Thứ năm 21/11/2024 19:59

Kỳ bí ngôi mộ cải táng hơn 500 năm của dòng họ Đinh Bạt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Sự tích về cuộc đời ông Đinh Văn Hùng, cha của Thượng thư Đinh Bạt Tụy khẳng định: Nhờ làm việc thiện nên mới được "huyệt mả trời cho" để làm đất phát phúc cho con cháu mãi về sau.


Nhiều đời làm quan nhờ "ngôi mộ cải táng"?!

Trong thực tế, bắt đầu từ đời cháu của ông Đinh Văn La đã phát đạt. Trước tiên là sự "công thành danh toại" của ông Đinh Bạt Tụy, con trai ông Đinh Văn Hùng, cháu nội ông Đinh Văn La. Theo gia phả họ Đinh Bạt cho thấy: Định Bạt Tụy sinh năm 1516, mồ côi mẹ năm lên 7 tuổi, mồ côi cha lúc mới 12 tuổi. Từ khi cha mẹ qua đời, Đinh Bạt Tụy một mình sống cô đơn, trải bề tận khổ. Trong hoàn cảnh ấy, Bạt Tụy quyết chí vươn lên. Sau khi nương tựa vào một thầy học ở trong làng, ban ngày Bạt Tụy kiếm củi, gánh nước, đêm về lo học thi thư. Đến năm 1535, cậu học trò nghèo Bạt Tụy trúng thi hương và được vào học tại trường Quốc Tử Giám. Năm 1554, triều đình nhà Lê mở khoa thi tuyển hiền tài, Bạt Tụy là giám sinh ứng thí và thi trúng "đệ nhất danh, đệ nhất giáp" (ngày nay gọi là Thủ khoa - PV) được vua ban áo mũ và dự yến tiệc. Sau khi thi đỗ trạng nguyên, Đinh Bạt Tụy đã có công lớn trong việc giúp vua nhà Lê đánh bại quân Mạc, lấy lại cơ nghiệp. Làm việc dưới triều Lê, Đinh Bạt Tụy đã nắm giữ nhiều chức vụ cao như: Cẩn sự lang, Hàn lâm viện hiệu lý; Hàn lâm viện thị chế trung giai; Đông các hiệu thư; Hiển vinh đại phu; lại khoa đô cấp sự trung trật; Tuyên lực công thần đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Đông các học sĩ tá trị thượng khanh; Hộ bộ tả thị lang; Đô ngự sử; Binh bộ tả thị lang; Binh bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ...


Đền thờ Đinh Bạt Tụy


Từ đó, họ Đinh ở vào hàng ngũ dòng tộc được trọng vọng. Năm 1589, vua Lê đã truy tặng hàm Thái bảo cho ông Đinh Văn La, ông Đinh Văn Hùng, còn bà nội và mẹ của Đinh Bạt Tụy được tặng hàm "Liệt phu nhân". Theo đó, hai bà vợ của ông Đinh Bạt Tụy là Nguyễn Thị Ái và Nguyễn Thị Điều cũng được tặng hàm "Tự phu nhân". Nói về Đinh Bạt Tụy, trong một lần tháp tùng nhà vua ra trận, ông không may lâm bệnh và tạ thế ngày 17-4-1589. Vua Lê lấy làm thương tiếc, nghĩ tới nghĩa tình trước sau trọn đạo trung quân của ông Đinh Bạt Tụy nên đã lệnh cho quan, quân, binh sĩ hộ tang về bản quán tại xã Bùi Khổng, huyện Hưng Nguyên. Đến ngày 3-10-1589, vua Lê đã truy tặng tước "Phúc khê hầu" cho Đinh Bạt Tụy (trước đó ông đã được phong tặng các tước "Nghệ khê nam; Tá trị thượng khanh thượng giai;...). Vào năm 1629, ông lại tiếp tục được phong tặng danh tước "Thượng thư Khê quận công". Năm 1653, công lao của Đinh Bạt Tụy được triều đình khắc vào bia đá để lưu danh mãi mãi.

Kế nghiệp cha mình, ông Đinh Bạt Tuấn (con trai trưởng) sau khi thi trúng nho sinh (năm 1600, thời vua Lê Kính Tông) đã được vào Hàn lâm viện, phụng sai tu soạn quốc sử. Những năm sau đó, Đinh Bạt Tuấn thường cùng với Trịnh Tùng, Trịnh Tráng đi đánh giặc Mạc, có nhiều công lao. Đến năm 1607, ông được cử đến tỉnh Hải Dương nhận chức "Hiến sát phó sứ". Năm 1629, Đinh Bạt Tuấn lại được phong chức "Công bộ tả thị lang" tước "Hầu mai lĩnh". Cùng thời, ông Đinh Bạt Dịnh và ông Đinh Bạt Tuyển (con thứ của Đinh Bạt Tụy) đều làm quan. Tiếp đến, ông Đinh Bạt Sỹ, con trai ông Đinh Bạt Tuấn cũng làm quan đến chức "Tiểu khanh". Tất cả 7 người con trai của Đinh Bạt Sỹ đều đăng khoa mục. Năm 1643, con trai trưởng Đinh Bạt Hiền đăng hương tuyển, sau đó làm quan giữ các chức vụ: "Hình bộ viên ngoại lang, Quốc tử giám giáo thụ Hiến sát phó sứ"... Vì thế, nhân dân tại địa phương này truyền khẩu với nhau rằng: Kế từ khi có "mộ Thiên táng" thì dòng tộc họ Đinh Bạt trải qua nhiều đời đều có người làm quan (?!)

Sau 206 năm, kể từ khi Đinh Bạt Tụy qua đời, đến triều đại Tây Sơn còn khâm phục và ca ngợi Đinh Bạt Tụy là một công thần có tài, văn võ song toàn, đức hạnh không ai bằng nên sắc phong: "Tam tự mỹ tự (ba chữ đẹp, ngày nay gọi là ba chữ vàng) cho Thái bảo Khê quận công. Suy tôn thần hiệu: Kháng võ tịch biên, hộ quốc đại vương, vì đương thời ngài vốn có tài văn chương, lại giỏi về võ. Ngài là một công thần cương nghị, ngay thẳng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, từng lên đồi xuống biển cùng nhà vua dẹp loạn. Ngài lại được mọi người mến phục. Khi qua đời được các triều thần, nhà vua và nhân dân tôn thờ là vị thần rất linh thiêng. Đến năm 1810, triều Nguyễn có sắc phong cho Đinh Bạt Tụy 3 chữ "mỹ" và suy tôn thần hiệu "Anh linh thần cơ duệ đoán đại vương". Tiếp đó, vua Minh Mệnh và vua Thiệu Trị đều suy tôn Đinh Bạt Tụy là vị thần linh, giao cho con cháu họ Đinh và nhân dân xã Bùi Khổng phụng thờ để "thần" phù hộ nhân dân. Năm 1991, đền thờ Đinh Bạt Tụy đã được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đền thờ Đinh Bạt Tụy hiện tọa lạc trên khuôn viên có diện tích hơn 10.000m2, còn phần mộ của ông nằm trên một khu đất rộng khoảng 3.500m2, bao quanh là cánh đồng lúa xanh tốt của xã Hưng Trung ngày nay.


2 trong 36 đạo sắc của vua ban tặng cho dòng họ Đinh


Con cháu hưởng lộc…

Năm 1593, sau khi dẹp tan nhà Mạc, vua Lê trở về Thăng Long tiếp tục truy tặng cho Đinh Bạt Tụy chức "Kiệt tiết tuyên lực dực vận tán trị công thần" và chuẩn cấp cho "ruộng thế nghiệp điền 10 mẫu" ở tại xã Bùi Khổng để làm tế điền. Đến năm 1721, con cháu dòng họ Đinh Bạt lại tiếp tục được cấp 20 mẫu ruộng giỗ tế thần, lệnh chỉ rằng: "Cho đích tôn Đinh Bạt Thuyên đồng con cháu ngài tiền Tuyên lực công thần Binh bộ thương thư, kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, Trụ quốc thượng trật. Tặng Thiếu bảo Khê quận công Đinh Bạt Tụy, trước đây từng cầm quân đánh giặc có nhiều công lao. Nay ứng chuẩn cấp 20 mẫu ruộng tại bản xã Bùi Khổng, huyện Hưng Nguyên. Con cháu luân phiên canh tác, đồng thời được phép giết mổ trâu bò để tế lễ thần tổ, miễn trình cáo với chính quyền" (Ngày xưa giết mổ trâu bò phải được sự cho phép của chính quyền, vì con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông thời đó. Nhà nước nghiêm cấm giết mổ một cách tùy tiện - PV). Thêm vào đó, đương thời, nhà vua cho con cháu dòng họ Đinh Bạt lấy thuế thiết bản xã để chi dùng vào việc tế tự tiên tổ đại vương hàng năm (nguyên trước đây tại làng Thổ Ngõa, xã Bùi Khổng có khai thác quặng sắc, phải nộp thuế cho nhà nước. Thuế đó được chuyển giao cho họ Đinh thu. Đến nay tại làng này vẫn còn dấu tích của việc khai thác quặng sắt). Năm 1647 (thời ông Đinh Bạt Hiền), họ Đinh tiếp tục được miễn thuế nông nghiệp trên diện tích canh tác là 24 mẫu ruộng lộc đã được cấp trước đó để làm ruộng hương hỏa, tế tự tiên tổ đại vương Đinh Bạt Tụy. Hàng năm, các nha môn, quan viên thu thuế phải theo lệnh chỉ: "Miễn thuế để hậu đãi công thần đời trước và tiện việc tế tự, nhược trái lệnh chỉ thì có tội".

Ngày nay, trên địa bàn xã Hưng Trung và một số xã phụ cận như Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên), xã Nghi Công Bắc, Nghi Công Nam, Nghi Diên, Nghi Đồng, Nghi Phương (huyện Nghi Lộc)... vẫn còn một hệ thống "dăm thờ" (mộ táng bằng) của dòng họ Đinh. Hàng năm, con cháu dòng họ Đinh Bạt vẫn tôn tạo. Tại Quốc Tử Giám (Huế), danh bia ngài tiến sỹ Đinh Bạt Tụy vẫn còn mãi mãi với thời gian. Ngay trên quê hương xứ Nghệ, danh ngài Đinh Bạt Tụy đã được chọn đặt tên đường ở TP Vinh và tên của một ngôi trường THPT ở huyện Hưng Nguyên. Trao đổi với chúng tôi, ông Định Bạt Động, tộc trưởng họ Đinh hiện nay nhận định: "Họ Đinh Bạt chúng tôi đã trải qua 13 đời, con cháu đều hưng thịnh, thành đạt và một lòng thờ phụng tiên tổ. Sự phát đạt của vị tiên tổ Thượng thư Khê quận công Đinh Bạt Tụy cũng như con cháu là nhờ chung phúc từ ngôi mộ "Thiên táng" ngài Đức Thái bảo Chính đạo công Đinh Văn La và sự phúc thiện của ngài Đinh Văn Hùng. Đến nay, chúng tôi luôn tự hào vì có nhiều con cháu học hành thành đạt, góp phần làm sáng danh họ tộc". Hiện tại, dòng họ Đinh đang lưu giữ 36 đạo sắc bằng rồng do nhà vua ban tặng tại đền thờ Đinh Bạt Tụy.

Vĩnh Xuân - Hưng Trung

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động