Kỳ 4: UBND xã không giải thích được tiền cho thuê đất hiện ở đâu?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVi phạm trên đất nông nghiệp của người dân một phần không nhỏ xuất phát từ văn bản chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm. Ảnh: K.H |
Huyện, xã đồng tình cho thuê đất trái luật
Trước thời điểm năm 2018 hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp thuộc khu đất Soi Baza, xã Ninh Hiệp được nhiều hộ dân sử dụng, trong đó nhiều hộ dân sử dụng không đúng mục đích, thậm chí xây kho hàng, công trình kiên cố với diện tích lớn. Việc sử dụng này không những không bị xử lý dứt điểm mà còn được lãnh đạo UBND xã Ninh Hiệp hợp thức hóa bằng những hợp đồng cho thuê đất.
Ngày 27/3/2020, UBND huyện Gia Lâm có văn bản số 776/UBND-TN&MT do ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện ký chấp thuận đơn giá để tiếp tục cho thuê đất tại vị trí A1 nói trên. Kèm theo đó là danh sách 45 hộ thuê đất. Văn bản này cho thấy UBND huyện và xã đang hợp thức hóa cho các công trình xây kiên cố, kho hàng hiện diện trên đất nông nghiệp.
Cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, quá trình về xã Ninh Hiệp làm việc theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội phát hiện việc ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã trực tiếp ký hợp đồng thuê đất với người dân không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 132 Luật Đất đai năm 2013.
Thanh tra TP kiến nghị tới UBND TP Hà Nội giao huyện Gia Lâm chỉ đạo UBND xã Ninh Hiệp tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, vi phạm trong việc ký hợp đồng thuê đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (xây dựng công trình trên đất nông nghiệp) của hộ ông L.D.C. Cùng với đó, chấm dứt việc cho 45 hộ dân trong xã thuê đất như danh sách kèm theo văn bản số 776/UBND-TN&MT, ngày 27/3/2020 của UBND huyện Gia Lâm. Việc cho thuê đất này không đúng quy định tại Điều 132 Luật Đất đai năm 2013.
Tiền thuê đất ở đâu?
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 27/3/2020, UBND huyện Gia Lâm có Văn bản số 776/UBNDTN&MT chấp thuận đơn giá để tiếp tục cho thuê đất tại vị trí A1 thuộc quỹ đất công do UBND xã Ninh Hiệp quản lý, giao UBND xã Ninh Hiệp ký hợp đồng với 45 hộ, đơn giá cho thuề là: 60.000 đồng/m2/năm đối với diện tích đất sử dụng phi nông nghiệp và 2.000 đồng/m2/năm đối với đất sử dụng nông nghiệp, trong đó có hộ ông L.D.C.
Quá trình sử dụng đất, từ năm 2013 đến năm 2019, nhiều hộ dân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (xây dựng công trình trên đất nông nghiệp). Theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội, hành vi này vi phạm quy định tại Điều 8 Nghị định số 105/NĐ-CP ngày 11/11/2009; khoản 2, Điều 8 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014; khoản 2, Điều 11 Nghị định số 91/2019NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, nhiều công trình vi phạm không bị UBND xã Ninh Hiệp xử lý và vẫn tồn tại đến thời điểm này.
Theo Thanh tra TP Hà Nội, việc để công trình vi phạm luật hoàn thiện đưa vào sử dụng là không thực hiện đúng nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1, Điều 3 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012. Trách nhiệm trên thuộc về UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Ninh Hiệp.
Liên quan đến tiền thuê đất, làm việc về trường hợp của ông L.D.C, Thanh tra TP phát hiện, ông L.D.C đã hoàn thành việc nộp tiền thuê đất cho UBND xã từ năm 2013 đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, ngoài Phiếu thu số PT80 với số tiền thuê đất là 306.112.000 đồng năm 2019 - 2020, UBND xã Ninh Hiệp chưa cung cấp đủ các chứng từ về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến tiền thuê đất của hộ ông L.D.C cho Thanh tra TP. Do đó, về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến tiền thuê đất của hộ ông C cần được kiểm tra, xử lý theo quy định.
Luật sư Phương Tuyến phân tích, chỉ riêng hộ ông L.D.C, UBND xã đã không chứng minh được số tiền thuê đất trong suốt thời gian dài đang ở đâu. Vậy với 44 hộ dân còn lại, lãnh đạo xã Ninh Hiệp và các bộ phận liên quan sẽ chứng minh ra sao? Điều này rất cần UBND huyện Gia Lâm, Thanh tra TP Hà Nội tiếp tục làm rõ.
Việc UBND xã Ninh Hiệp không rõ ràng trong thu và quản lý tiền thuê đất của người dân có dấu hiệu của: “Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 221, Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:…Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán; Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán; Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán.
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt…
Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”.
(Còn nữa)
Kỳ 3: Cần làm rõ trách nhiệm! | |
Kỳ 2: Ban hành văn bản cho thuê đất có đúng qui định? | |
Kỳ 1: Chấm dứt việc cho 45 hộ dân thuê đất vi phạm luật tại xã Ninh Hiệp |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại