Thứ bảy 20/04/2024 17:21
Tình cảnh bệnh nhân nghèo mùa nắng nóng

Kỳ 2: Oằn lưng chống chọi với bệnh tật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đợt nắng nóng cao điểm tại Hà Nội có ngày nhiệt độ hơn 40 độ C. Dưới cái nắng oi bức, phả vào mái fibro xi măng càng khiến những phòng trọ “xóm chạy thận” Lê Thanh Nghị hầm hập như lò nung. Thế nhưng, 119 con người nơi đây vẫn phải chấp nhận cuộc sống ở khu trọ tồi tàn để dành dụm tiền chạy chữa căn bệnh của nhà giàu nhưng nhà nghèo mắc phải.
Ông Nguyễn Trọng Điều bị huyết áp tăng vì nắng nóng. Ảnh M.Miên
Ông Nguyễn Trọng Điều bị huyết áp tăng vì nắng nóng. Ảnh M.Miên

Những phận đời khốn khó

Con đường nhỏ dẫn vào xóm chạy thận Lê Thanh Nghị là khu nhà trọ lụp xụp, tồi tàn. Sau cánh cổng sắt là các dãy phòng trọ được thiết kế phòng sát nhau, mỗi phòng rộng chừng 4m2, 8m2, 10m2. Mái hiên dãy trọ được chắp vá bằng mái che fibro xi măng hoặc những tấm bạt rách tả tơi. Những người bệnh ở đây đủ mọi lứa tuổi, đến từ nhiều tỉnh, thành từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Cao Bằng, Hà Nội…Họ chấp nhận cuộc sống khốn khó cũng bởi một chữ “nghèo”.

Anh Mai Anh Tuấn, tổ trưởng “xóm chạy thận” Lê Thanh Nghị chia sẻ, “xóm chạy thận” Lê Thanh Nghị hiện có 119 bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Họ có chung hoàn cảnh là nghèo khó, bị suy thận, phải lọc máu hàng tuần để kéo dài sự sống.

Chỉ tay về phía khu nhà trọ cuối ngõ 121 Lê Thanh Nghị, anh Tuấn giới thiệu đây là dãy trọ nhỏ nhất với giá thuê 900.000 đồng/phòng cũng là giá thuê rẻ nhất tại “xóm chạy thận”. Gọi là phòng trọ cho “sang” vì có điều hòa chứ thực tế mỗi phòng diện tích chỉ rộng chừng 4m2, chiều cao đủ với tay là đến trần nhà, các vật dụng sinh hoạt được tối giản với nồi cơm điện, cái xoong, chiếc quạt và mấy chiếc xô, chậu nhỏ. Cuộc sống tạm bợ khiến cho những người bệnh vốn đau yếu càng thêm lay lắt vì nắng nóng.

Sau cánh cổng sắt là dãy nhà trọ “xóm chạy thận” lụp xụp, tồi tàn.
Sau cánh cổng sắt là dãy nhà trọ “xóm chạy thận” lụp xụp, tồi tàn.

Ông Nguyễn Trọng Điều (SN 1954, Hà Nam) vừa trải qua đợt cấp cứu nên sức khỏe yếu, nằm co quắt trên chiếc giường tre cũ kỹ. Ông cũng là bệnh nhân duy nhất khu nhà trọ có người nhà đến chăm nom, túc trực. 8 năm nay, bà Ngát bỏ ruộng vườn ở quê để lên Hà Nội chăm chồng bị bệnh. Trước đây, khi sức khỏe ông Điều ổn định, bà Ngát đi rửa bát thuê tại các quán ăn quanh khu vực để kiếm đồng tiền mua mớ rau, con cá. Từ ngày ông Điều bị bệnh nặng nên bà Ngát nghỉ việc để chăm sóc ông.

“Sinh hoạt trên Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ, hai vợ chồng tôi phải cố gắng tằn tiện để còn lo chi phí thuốc thang, tiền thuê nhà trọ. Mỗi tháng chi phí 4-5 triệu đồng, cũng là số tiền lớn đối với hai vợ chồng già”, bà Ngát cho biết.

Trong căn phòng nóng hầm hập, thỉnh thoảng ông Điều phải ngồi dậy thở dốc vì không ngủ được. Huyết áp của ông Điều lại tăng, bà Ngát vội vàng lấy thuốc để cho ông uống. Từ năm nay các phòng trọ lắp điều hòa nhưng riêng phòng ông Điều thì không có. Đợt vừa qua, có đoàn hảo tâm trao tặng chiếc quạt cây phần nào giúp đỡ ông trải qua mùa nắng nóng.

Cách phòng của ông Điều không xa là căn phòng của em Đặng Thị Xiêm (SN 1994, Cao Bằng). Kết thúc ca lọc máu buổi sáng tại BV Đống Đa, cơ thể Xiêm mệt mỏì, ủ rũ. Thế nhưng, chỉ nằm nghỉ ngơi 30 phút là Xiêm lại ngồi dậy làm các bức tranh giấy. Xiêm cho biết, mỗi bức tranh giấy nhỏ sau khi hoàn thiện được trả công 15.000 đồng/thiệp. Mỗi ngày, cô làm được từ 5-7 thiệp bởi sức khỏe hạn chế. Thu nhập từ việc làm thêm giúp cô trang trải chi phí sinh hoạt tại Thủ đô.

Gắn bó với máy lọc thận từ tuổi đôi mươi, Xiêm cũng từng gác lại ước mơ học hành. Bên cạnh nỗi đau thể xác còn là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ không khí mát mẻ nơi miền sơn cước. Quê em ở cách hồ Ba Bể chừng 20km, mỗi tháng Xiêm đều tranh thủ về nhà dù thời gian di chuyển vất vả.

Người “thắp lửa” niềm tin

28 năm gắn bó với máy lọc thận anh Mai Anh Tuấn (SN 1979, huyện Ba Vì, Hà Nội) được những bệnh nhân trong xóm tín nhiệm làm “Trưởng xóm” giữ vai trò kết nối với các nhà hảo tâm, thông tin liên lạc, hỗ trợ các bệnh nhân chạy thận. Công việc “vác tù và hàng tổng” dù bận rộn nhưng khiến anh vui vẻ, lạc quan hơn.

Căn phòng 4m2 chật hẹp là nơi ở của hai vợ chồng ông Nguyễn Trọng Điều. Ảnh M.Miên
Căn phòng 4m2 chật hẹp là nơi ở của hai vợ chồng ông Nguyễn Trọng Điều. Ảnh M.Miên

Với khuôn mặt gầy gò, hốc hác, anh Tuấn cho biết căn bệnh suy thận khiến anh sụt cân xuống còn 45kg. Với thể trạng gầy nên sau mỗi ca lọc máu tại BV Bạch Mai, anh Tuấn tranh thủ nằm nghỉ tại phòng bệnh, hết giờ mới trở về phòng trọ. Vì có về phòng trọ nắng nóng cũng không thể ngủ được. Có những ngày máy lọc máu bị lỗi, hỏng thì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Anh Tuấn cho hay, từ lúc nhỏ gia đình phát hiện anh bị bệnh viêm cầu thận nhưng chỉ điều trị uống thuốc tại nhà. Sau một lần bị sốt, nhập viện Đa khoa Ba Vì điều trị nhưng không khỏi. Khi chuyển đến BV Bạch Mai thì cơ thể “rũ như tàu lá chuối” với thân hình gầy rộc, huyết áp cao, đau đầu, bí tiểu. Chiến đấu với nỗi đau bệnh tật nhưng anh Tuấn luôn giữ vững tâm lý lạc quan, anh thường xuyên nghe kinh Phật để cho tâm trí thư thái.

Theo anh Tuấn, mỗi bệnh nhân chạy thận nếu là hộ nghèo, không sử dụng thêm dịch vụ khác nữa thì không mất phí. Dù vậy, nhiều người dù khó khăn vẫn chấp nhân vay mượn ngược xuôi để có tiền mua thêm thuốc hỗ trợ, giảm nỗi đau bệnh tật dày vò. Có trường hợp bệnh nhân nghèo, bác sĩ kê đơn 2 triệu đồng nhưng bệnh nhân chỉ mua một nửa đơn, hay 1/3 đơn thuốc. Số tiền chắt chiu để lo trang trải tiền sinh hoạt hàng tháng, duy trì cuộc sống.

Tháng 6 này, “xóm chạy thận” kỷ niệm tròn 30 năm từ ngày bệnh nhân đến ở xóm này. Dự kiến, anh Tuấn và 119 bệnh nhân sẽ tổ chức lễ kỷ niệm nho nhỏ để mọi người có dịp gặp mặt, chia sẻ, là “liều thuốc” tinh thần giúp vơi bớt nỗi đau cho những bệnh nhân vẫn hàng ngày chống chọi với căn bệnh quái ác.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Giọt nước mắt của sĩ tử trước mùa thi
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động