Kỳ 4: Tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc 2023. Ảnh: Khánh Huy |
Sự vào cuộc của các cấp, ban, ngành, đoàn thể
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của TP tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, phổ biến, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Hàng năm chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết ở các tổ chức đảng trực thuộc, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của TP; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết.
Đảng đoàn HĐND TP: Chỉ đạo cụ thể hóa nội dung Nghị quyết bằng các chính sách gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước theo quy định đáp ứng yêu cầu về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng thành phố học tập; xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy.
Ban cán sự đảng UBND TP: Chỉ đạo UBND TP xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Lãnh đạo UBND TP chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành quán triệt Nghị quyết, đề xuất xây dựng kế hoạch, các cơ chế chính sách, các đề án, dự án cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành tổ chức triển khai, đảm bảo thực hiện Nghị quyết hiệu quả; phân công rõ người, rõ nhiệm vụ, lộ trình, tiến độ thực hiện để các cấp, các ngành thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra. Chủ trì tham mưu, chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ hàng năm báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết.
Đảng đoàn MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội: Xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về vai trò, vị trí của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP. Tham gia hoạt động theo dõi, kiểm tra, phản biện việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện Nghị quyết.
Các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy: Ban Tuyên giáo Thành ủy xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết đến các tổ chức đảng và đảng viên; chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp của TP để tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết và những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND TP tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.
Các ban đảng và Văn phòng Thành ủy, căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết. Tham mưu, giúp Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện.
Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy: Tổ chức quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; căn cứ Nghị quyết, xây dựng kế hoạch, đề án, chuyên đề công tác để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy. Định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện Nghị quyết. Chỉ đạo Hội Khuyến học trực thuộc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, coi đó là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại chính là chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô. Đây là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012. Điều 13 Luật Thủ đô 2012 quy định “Hội đồng nhân dân TP Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”. Trên cơ sở quy định đó cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Nội dung của quy định mới chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế; số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút;
Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp như: tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn; Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng theo chính sách này, qua đánh giá của các cơ quan, đơn vị sử dụng thì hầu hết chưa có thành tích vượt trội, nổi bật so với những công chức, viên chức được tuyển dụng theo những quy định chung;
Kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần theo tinh thần của Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND còn thấp. Ngoài ra, các đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút của Thành phố không được hưởng thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác. Chưa thu hút được các nhóm đối tượng như: chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân… do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp.
Kết quả trên cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của TP chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn. Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô , Nghị quyết số 15-NQ/TWcủa Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.
Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế 02 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô. Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND TP Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, dự thảo Luật cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách TP để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô; bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao...phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.
Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
Để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Bởi lẽ, môi trường mà ở đó, họ được khẳng định chính mình, bộc lộ năng lực sở trường, được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với nhân tài, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ, lương bổng.
(Còn nữa...)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại