Thứ hai 25/11/2024 17:02
Bất cập nhà ở xã hội và hy vọng gỡ rối từ Luật Nhà ở sửa đổi:

Kỳ 4: Thiếu vốn hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những khó khăn, vướng mắc cũng như các bất cập của Luật Nhà ở 2014 đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) tiếp tục được Bộ Xây dựng chỉ ra trong Tổng kết thi hành chính sách phát triển NƠXH.
Khu nhà ở xã hội Ecohome 1, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), Hà Nội.             Ảnh: P.H
Khu nhà ở xã hội Ecohome 1, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), Hà Nội. Ảnh: P.H

Bất cập từ việc xác định đối tượng đến điều kiện về cư trú

Cũng trong báo cáo, ngoài những bất cập của DN khi thực hiện NƠXH, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những bất cập của Luật Nhà ở đối với các đối tượng mua, bán NƠXH.

Cụ thể, về đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH, Luật Nhà ở năm 2014 có quy định ưu đãi cho DN, HTX sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong trường hợp tự lo chỗ ở cho người lao động. Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định đối tượng này là đối tượng được thụ hưởng chính sách NƠXH, trong khi nhu cầu của các đối tượng này là rất lớn để lo nhà ở cho công nhân của DN mình.

Theo quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng để được mua, thuê, thuê mua NƠXH không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (nhà ở, cư trú, thu nhập). Việc này dẫn đến bất cập là những người thu nhập thấp, để thuê NƠXH (không mua bán, chuyển quyền sở hữu nhà ở) cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ chứng minh 3 điều kiện nêu trên.

Bên cạnh đó, việc quy định điều kiện về cư trú “Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi có NƠXH; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, TP này” để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của các địa phương có dự án NƠXH chỉ chăm lo nhà ở cho người dân, người lao động làm việc trên địa bàn đã không còn phù hợp trong tình hình mới, đồng thời phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Luật Nhà ở 2014 chưa có quy định cho phép DN, HTX thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH trong khi trên thực tế nhu cầu của các DN, HTX muốn mua, thuê NƠXH để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay ưu đãi để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua NƠXH (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu so với nhu cầu.

Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì Ngân hàng này đã đề xuất bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho nhu cầu vốn hỗ trợ NƠXH giai đoạn 2016 - 2020 là 18.977,5 tỷ đồng (trong đó, vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 9.000 tỷ đồng; vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại hỗ trợ cho vay NƠXH là 9.977,5 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được phân bổ 2.163 tỷ đồng (mới chỉ đạt 24% so với nhu cầu giai đoạn 2016 - 2020). Đối với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay NƠXH. Vì vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa có chủ đầu tư dự án NƠXH nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Cũng vậy, nguồn vốn cấp cho khách hàng là người mua, thuê, thuê mua NƠXH vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng còn thiếu rất nhiều.

Mới chỉ hoàn thành 41,7% kế hoạch đề ra

Việc không mặn mà của DN cũng như các bất cập khiến chính sách đầy nhân văn này của Chính phủ còn cách rất xa mục tiêu đề ra.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, cả nước mới hoàn thành 307 dự án NƠXH khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn chỉ đạt 41,7% kế hoạch đề ra.

Giai đoạn 2021-2030, Chính phủ phê duyệt “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Tuy nhiên, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021 - 2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công với quy mô 20. 210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.

Luật Nhà ở được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2014, có 13 Chương với 183 Điều, trong đó dành 01 chương (Chương 4) để quy định riêng về chính sách NƠXH.

Có thể nói rằng đây là Chương mới quan trọng của NƠXH, Bộ Xây dựng cung đã chỉ ra những tồn tại Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực NƠXH.

Kể từ khi Luật Nhà ở được ban hành thì việc thực hiện chủ trương này đã được triển khai rộng khắp trong cả nước, nhiều đối tượng là người lao động, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã được Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ về nhà ở. Qua tổng hợp báo cáo của 60/63 địa phương, đến nay đã có 507 dự án NƠXH độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với tổng diện tích đất hơn 1.983ha.

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành hoàn thành 307 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000m2.

Tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn TP đã có 25 dự án đã hoàn thành với 1.254.087m2 sàn NƠXH. Ngoài ra, hiện có 52 dự án đang triển khai với 4.139.346m2 sàn NƠXH.

Từ những bất cập, hạn chế đó trong chính sách phát triển NƠXH, việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) 2023 được kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ được những “nút thắt” về NƠXH.

Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã quy định nhiều nội dung liên quan đến vấn đề NƠXH như: quy định cụ thể 10 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở như: người có công với cách mạng, công nhân lao động, người thu nhập thấp tại đô thị... quy định cụ thể các cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng; quy định về quỹ đất để phát triển0; thủ tục lựa chọn chủ đầu tư…

(Còn nữa)

Kỳ 1: Khó cho người nghèo khi mua nhà ở xã hội
Kỳ 2: Lý do khiến người lao động khó tiếp cận nhà ở xã hội
Kỳ 3: Những bất cập khiến doanh nghiệp không mặn mà
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động