiếp cận được và áp dụng vào hoạt động kinh doanh của mình. Nếu tiếp cận được đầy đủ để hoàn thiện các điều kiện áp dụng các chính sách ưu đãi, sẽ có thêm nguồn lực tài chính, tạo động lực cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khối này học hỏi, áp dụng nhiều mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng tầm vị thế, tạo nhiều giá trị của cải cho xã hội. Do đó, cần tăng cường sự hỗ trợ tư vấn pháp lý từ phía cơ quan liên quan để tiếp cận đến các điều kiện đáp ứng áp dụng chính sách ưu đãi thuế.

Về phía cơ quan thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn về chính sách, về thủ tục về thuế, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa để các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế có thể tiếp cận được, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, người nộp thuế.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức mới thành lập trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa khởi nghiệp, phát triển. Thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Với sự triển khai hỗ trợ, tạo điều kiện đồng bộ của các cấp, các sở, ngành với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, sẽ tạo thêm nguồn lực, sức mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa ngày càng phát triển, trở thành mũi nhọn của Thủ đô trong thời gian tới.

Kỳ 1: Di tích lịch sử văn hóa - nguồn lực đặc biệt góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô
Kỳ 2: Phát huy giá trị di sản cho phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Kỳ 3: Xây dựng nét đặc trưng văn hóa kinh doanh của Thủ đô Hà Nội
Kỳ 4: Vai trò của vốn văn hóa đối với phát triển kinh tế Hà Nội
Thái Phương - Ảnh: Khánh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động