Kỳ 4: Vai trò của vốn văn hóa đối với phát triển kinh tế Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững biểu hiện về văn hóa của con người đối với thiên nhiên được thấy rõ qua những hành động cụ thể và thiết thực của bà con nông dân Hà Nội, khi cùng nhau đồng lòng thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế xã hội, nông thôn mới. Ảnh: Khánh Huy |
Tác động của vốn văn hóa tới phát triển kinh tế
Theo PGS.TS Đinh Thị Vân Chi - Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, vốn văn hóa chủ thể hóa có thể thúc đẩy phát triển kinh tế ở các phương diện đa dạng. Ví dụ, những người có văn hóa đối với thiên nhiên, sẽ yêu quý, coi trọng thiên nhiên, luôn có ý thức bảo vệ nó. Điều đó không chỉ giúp gìn giữ và xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, mà còn thiết thực bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên khó tái tạo đang ngày càng cạn kiệt. Văn hóa đó được áp dụng trong sản xuất sẽ dẫn tới ý thức tiết kiệm khi sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu sản xuất, giúp giảm giá thành sản phẩm, gia tăng lợi nhuận cho cơ sở sản xuất. Không ít người còn có thể điều chỉnh, chuyển đổi hoặc thay thế những loại vật liệu, nguyên liệu cũ, tạo nên những cải tiến giúp sản phẩm tốt hơn. Thậm chí có những người còn tìm kiếm, phát minh, sáng tạo ra những nguyên liệu mới với những ưu thế vượt trội so với trước, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những biểu hiện về văn hóa của con người đối với thiên nhiên được thấy rõ qua những hành động cụ thể và thiết thực của bà con nông dân Hà Nội, khi cùng nhau đồng lòng thực hiện hiệu quả các mô hình: “Cánh đồng sạch”; “Cánh đồng không đốt rơm rạ”; Tổ hội nông dân thu gom rác thải; Tổ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật... Riêng trong năm 2021, bà con nông dân Hà Nội xây dựng 534 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường; tổ chức trồng và gắn biển 75 hàng cây nông dân, 112 tuyến đường hoa nông dân với độ dài 41km; 45 mô hình cánh đồng sạch; 38 mô hình hàng cây kiểu mẫu.
Những ngày gần Tết, người làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) lại hối hả hoàn thiện những chiếc nón lá mang đậm bản sắc dân tộc và chứa đựng bao điều bình dị của làng quê Việt Nam. Làng Chuông với nghề làm nón giờ đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ngôi làng nhỏ bé luôn tấp nập khách ra vào. Nhiều hộ trong làng cũng tận dụng nghề để làm sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế. Làng Chuông cũng là một điểm đến lý tưởng để khám phá và trải nghiệm không khí Tết đậm đà dư vị xưa. Ảnh: Khánh Huy |
Cũng với tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên, nhiên liệu. Đã có khoảng 40% cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, trong giai đoạn 2012-2015 đạt mức tiết kiệm trung bình 5 - 8% và giai đoạn 2016-2018 tiết kiệm 8-13% định mức nguyên/nhiên vật liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm. Đến nay, mục tiêu sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch của thành phố Hà Nội.
Nói về văn hóa đối với nghề thì những tấm gương cảm động phải kể tới những nghệ nhân tận tâm, tận lực, lao tâm khổ tứ cả đời để giữ nghề truyền thống, vực nghề dậy lúc suy tàn, thắp lửa truyền sức sống cho nó. Làng tranh Đông Hồ, sau một thời gian dài không cầm cự được với những khắc nghiệt của kinh tế thị trường, đã mai một hầu hết, chỉ còn lại 2 gia đình vẫn duy trì sản xuất. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã mạnh dạn dốc hết số tiền dành dụm được, rồi sưu tầm, mua lại hơn 100 bản khắc cổ có tuổi thọ hàng trăm năm, cùng hàng ngàn bản khắc mới và gần 200 mẫu tranh các loại, ông mang tranh về tận Hà Nội tìm cách bán cho du khách nước ngoài. Dần dần ông đã tìm được nguồn khách chính, giúp vực dậy nghề in tranh trên giấy điệp này.
Tương tự, nghệ nhân Triệu Văn Mão ở làng lụa Vạn Phúc đã đi khắp các miền, tìm xin hoặc mua những mảnh áo, những chiếc khăn, những miếng lụa cũ may bằng lụa vân đã thất truyền, sau đó nhờ các nghệ nhân lớn tuổi có tay nghề nhất trong làng thiết kế lại các mẫu lụa cũ, rồi dệt thử nghiệm. Gian truân nhiều năm, ông đã lần lượt phục chế thành công các loại lụa như lụa sa trơn, lụa xuyến 7, lụa quế trơn, lụa vân…; Nghệ nhân thêu Vũ Thành Luân ở làng thêu Văn Lâm không chỉ sáng tác những mẫu thêu mới, mà còn mày mò, trải nghiệm bao vất vả, tạo ra được loại vải mới để thể hiện những mẫu thêu của mình; Hoặc nghệ nhân Lê Xuân Phổ tại Bát Tràng không cam chịu nhập đất của Anh với giá cao phi lý, trong khi Việt Nam có những loại đất có thể đáp ứng yêu cầu của thiết kế, nên ông đã khổ công mày mò để rồi cuối cùng chế ra được loại đất thích hợp từ nguồn nguyên liệu địa phương, rẻ hơn đất nhập của Anh cả chục lần.
Với tình yêu nghề đặc biệt, những người thợ làm bánh đa nem làng Chều (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã sáng tạo được những “công nghệ mới nhất thế giới” chỉ từ một cái máy phát điện nhỏ được thiết kế thêm phần “vi sóng” và được cải tiến, hoàn thiện dần dần. Theo lời ông Trần Quang Thao - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý, tới nay, “công nghệ mới nhất thế giới” này cho phép một máy sản xuất 500kg bánh mỗi ngày với chất lượng mà “hiện tại ở Việt Nam thì làng Chều là số một. Tất cả các khách sạn, nhà hàng đến quán vỉa hè đều đặt hàng bánh đa nem ở đây. Mỗi năm, chúng tôi còn xuất khẩu lượng lớn bánh đa sang nước ngoài. Thế giới rất mê bánh làng Chều”.
Những lợi ích kinh tế đáng ghi nhận
PGS.TS Đinh Thị Vân Chi nhận định, nếu văn hóa liên cá nhân tốt sẽ giúp các thành viên trong một tập thể gắn kết với nhau, đoàn kết cùng thực hiện nhiệm vụ chung. Họ sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung, cùng chung sức đồng lòng, làm nên sức mạnh tập thể, vượt qua được nhiều khó khăn. Khi đã coi mình là một mắt xích của một cỗ máy, một thành viên của tập thể, một người thân thiết của một nhóm bạn bè, mỗi người sẽ làm việc hết lòng, say mê và thăng hoa, đạt tới hiệu quả lao động cao. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Denison, các công ty có văn hóa doanh nghiệp mạnh giúp tăng khả năng gắn bó của nhân viên đến 72%, ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm của nhân viên với môi trường làm việc, biểu hiện rõ ràng và thể hiện trực tiếp vào kết quả làm việc của họ. Công việc khi đó không còn là nhiệm vụ nặng nề, mà là nguồn vui, sự cuốn hút, lôi cuốn mọi người sát cánh bên nhau cùng thực hiện. Vì thế, không ít những tập thể lao động được các thành viên coi như ngôi nhà thứ hai của mình, nơi họ sử dụng phần lớn số thời gian trong ngày (không tính thời gian đáp ứng nhu cầu vật chất và ngủ nghỉ).
Đến với tour trải nghiệm Hoàng thành Thăng Long về đêm, du khách có thể hình dung một phần lịch sử của Hoàng thành Thăng Long trải dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX, xuyên suốt các triều đại: Đại La, Lý, Trần, Mạc, Lê và Nguyễn |
Với sức hút mạnh mẽ của các di tích, thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều tour du lịch khám phá 28 tuyến phố cổ, 121 di tích lịch sử, văn hóa - lịch sử cách mạng và các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bằng xe điện. Nhiều tour khác gắn với các di tích nổi tiếng của thành phố, như “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” kết nối các điểm đến quen thuộc và hấp dẫn: Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Chùa Một Cột; tour “Hà Nội bộ hành” gắn với các di tích Đình Đồng Lạc, Cầu Long Biên; tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội… và nhiều tour du lịch văn hóa khác. Đặc biệt, các tour du lịch “Đêm thiêng liêng” 1, 2 và 3 thăm khu di tích Nhà tù Hỏa Lò lập tức tạo được dấu ấn với hàng ngàn du khách ngay khi khai trương, trở thành một hiện tượng của du lịch văn hóa thăm các di tích, tạo nên “cơn sốt” với tình trạng “cháy vé”, vé được đặt hết trước cả tháng.
Trình diễn áo dài tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Khánh Huy |
Rõ ràng là khi tiềm năng của hệ thống di tích được đánh thức với tư cách là nguồn vốn văn hóa, đã mang lại lợi ích kinh tế đáng ghi nhận. Các làng nghề cũng được thiết kế để trở thành những điểm du lịch hút khách, ví như tour xe đạp khám phá Cổ Loa - Làng gốm Bát Tràng - các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn” của Hà Nội; tour đi bộ “Đi tìm dấu ấn phố nghề Thăng Long”, … Sự đa dạng văn hóa tộc người của các dân tộc thiểu số cũng trở thành nguồn tài nguyên dồi dào cho phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên, Sa Pa, Bản Lác… Các hình thức du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch đồng quê/miệt vườn, du lịch trải nghiệm... cũng ngày càng phát triển.
Như vậy, vốn văn hóa khách thể hóa có thể thúc đẩy phát triển kinh tế khi chúng trở thành sản phẩm du lịch, thu hút được du khách đến với mình, mang lại doanh thu cho cộng đồng.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại