Kỳ 3: Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên( |
Học sinh trường THCS Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Duy Linh |
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Thứ nhất, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ để thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tăng cường hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; đồng thời tiếp tục phát động các phong trào, cuộc vận động để huy động nguồn lực, sự tham gia hưởng ứng của Nhân dân trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Thứ 2, đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức phong phú, thiết thực để người dân nhận thức rõ hơn về sự cần thiết xây dựng xã hội học tập, phát triển các mô hình học tập: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập, trên cơ sở đó sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập nhằm khơi dậy tinh thần vươn lên tự giác học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân toàn cầu của người dân; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập để thúc đẩy nhân rộng và lan tỏa.
Thứ 3, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội học tập trong phạm vi từng địa phương, đơn vị. Cấp ủy Chính quyền các cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn; tạo thuận lợi cho các trung tâm học tập cộng đồng tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, đào tạo nghề, xây dựng xã hội học tập thực sự hiệu quả. Từng bước tổ chức xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” ở cấp quận, huyện, ở cơ quan, đơn vị; mô hình “TP học tập”, “Công dân học tập” với những năng lực cốt lõi để có thể sống và làm việc trong điều kiện của nền kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.
Thứ 4, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn TP để phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh và nâng cao phát triển đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, nâng cao chất lượng đào tạo; chú trọng công tác kiểm định chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng. Tăng cường xây dựng, khai thác, tích hợp, chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở với các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Thứ 5, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội trong phong trào khuyến học, khuyến tài phù hợp với tình hình mới. Mỗi tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên trong tổ chức để góp phần cùng với gia đình, dòng họ, tổ dân phố, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học... không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Thứ 6, phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập. Củng cố và phát triển Hội Khuyến học ở các cộng đồng dân cư; phát triển tổ chức khuyến học trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học... và trong lực lượng vũ trang. Phát huy vai trò và trách nhiệm của Hội Khuyến học các cấp trong việc đồng hành cùng hệ thống chính trị, toàn dân để khơi dậy mạnh mẽ khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Từ đó tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn TP, gắn kết các tiêu chí công nhận mô hình học tập, công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập với gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và các phong trào thi đua của TP
Thứ 7, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách về giáo dục, xây dựng xã hội học tập, phong trào học tập suốt đời. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời; cơ chế, chính sách về công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sắp xếp và trọng dụng người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP. Từ đó phát huy năng lực, trình độ, trí tuệ của mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thủ đô.
Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng để tăng hiệu quả hoạt động, nhất là các trung tâm học tập cộng đồng ở vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao, cơ sở giáo dục thông minh, cơ sở giáo dục tiên tiến, hiện đại chất lượng cao có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện quy chế kiểm tra, kiểm định, đánh giá, công nhận kết quả giáo dục, đào tạo.
Hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn TP; các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trực thuộc xây dựng mô hình tự chủ phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Thứ 8, tăng cường hợp tác quốc tế, phấn đấu trở thành “TP học tập” của UNESCO. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là đối với Tổ chức Văn hóa, Khoa học, giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO); nghiên cứu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu quốc tế về công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Chủ động, tích cực phấn đấu đạt được những tiêu chí cơ bản của “Thành phố học tập” để Thủ đô Hà Nội có thể tham gia mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO trong thời gian sớm nhất. Nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về công nghệ đào tạo mở và từ xa trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đẩy mạnh vận động, khuyến khích đội ngũ trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp với hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội.
Những nhiệm vụ và giải pháp khác
Nâng cao tỷ lệ và chất lượng xoá mù chữ cho người lớn gắn với việc phổ cập nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với phụ nữ. Thực hiện đa dạng hoá các hình thức học tập, củng cố kết quả xoá mù chữ, chống tái mù, xoá mù chữ chức năng để mọi người, mọi lứa tuổi đều có quyền học tập suốt đời phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân, với yêu cầu phát triển của địa phương và TP.
Nghiêm túc thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Khuyến khích cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn học ngoại ngữ. Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo của TP, đổi mới chương trình, tài liệu giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, lao động sáng tạo trong điều kiện nền kinh tế số. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và kỹ năng sống cho người lao động.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại